Chiếc máy bay không người lái này có khả năng phun thuốc trừ sâu, gieo hạt trồng rừng, bón phân dạng lỏng hoặc rắn.
Chiếc máy bay không người lái này có khả năng phun thuốc trừ sâu, gieo hạt trồng rừng, bón phân dạng lỏng hoặc rắn.
Nhóm nghiên cứu làm việc tại bộ môn hàng không, ĐH Bách khoa TP.HCM – Ảnh: TƯỜNG HÂN
Xuất phát từ thực trạng hiện nay nông dân vẫn phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, TS. Vũ Ngọc Ánh – giảng viên Khoa Kỹ thuật Giao thông, Trường Đại học Bách Khoa, cùng nhóm nghiên cứu Bộ môn Hàng không, đã phát triển dòng máy bay không người lái (drone) dùng trong nông nghiệp.
“Nhiệm vụ chính của thiết bị này là phun thuốc trừ sâu, ngoài ra nó có thể điều chỉnh để thực hiện việc gieo hạt trồng rừng, bón phân dạng lỏng hoặc rắn. Máy bay có thể chở tối đa 15 kg thuốc, tốc độ phun khoảng 0,5-1 ha trong 10 phút. Thử nghiệm tại sân Trường Đại học Bách Khoa, drone tải được 10 kg trên không trong gần 14 phút.” – TS. Ánh cho biết.
Bằng đầu phun nhỏ, thuốc trừ sâu được tán ra thành những hạt nhỏ. Nhóm nghiên cứu ước tính 10 kg dung dịch thuốc đặc có thể phun cho 1 ha với hiệu suất thời gian gấp 50 lần bằng tay, và từ 2-5 lần sử dụng máy kéo.
Độ cao phun so với cây trồng được lập trình hoặc điều khiển. Máy bay có khả năng phun thuốc ở vùng cao tới 1.000 mét so với mực nước biển.
Với tầm giá 150-300 triệu đồng/máy bay, sản phẩm phù hợp với quy mô nông trại lớn hoặc dịch vụ cung ứng cho mỗi vùng nông nghiệp.
TS. Ánh bày tỏ nguyện vọng: “Nghiên cứu này cần được hỗ trợ từ doanh nghiệp, thuế, chính sách ưu đãi cho khoa học, công nghệ và giấy phép thử nghiệm bay thực tế ngoài đồng ruộng.”
TƯỜNG HÂN (Tuổi Trẻ)