Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Gặp anh bạn “trùm” trao đổi sinh viên quốc tế của OISP

Tạm dừng chương trình học chính khóa tại trường để đi trao đổi nước ngoài không phải lúc nào cũng là lựa chọn dễ dàng với số đông sinh viên. Nhưng với Phạm Tiến Mạnh – sinh viên K14 Quản lý Tài nguyên & Môi trường, chương trình Chất lượng cao, Đại học Bách Khoa, thì không…

Tạm dừng chương trình học chính khóa tại trường để đi trao đổi nước ngoài không phải lúc nào cũng là lựa chọn dễ dàng với số đông sinh viên. Nhưng với Phạm Tiến Mạnh – sinh viên K14 Quản lý Tài nguyên & Môi trường, chương trình Chất lượng cao, Đại học Bách Khoa, thì khác.

Pham Tien Manh Erasmus Plus Bach Khoa OISP 01

Phạm Tiến Mạnh (hàng đứng, thứ hai từ trái qua) cùng bạn bè quốc tế tại Cộng hòa Séc.

Sự đánh đổi luôn có cái giá của nó. Để có thêm nhiều kiến thức, trải nghiệm quý báu nơi biển lớn, Mạnh phải chấp nhận: hoặc là ra trường trễ hơn bè bạn, mất một phần bài giảng, nỗ lực “cày cuốc” gấp nhiều lần khi trở lại giảng đường – hoặc là “20 năm sau sẽ hối hận về những gì mình đã không làm”.

Chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, Mạnh đã đến Singapore, Indonesia, Séc, Slovakia, và sắp tới là Đức, Tây Ban Nha, Ý… thông qua hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế.

Nào, thử liếc sơ qua bảng thành tích hoạt động học tập, xã hội, trao đổi quốc tế dày cộp của anh chàng sinh năm 1996 này trước khi làm quen với bản nhé!

PHẠM TIẾN MẠNH – SV K14 Quản lý Tài nguyên & Môi trường, chương trình Chất lượng cao

  • Giải Nhất OISP Presentation Contest 2014

  • Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Khối OISP 2015 – 2017

  • Thành viên đoàn trao đổi Temasek Foundation Specialist’s Community Actions & Leadership Exchange (TFSCALE) 2015

  • Giải Ba “Poster Khoa học ấn tượng” tại Ngày hội Kỹ thuật Đại học Bách Khoa 2016

  • Giải “Công trình Khoa học có poster ấn tượng” trong Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên OISP 2016

  • Tình nguyện viên hỗ trợ Chương trình Trao đổi sinh viên Newcastle University 2016 (Úc)

  • Top 50 ứng viên xuất sắc của cuộc thi SCG Young Leader Program 2016

  • Tình nguyện viên hỗ trợ Chương trình Trao đổi sinh viên Kansai University 2016 (Nhật)

  • Thành viên chương trình Asian Undergraduate Summit 2017 (Singapore)

  • Học bổng trao đổi Erasmus+ 2017 với Masaryk University (Séc)

 

* Được biết Mạnh đã tạm dừng chương trình học chính khóa ở Bách Khoa để tham gia chương trình trao đổi Erasmus+ (châu Âu) từ 9/2017 đến 2/2018. Quyết định này có khó khăn với em?

– Hoạt động trao đổi có hai loại. Đầu tiên là ta sẽ đi đến một quốc gia khác để học một khóa học ngắn hạn (kỹ năng lãnh đạo, những xu hướng tương lai như cách mạng công nghiệp 4.0, khởi nghiệp, trí tuệ nhân tạo…). Loại thứ hai là đón những bạn sinh viên quốc tế đến quốc gia bản địa và cùng họ trao đổi về học thuật lẫn văn hóa. Erasmus+ thuộc loại một.

Dù là loại một hay hai, người tham gia đều có vinh dự rất lớn khi được đại diện cho Việt Nam tại một hoạt động mang tính quốc tế. Vì vậy, trước khi tham gia, em phải dành thời gian nghiên cứu về những topic sắp được học, văn hóa và phong tục của nước bạn để thể hiện mình tốt nhất.

