“Trời ơi, không có thời gian, mệt lắm, nhảm xàm”… Bao nhiêu lý do được mang ra để biện hộ cho việc lười sinh hoạt trong các câu lạc bộ (CLB) của trường. Xin chúc mừng bạn đã tiết kiệm được khá khá thời gian nhưng cũng xin chia buồn vì bạn đã bỏ lỡ rất nhiều điều thú vị từ mấy cái CLB nhảm xàm này!
“Trời ơi, không có thời gian, mệt lắm, nhảm xàm”… Bao nhiêu lý do được mang ra để biện hộ cho việc lười sinh hoạt trong các câu lạc bộ (CLB) của trường. Xin chúc mừng bạn đã tiết kiệm được khá khá thời gian nhưng cũng xin chia buồn vì bạn đã bỏ lỡ rất nhiều điều thú vị từ mấy cái CLB nhảm xàm này!
1. LỖ CƠ HỘI THOÁT KIẾP FA
Không giỡn đâu, theo Independent, những người có cùng sở thích và quan điểm thường dễ dàng trò chuyện và gắn kết với nhau. Khi cùng sinh hoạt trong một CLB, về cơ bản bạn đang gặp gỡ và kết nối với những người đồng sở thích, quan điểm. Nhờ đó, việc làm quen, kết bạn và bắt đầu một mối quan hệ cũng trở nên dễ dàng. Chẹp, đỡ bước “thả thính” từ mấy tin nhắn kiểu như Bạn/anh/em/mày thích gì?
Chưa kể, trong thời gian sinh hoạt cộng đồng, bạn tha hồ tiếp cận đối phương một cách công khai mà ít bị dòm ngó. “Mạng lưới hùng mạnh” mang tên bạn-chung (mutual friend) trong CLB sẵn sàng đảm nhiệm vai trò “điệp viên nằm vùng” để giúp bạn chinh phục crush.
Lỡ cả thanh xuân để kiếm “gấu” mà vẫn FA? Do bạn chưa tìm đúng chỗ thôi! – Ảnh: THI CA
2. LỖ CƠ HỘI NÂNG CAO KIẾN THỨC
Không ai biết tuốt. Ngay cả nhà vật lý vĩ đại nhất thế kỷ XX Albert Einstein cũng luôn xem mình là hạt cát bé nhỏ giữa đại dương tri thức. Tham gia sinh hoạt trong các CLB, bạn vừa được học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ các thành viên, vừa có cơ hội lan tỏa hiểu biết của mình đến những người khác.
Mặt khác, các thành viên trong CLB thường ở độ tuổi đồng trang lứa; việc học hỏi lẫn nhau diễn ra trong bầu không khí thân thiện và gần gũi, vì vậy mà trở nên hiệu quả hơn.
Rõ ràng việc chia sẻ kiến thức giữa những người đồng lứa vẫn thoải mái hơn so với thầy cô. – Ảnh: OISP
3. LỖ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN CÁC KỸ NĂNG MỀM
So với các khóa đào tạo kỹ năng mềm ở các trung tâm hay tự học trên mạng thì việc sinh hoạt ở CLB có thế mạnh riêng. Tùy theo tính chất của mỗi CLB, bạn sẽ tham gia vào các dự án, hoạt động cộng đồng ở vai trò ban tổ chức hay thành viên, tình nguyện viên. Đối với từng vị trí, mức độ yêu cầu cho những kỹ năng mềm sẽ khác nhau. Nhờ vậy, bạn sẽ có nhiều cơ hội va chạm thực tế, học hỏi và trải nghiệm nhiều hơn. Bạn cũng dễ dàng nhìn ra sự tiến bộ của bản thân qua từng hoạt động và dự án nữa.
Bên cạnh đó, khi đặt bản thân vào những vị trí khác nhau trong tập thể, bạn sẽ “giác ngộ” được sở trưởng và sở đoản của mình. Ví dụ, bạn có thể hoàn thành rất tốt việc hậu cần như lên danh sách, chuẩn bị nguyên liệu nhưng lại rất ẹ trong việc điều phối nhân lực hay thiếu tự tin khi thuyết trình… Từ đó bạn mới biết mình cần làm gì để cải thiện điểm yếu.
Có những kỹ năng mềm đòi hỏi bạn cần phải va chạm thực tế để trải nghiệm. – Ảnh: Skills and Work
4. LỖ CƠ HỘI MỞ RỘNG MỐI QUAN HỆ
Trong thời buổi Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều, việc thiết lập mạng lưới các mối quan hệ (networking) là cần thiết để có nguồn “viện binh” sau này. Biết đâu chừng, bạn còn tìm được cơ hội cộng tác “ngon ăn” từ những người bạn cùng sinh hoạt trong CLB thì sao!
Networking giúp bạn mở rộng mối quan hệ, cơ hội hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau. – Ảnh: OISP
5. LỖ CƠ HỘI “LÀM ĐẸP” CV
Không phải tự nhiên mà những trường đại học nước ngoài rất lưu ý đến phần thành tích ngoại khóa, hoạt động cộng đồng trong hồ sơ nhập học hay xét duyệt học bổng. Với các công ty tuyển dụng, có thể GPA của bạn không cao nhưng những gì bạn thể hiện trong hoạt động xã hội lại có thể ghi điểm ngay lập tức.
Có thể bạn không để ý nhưng những CLB, hoạt động bạn tham gia, vị trí bạn từng kinh qua đều phản ánh phần nào con người, điểm mạnh và điểm yếu của bạn trong mắt nhà tuyển dụng. Một ứng viên hướng ngoại, ưa thích hoạt động và nhiều năng lượng thường chọn những CLB thể thao, ca hát, nhảy múa. Những ứng viên hướng nội thường có xu hướng chọn lựa những CLB trầm lặng như cờ vua, vẽ tranh, đọc sách…
So với trường đại học nước ngoài thì số lượng CLB sinh viên tại các trường đại học Việt Nam còn hạn chế. Tuy nhiên, lợi ích mà chúng đem lại đều như nhau. Riêng ở Bách Khoa nhà mình, lợi ích thấy ngay trước mắt là có ngày công tác xã hội: không đủ 15 ngày thì đừng mong nhận bằng tốt nghiệp!
SV BK-OISP gói bánh tét tặng người nghèo dịp Tết. – Ảnh: OISP
Bạn là sinh viên chương trình Chất lượng cao, Tiên tiến, Liên kết Quốc tế, Tăng cường Tiếng Nhật? Có rất nhiều hoạt động Đoàn Hội và CLB hấp dẫn đang chờ bạn tham gia trải nghiệm, tích lũy vốn sống và làm “ngầu” CV tại đây: OISP 2017, OISP 2016, OISP 2015, OISP 2014 (group trao đổi thông tin học tập/sinh hoạt các khóa), BOMB (CLB Văn nghệ OISP), OSA (CLB Truyền thông – thiết kế OISP), ROY Zone (CLB Đại sứ sinh viên OISP). |
QUÝ MINH