Cùng điểm danh những nỗi nhớ làm “đao lòng” người phương xa.
Cùng điểm danh những nỗi nhớ làm “đao lòng” người phương xa.
Sắp hết năm, du học sinh lại lục tục hồi hương ăn Tết. Nhưng cũng có những cánh chim ca bài “Xuân này con không về”. Đi học xa nhà thì nhớ gì nhất? Cùng điểm danh những nỗi nhớ làm “đao lòng” người con xa xứ nha.
1. NHÀ
Không phải tự nhiên mà tiếng Anh xuất hiện cụm từ home-sick – bệnh nhớ nhà. Nhà là một khái niệm trừu tượng bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần. Nhớ cảm giác vùi đầu trong mền, “nướng khét lẹt” mỗi sáng cuối tuần, nhớ bữa cơm má nấu hồi đó gọi xuống ăn mà ỉ ôi không thèm xuống.
Nhà đứa nào mà có boss thì thôi luôn. Boss cũng là một phần của nhà, một thành phần gây nhung nhớ mức độ nặng (Bách Khoa có chị Tiết vắng mặt thời hậu sản mấy ngày thôi mà đã thấy trống vắng rồi).
Bệnh nhớ nhà trở nặng nhất là vào mùa Tết, “bệnh nhân” có biểu hiện ủ rũ, tự kỷ, chán ăn, thường lên mạng cập nhật tình hình quê nhà qua Facebook của bạn bè, người thân.
“Nhớ nhà” – căn bệnh thường gặp của nhiều du học sinh. – Ảnh: internet
2. ẨM THỰC
Sau nhà thì đến đồ ăn. Trời ơi, chứng kiến cảnh mấy đứa bạn vật vã bên đó vì thèm bánh tráng trộn chú Viên, bắp xào Hồ Con Rùa hay gỏi khô bò Lê Văn Tám mà vừa mắc cười vừa thấy thương. Bánh tráng nước ngoài 5 USD/bịch bằng ăn cả thau ở Việt Nam, đã vậy hương vị thì dĩ nhiên sao ngon bằng.
Chưa hết, ở Việt Nam lười ăn rau, qua bên đó không có rau mà ăn nha. Nói không có cho rùng rợn vậy thôi chứ cũng có nhưng mà mắc! Có khi tiền rau một ngày bằng một tuần tiền thịt. Để cân bằng chất thì phải ăn trái cây vô để bổ sung chất xơ, chứ không chắc tắc ruột luôn.
Nói chung nước ngoài thì không có khái niệm đồ ăn vặt, nên bột chiên, gỏi cuốn, bò bía, phá lấu gì đó thì mỗi lần về Việt Nam tranh thủ ăn cho ngán trước khi qua lại nước ngoài. Tránh tình trạng lũ bạn “tốt” chụp hình inbox hay “có tâm” hơn là tag vô mấy post quảng cáo của Foody, v.v…
Cách chia rẽ nội bộ nhanh nhất là tag mấy đứa đi du học vô mấy hình này. – Ảnh: Foody
3. KHOẢNG TRỜI RIÊNG
Hồi ở nhà, chán chán xách xe phóng một vòng Sài Gòn, qua hầm Thủ Thiêm hay bờ sông quận 7 hóng gió lại thấy tinh thần được lên dây. Qua đây muốn đi hóng gió cũng là cả một vấn đề nan giải. Đi bộ thì xa, bus thì bất tiện, xe hơi thì tiền đâu mua. Nói chung là mệt nhiều.
Ai có điều kiện có thể thuê phòng riêng còn có chốn riêng, chứ nhiều khi để tiết kiệm phải share phòng ở thì đúng là khái niệm riêng tư = zero luôn. Muốn kiếm một góc riêng, yên tĩnh cũng thật trở ngại. Cái khó ló cái khôn, nhiều bạn tìm “vùng trời bình yên” trong thư viện hay phòng tự học của trường. Nơi này tuy không được riêng tư tuyệt đối nhưng ít ra cũng là một giải pháp không tồi.
Tìm kiếm không gian tĩnh tâm tại thư viện. – Ảnh: internet
4. THỜI TIẾT
Lúc đầu chưa quen thì thời tiết thật sự là một cực hình. Nếu ở nhà thiên đường là combo “bật quạt, đắp mền” thì bên này phải hơn nhiều lần như vậy: combo “mấy lớp áo, mền dày, vớ chân, áo khoác, bao tay và bốt” may ra mới thoát khỏi mùa Đông.
Những bạn may mắn du học mỹ ở những bang có khí hậu ôn hòa, mát mẻ thì đỡ khổ, chứ những bạn đã trải qua cái lạnh ở Canada, Nga hay Phần Lan thì thật sự là có cảm giác mình cũng sắp thành gấu Bắc Cực đến nơi luôn. Cả ngày ở nhà trùm chăn, ăn và lăn. Chẳng trách mùa Đông là mùa làm con người ta lười biếng và lên ký vèo vèo.
Theo lời trần tình của những “khổ chủ” du học sinh thì tuyết chả có gì lung linh như hình ảnh thường thấy, vừa lạnh vừa dơ. Lúc đó thiệt sự là nhớ lắm cái nắng 12 giờ trưa ở nhà, cảm thấy sao ấm áp quá (nhưng tới khi về Việt Nam, ra đường lúc 12 giờ trưa lại âm thầm nhớ cái lạnh nơi xa xứ… Thiệt nghiệt ngã! :(((
“Tuyết không có lung linh đâu, chỉ có lạnh và lạnh thôi ạ!” – Ảnh: Animal Planet
Trên đây chỉ là bốn thứ hay bị du học sinh “lên án” mạnh mẽ nhất. Ngoài ra thì còn nhiều thứ gây “tổn hại” nỗi nhớ khác như “gấu”, đám bạn lầy lội…
Du học Úc mang lại những trải nghiệm mới mẻ nhưng cũng sẽ thử thách chúng ta rất nhiều trên phương diện tinh thần. Hãy luôn nhớ đến lý do vì sao bạn bắt đầu để không bao giờ bỏ cuộc và đánh rớt cơ hội mở rộng tương lai của mình nhé!
P/S: Còn sinh viên Bách Khoa thì sao, có lẽ sẽ nhớ nhất là con “quễ” Tiết này :”>:
QUÝ MINH