Mặt khác, khi ở trong một môi trường phải nói tiếng Anh 24/24, thì vốn từ vựng, độ phản xạ, kỹ năng thuyết trình và hùng biện bằng tiếng Anh là vô cùng quan trọng nếu không bị lạc lõng giữa tập thể. Ngoài ra, sức khỏe cũng đóng vai trò then chốt: những chương trình trao đổi sinh viên thường ngắn nên người tham gia rất tận dụng thời gian sau giờ học để đi khám phá vùng đất mới hay party thâu đêm, nhưng vẫn phải đảm bảo được việc lên lớp ngày hôm sau đúng giờ và tiếp thu bài giảng hiệu quả.

Và cuối cùng, đi trao đổi có nghĩa là phải dừng việc học ở Bách Khoa lại, em chấp nhận ra trường trễ hơn hoặc mất một phần bài giảng. Nhưng Mark Twain đã từng nói “20 năm sau bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì mình đã làm”. Kinh nghiệm quý báu, những bài học bổ ích, cơ hội kết thân với bạn bè khắp thế giới, trải nghiệm nhiều nơi chốn thú vị và các nền văn hóa đa dạng… đã thôi thúc em tham gia chương trình trao đổi này.

Pham Tien Manh Erasmus Plus Bach Khoa OISP 02

Có ai nhận ra Mạnh và là cờ Tổ Quốc trong dàn sinh viên quốc tế không? ^^

Pham Tien Manh Erasmus Plus Bach Khoa OISP 03

Cận cảnh nè. ^^

* Những trải nghiệm đáng nhớ nhất của em với khi tham gia Erasmus+ tại Cộng hòa Séc?

– Trở thành một trong ba người được chọn của Bách Khoa (trong đó có một sinh viên chương trình Tiên tiến ngành Điện – Điện tử) tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại Masaryk University (đại học công lập lâu đời thứ hai tại Séc) là niềm vinh hạnh rất lớn đối với em. Khát khao được một lần đặt chân đến châu Âu đã có trong em từ rất lâu rồi, và không thể ngờ rằng, năm 21 tuồi em đã đạt được điều đó.

Séc là quốc gia nằm ở “trái tim” của lục địa già, em có thể đến mọi thành phố đẹp nhất ở châu Âu (Prague, Paris, Venice, Vienna…) từ đây bằng xe buýt hoặc xe lửa, với giá rất thấp, lại còn giảm giá cho sinh viên. Masaryk University là trường đại học danh giá của Séc, các lớp học được điều hành bởi những giáo sư hàng đầu thế giới, bài giảng được cập nhật liên tục. Chưa hết, Séc còn nổi tiếng với lượng bia trên đầu người cao nhất thế giới (150 lít/người), giá bia ở đây rẻ hơn các nước trong cùng khu vực. Cuối tuần, ngoài những hoạt động thể thao (đá banh, bơi lội, tennis…), còn có những chuyến dã ngoại thú vị dành cho sinh viên.

Pham Tien Manh Erasmus Plus Bach Khoa OISP 04

Tham gia chương trình trao đổi quốc tế, Phạm Tiến Mạnh có cơ hội du lịch nhiều nơi trên thế giới. Trong ảnh: Mạnh ở Slovakia.

* Tham gia nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi đa quốc gia, Mạnh cảm nhận thế nào về sinh viên quốc tế?

– Nhiều người thường cho rằng, sinh viên các nước trong khu vực và trên thế giới nhỉnh hơn về nhiều mặt so với sinh viên Việt Nam. Theo em, quan điểm này chưa đúng hoàn toàn. Thứ nhất, với sinh viên các quốc gia phát triển như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc…, họ được tiếp xúc với công nghệ tân tiến nhất trên thế giới ngay từ khi còn nhỏ. Một lần đến tham quan công ty Singtel (Singapore), em mới biết rằng tại đây họ đã bắt đầu ứng dụng công nghệ 5G vào các sản phẩm mới nhất của họ (khi ấy Việt Nam chỉ mới đi vào sử dụng rộng rãi 4G được một tháng). Cũng ở Singapore, học sinh được quan sát thực tế các loài sinh vật kỳ lạ ở đáy đại dương, những con quái thú thời cổ đại ở Bảo tàng Đại học Quốc gia Singapore (NUS Museum) từ khi còn nhỏ. Lớn lên một chút, các em được học cách làm việc nhóm, viết báo cáo, miêu tả vạn vật bằng ngữ của chính mình. Nhờ đó, khi lên đến đại học, các bạn ấy đã tích lũy rất nhiều kỹ năng mềm.

