Nguyễn Xuân Bằng: “Chinh chiến” 32 cuộc thi để tích lũy kinh nghiệm start-up

Chia sẻ với các sinh viên Bách Khoa trong buổi Kick-off Bach Khoa Innovation 2018 (diễn ra hôm 20/1/2018 tại Đại học Bách Khoa), nhà đồng sáng lập Gcalls không giấu giếm trước đó đã kinh qua hàng chục lần thi thố tại các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp trong và ngoài nước…

Chia sẻ với các sinh viên Bách Khoa trong buổi Kick-off Bach Khoa Innovation 2018 (diễn ra hôm 20/1/2018 tại Đại học Bách Khoa), nhà đồng sáng lập Gcalls không giấu giếm trước đó đã kinh qua hàng chục lần thi thố tại các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp trong và ngoài nước…

Nguyen Xuan Bang Kickoff BK Innovation 2018 01

Anh Nguyễn Xuân Bằng chia sẻ kinh nghiệm start-up với sinh viên Bách Khoa tại Lễ Kick-off cuộc thi Bach Khoa Innovation 2018. 

Để có được thương vụ Gcalls gọi vốn thành công lên tới 23 tỉ đồng tại Shark Tank Việt Nam, Nguyễn Xuân Bằng (cùng cộng sự Phạm Tấn Phúc) – đã “lên bờ xuống ruộng” với hàng chục ý tưởng khởi nghiệp từ thời còn là sinh viên Quản lý Công nghiệp, Đại học Bách Khoa.

Dự án đầu tiên của Bằng là Click Now – một bản đồ doanh nghiệp liên kết giữa thế giới thực và ảo trong game, chết yểu sau sáu tháng hoạt động bằng tiền tiền vốn huy động từ… học phí. Sau đó, Bằng và cộng sự tiếp tục phát triển dự án HR Key nhằm giảm thiểu thời gian tuyển dụng cho doanh nghiệp và tăng tỉ lệ hồ sơ dự tuyển. Tám tháng sau, HR Key đi theo tiếng gọi của… Click Now.

Không nản chí, Xuân Bằng tham gia hơn 30 cuộc thi khởi nghiệp lớn nhỏ ở Đại học Quốc gia TP.HCM, Singapore, Ấn Độ, Mỹ… từ đó mới nhìn ra những điểm thiếu sót trong dự án của mình. Tự rút tỉa nguyên nhân thất bại, Bằng thấy có mấy điểm chính sau:

  • Đặt mục tiêu quá lớn so với khả năng → Bài học rút ra: ý tưởng lớn khởi phát từ ý tưởng nhỏ, khi ý tưởng nhỏ đủ lượng thì sẽ tạo sức ảnh hưởng lớn

  • Có quá nhiều người, mỗi người một ý, thiếu phân quyền, không tìm được tiếng nói chung → Đội ngũ phải tinh gọn, thấu hiểu nhau, kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả

  • Độ hiểu biết thị trường non kém → Cần tham khảo, lắng nghe nhận xét từ các chuyên gia/coach/mentor đi trước để ý tưởng trở nên khả thi hơn, bám sát nhu cầu thị trường

Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, Xuân Bằng khuyên các bạn sinh viên Bách Khoa nên tham gia các cuộc thi ý tưởng sáng tạo như Bach Khoa Innovation bởi các lợi ích mà chúng đem lại: biết xây dựng core team gắn kết, hiểu ý nhau, có kỹ năng làm việc đa nhiệm; biết quan sát đa chiều, nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn xã hội, toàn cầu; biết sắp xếp thời gian hiệu quả, cân bằng với việc học ở trường; mở rộng mối quan hệ, tìm kiếm khách hàng tiềm năng; nâng cao trình độ tiếng Anh và thuyết trình…

Nhờ liên tục va vấp, lắng nghe và cải tiến ý tưởng, Xuân Bằng đã từng bước hoàn thiện Gcalls – giải pháp thiết lập hệ thống tổng đài trong vòng năm phút, bao gồm hạ tầng call center, phần mềm quản lý cuộc gọi tích hợp CRM (customer relationship management), giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ chăm sóc khách hàng hiệu quả.

Sản phẩm này đã gọi vốn thành công lên tới 23 tỉ đồng trong Shark Tank Việt Nam, và là một trong tám doanh nghiệp công nghệ trẻ được cựu Tổng thống Mỹ Obama mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu 2016 tại Silicon Valley (Mỹ). Ngoài ra, start-up này còn đoạt giải “Ý tưởng Sáng tạo nhất” tại Start-up Wheel 2016, giải Nhất AngelHack 2017.

Nói về tầm quan trọng của việc “mài giũa” ý tưởng tại các cuộc thi đổi mới sáng tạo, TS. Đặng Đăng Tùng – Phó Trưởng Văn phòng Đào tạo Quốc tế (Đại học Bách Khoa), đại diện BTC cuộc thi Bach Khoa Innovation 2018, chia sẻ: “Thông qua cuộc thi này, không chỉ một mà nhiều sinh viên Bách Khoa thuộc nhiều hệ/chương trình/ngành/khoa đào tạo khác nhau cùng tham gia nghiên cứu khoa học. Càng vào vòng trong, ý tưởng của các em sẽ dần trở nên thực thi hơn thông qua những đánh giá, góp ý của đội ngũ cố vấn là các chuyên gia khởi nghiệp thành công, các thầy cô/cựu sinh viên Bách Khoa.”

Nguyen Xuan Bang Kickoff BK Innovation 2018 02

Sinh viên Bách Khoa đặt câu hỏi cho chương trình.

Đăng ký ý tưởng dự thi ngay tại chương trình.

Tính đến 24/1/2018 đã có hơn 600 ý tưởng được đăng ký.

Bach Khoa Innovation ra đời với mục đích thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong sinh viên Bách Khoa; tạo sân chơi nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn cho sinh viên Bách Khoa, giải quyết các nhu cầu thực tế trong xã hội” – TS. Tùng nhấn mạnh.

Tổng trị giá giải thưởng của cuộc thi lên tới 450 triệu đồng, trong đó có 01 giải Nhất 30 triệu đồng/giải, 02 giải Nhì 15 triệu đồng/giải, top 3 cuộc thi được tài trợ một chuyến tham quan, học tập tại công ty khởi nghiệp thành công cùng các cố vấn chuyên môn.

Các thí sinh sẽ tham dự dưới dạng đội thi (05 thành viên/đội); phải là sinh viên Bách Khoa từ khoa 2013 – 2017, trong đó có ít nhất 01 thành viên đang học chương trình Tiên tiến/Chất lượng cao/Liên kết Quốc tế. Không giới hạn số lượng ý tưởng. Ngôn ngữ sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh (đề cương dự án, báo cáo chi tiết, thuyết trình, trả lời câu hỏi).

THÔNG TIN LIÊN HỆ

BTC Cuộc thi Bach Khoa Innovation 2018

 

Bài: THI CA – Ảnh: Bach Khoa Innovation

Bài trước

Bài tiếp