Ngược lại, phía sinh viên Việt Nam nói chung và Bách Khoa nói riêng đều là những con người rất cần cù và sáng tạo. Bước ra thế giới với tư cách là một người đại diện cho quốc gia, nên ai cũng cố gắng hết sức để không phụ sự kỳ vọng của nhà trường và ba mẹ. Tại chương trình nào, sinh viên Việt Nam cũng là người ghi chép nhiều nhất, sáng tạo nhiều nhất, xung phong trả lời và thuyết trình nhiều nhất. Đặc biệt hơn hết, sinh viên Việt luôn là người “quẩy” nhiệt tình nhất. Và khi kết thúc mỗi chương trình, sinh viên Việt luôn để lại ấn tượng tốt trong mắt các nước bạn.

Cũng nói thêm, việc báo chí đưa quá nhiều tin tiêu cực về Hồi giáo (đánh bom khủng bố, bắt cóc…) khiến em có một chút lo lắng khi đến Indonesia – quốc gia đông dân Hồi giáo nhất thế giới. Nhưng tất cả những nỗi lo ấy đều tan biến hết khi em được các bạn sinh viên ở Airlangga University (top 5 đại học hàng đầu xứ vạn đảo) tiếp đón rất nồng hậu. Với những người đạo Hồi, tháng Ramada là lúc họ phải nhịn ăn nhịn uống từ khi mặt trời mọc cho đến khi không còn tia nắng nào chiếu sáng nữa. Bên cạnh đó, do phải cầu nguyện 5 lần/ngày nên họ phải thức dậy từ 4 giờ sáng để thực hiện nghi lễ và nạp năng lượng cho cả ngày. Họ – với danh nghĩa là nước chủ nhà, đã chăm sóc tụi em rất chu đáo và chuyên nghiệp. Sau chuyến đi, em đã có rất nhiều bạn thân đến từ quốc gia hàng xóm này.

Pham Tien Manh Erasmus Plus Bach Khoa OISP 06

Mạnh (ngoài cùng bên phải) và bạn bè quốc tế trong đêm truyền thống các quốc gia tại chương trình Asian Undergraduate Summit 2017.

 * Theo Mạnh, sinh viên cần trang bị những kỹ năng gì để “săn” học bổng nước ngoài?

– Mỗi học bổng đều có tiêu chí đánh giá riêng. Chương trình trao đổi sinh viên Erasmus+ cũng là một dạng học bổng. Ban Xét duyệt sẽ dựa trên các yếu tố như: sức thuyết phục của motivation letter (thư ngỏ trình bày động cơ ứng tuyển), năng lực ngoại ngữ, điểm GPA, các hoạt động ngoại khóa đã tham gia… Điều các bạn cần làm là chuẩn bị hồ sơ thật tốt, lên các diễn đàn “săn” học bổng để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, đi tìm cơ hội phù hợp nhất với mình.

* Nói về Bách Khoa và OISP, Mạnh nhớ nhất những gì?

– Trước khi vào học đại học, em rất thiếu tự tin vào bản thân, nghĩ rằng mình không thể nào làm được những việc lớn lao vì xung quanh có rất nhiều người giỏi. Nhưng khi vào Bách Khoa, học chương trình Chất lượng cao, các thầy cô, anh chị trong trường và Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) đã giúp em ngày một hoàn thiện bản thân. Cô Võ Thanh Hằng (giảng viên Bộ môn An toàn – Sức khỏe và Môi trường) và anh Lê Đức Huy (Phó Bí thư Đoàn trường) đã tận tình hướng dẫn em trong lớp Soft Skills, giúp em nhận ra những khả năng tiềm ẩn của mình, khích lệ mỗi khi em làm tốt và động viên mỗi lần em thất bại.

Ngoài ra, anh Huy cũng tạo rất nhiều cơ hội cho em hoạt động trong Đoàn Khối OISP, hướng dẫn em từ những bước nhỏ nhất, giúp em tự tin giao tiếp với mọi người. Cô Hằng thì luôn khuyến khích em tham tham gia những hoạt động của Khoa Tài nguyên & Môi trường, của trường; cô cũng viết thư giới thiệu cho em – điều này đã giúp hồ sơ của em trở nên có trọng lượng hơn mắt Ban Xét duyệt.

Đặc biệt, em rất biết ơn thầy Đào Thanh Sơn (chủ nhiệm lớp CC14QLMT, giảng viên Bộ môn Quản lý Môi trường) đã chân thành chia sẻ cho em những kinh nghiệm học của riêng thầy, luôn dành thời gian lắng nghe, giúp đỡ em hết mình mỗi khi em gặp khó khăn trong học tập lẫn cuộc sống.

Điều em thích nhất đó là OISP luôn tạo điều kiện hết sức cho em tham gia những chương trình trao đổi: chị Thảo Lê, anh Chiêu, chị Oanh… luôn tận tình hướng dẫn em làm các thủ tục giấy tờ vô cùng phức tạp, và họ cũng chưa bao giờ tỏ ra phiền hà, bực mình khi em đặt câu hỏi.

Em cũng không quên Phòng Quan hệ đối ngoại của trường đã mang đến nhiều cơ hội ra biển lớn cho sinh viên, giúp tụi em phát triển tốt hơn.

Pham Tien Manh Erasmus Plus Bach Khoa OISP 07

Tiến Mạnh (giữa) cùng bạn bè và thầy chủ nhiệm lớp CC14QLMT – TS. Đào Thanh Sơn (ngoài cùng bên trái).

* Vì sao em chọn học Quản lý Tài nguyên & Môi trường chương trình tiếng Anh?

– Đây là ngành học rất hay! Học Môi trường là học về những thứ nhỏ bé như vi sinh vật, các loại tảo, cho đến những thứ lớn hơn như toàn bộ hệ sinh thái. Cùng với đó là cách quản lý hệ thống xử lý chất thải rắn, không khí và nước bằng kiến thức hóa học, vi sinh hay phân tích dữ liệu (môn Environmental Hydrology, GIS Application & Remote Sensing for Natural Resources & Environmental Management).

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, môi trường đang là vấn đề gây nhiều nhức nhối cho xã hội. Chắc chắn nhu cầu nhân lực của ngành này trong tương lai sẽ rất lớn.

Nhờ học ngành này bằng tiếng Anh mà em có lợi thế trong việc đọc tài liệu, sách chuyên ngành, nghe những chuyên gia quốc tế phân tích mà không gặp chút khó khăn gì.

* Kế hoạch trong tương lai gần của em là gì?

– Sau khi kết thúc năm tháng ở châu Âu (2/2018), em sẽ trở về Bách Khoa để hoàn thành chương trình học còn lại của mình. Trở thành chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế môi trường là mục tiêu tiếp theo của em và em sẽ không dừng lại cho đến khi nào đạt được.

* Cảm ơn Mạnh vì những chia sẻ rất thú vị và chúc em thành công!

Một số hình ảnh đáng nhớ của Phạm Tiến Mạnh từ các chuyến học tập, trao đổi quốc tế:

Pham Tien Manh Erasmus Plus Bach Khoa OISP 05

Hào hứng với siêu xe chạy điện của hãng Tesla trong khuôn viên Masaryk University.

Pham Tien Manh Erasmus Plus Bach Khoa OISP 08

Tại chương trình Asian Undergraduate Summit 2017 ở National University of Singapore.

Nhóm thảo luận của Mạnh (hàng gần màn hình nhất, bìa phải) tại Asian Undergraduate Summit 2017, gồm các thành viên đến từ Việt Nam, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ.

Cùng các thành viên được chọn của Đại học Bách Khoa tham dự chường trinh TFSCALE 2015.

Bài: THI CA – Ảnh: TIẾN MẠNH

Bài trước

Bài tiếp