Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Gặp gỡ “cao thủ sáng chế” của BK-OISP

Với rất nhiều thành tích lớn nhỏ từ thời học sinh, Nguyễn Văn Hóa Vũ là một trong những “cao thủ sáng chế” của Khoa Điện – Điện tử và là sinh viên ưu tú của Chương trình Tiên tiến – Đại học Bách khoa TP.HCM. Mới đây, bạn đã nhận được học bổng trao đổi 2 học kì tại trường Politenico di Torino, Ý.

Với rất nhiều thành tích lớn nhỏ từ thời học sinh, Nguyễn Văn Hóa Vũ là một trong những “cao thủ sáng chế” của Khoa Điện – Điện tử và là sinh viên ưu tú của Chương trình Tiên tiến – Đại học Bách khoa TP.HCM. Mới đây, bạn đã nhận được học bổng trao đổi 2 học kì tại trường Politenico di Torino, Ý.

Mời bạn đọc cùng PV của BK-OISP “tập kích” và truy vấn “cao thủ” này nhé!

Nguyen Van Hoa Vu 01

Nguyễn Văn Hóa Vũ, sinh viên K11 Chương trình Tiên Tiến, ngành Điện – Điện Tử, chuyên ngành Viễn thông (Telecommunication).

>> Ba sinh viên OISP hiện thực hóa giấc mơ làm việc ở Nhật

* Chào Hóa Vũ!

Được biết thì bạn vừa nhận được học bổng trao đổi 2 học kì tại Ý của Erasmus Mundus – chương trình cấp học bổng giao lưu học thuật giữa các nước Á-Âu. Nhắc đến nước Ý, người ta ít nghĩ đến thế mạnh kỹ thuật, bạn có thể chia sẻ lý do cho lựa chọn này không?

– Erasmus Mundus là chương trình do Liên minh châu Âu sáng lập nên, do các trường đại học châu Âu uy tín điều phối, trong đó có cả trường Politecnico di Torino (Polito).

Khi làm đơn trực tuyến để đăng ký học bổng này, ở mục ngành Viễn thông, đơn đưa ra gợi ý là trường Polito. Do mình đã tìm hiểu trước về Polito cũng như đây là trường phù hợp nhất với chuyên ngành của mình nên đã quyết định chọn nó.

Theo như tìm hiểu của mình, Polito là trường đứng đầu ở Ý về kỹ thuật, và đứng thứ 8 ở châu Âu về Điện tử – Viễn thông.

Học bổng Erasmus Mundus gồm các tiêu chí: điểm trung bình tích lũy  8.0; trình độ tiếng Anh từ B1 trở lên (theo chuẩn châu Âu); thư giới thiệu từ các giảng viên; có các công trình nghiên cứu, sản phẩm khoa học đoạt giải; hoạt động xã hội tích cực. Ứng viên phải có bài luận (motivation letter) trình bày năng lực và nguyện vọng khi tham gia chương trình. Hồ sơ từ châu Á sẽ được gửi đến hội đồng học bổng ở châu Âu để xét duyệt.

Vậy, khi nào bạn sẽ khởi hành và bạn đã chuẩn bị những gì cho chuyến đi này rồi?

– Theo như kế hoạch, học kì sẽ bắt đầu cuối tháng 9 này. Hiện tại mình đang đợi trường Polito gửi thư mời về Lãnh sự quán Ý tại Việt Nam để thực hiện thủ tục VISA.

Bạn sắp kết thúc học kì cuối cùng tại BK-OISP. Hóa Vũ có thể chia sẻ về những điều mình đã học được và trải nghiệm tại đây không?

– Học tại OISP nói riêng và Bách Khoa nói chung là một quá trình rất khó diễn tả, nhưng nó tác động khá lớn đến suy nghĩ và hành động của mình.

Rớt nguyện vọng 1 ngành Điện – Điện tử có lẽ là cơ duyên mang mình đến Chương trình Tiên Tiến để tiếp tục ước mơ trở thành “thợ” điện từ nhỏ của mình.

Những ngày đầu rất khó khăn với lịch học dày đặc và bản thân phát sinh nhiều suy nghĩ tiêu cực, có nhiều lần mình muốn từ bỏ để năm sau thi lại đại học. Nhưng gia đình đóng ra trò rất quan trọng trong việc giữ mình ở lại đây.

Nguyen Van Hoa Vu 02

Nguyễn Văn Hóa Vũ bên sản phẩm CC Robot – lấy cảm hứng từ phim hoạt hình Wall-E

>> [BK-OISP] Robot Cứu hỏa (CC Robot)

NHỮNG THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU CỦA NGUYỄN VĂN HÓA VŨ

► Thành tích tại “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng”

  • 2009: “Minh họa chiến thắng Nguyên – Mông” – Giải Nhất cấp tỉnh, Giải Khuyến khích (KK) toàn quốc
  • 2010: “REMOTE TEACHING” – Giải Nhất cấp tỉnh
  • 2012: “Hệ thống cảnh báo rò rỉ khí đốt (SUG)” – Giải KK toàn quốc

► Thành tích khác

  • Huy chương Bạc cuộc thi “Thiết kế, chế tạo, ứng dụng lần II – năm 2014” với hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động – CC Robot, cùng đồng đội là Mai Hồ Duy Tân (sinh viên BK-OISP).
  • Thực tập tại Tập đoàn Toshiba, Nhật Bản (trả lương và trợ phí toàn bộ).
  • Học bổng trao đổi 2 học kì tại Politenico di Torino, Ý.

Một nhân tố khác cũng quan trọng không kém đó là Câu lạc bộ PIF của Khoa Điện – Điện tử. Tại đây, mình được học rất nhiều điều bổ ích, nơi đây cũng là nơi giải tỏa rất nhiều ức chế tâm lý của mình sau những giờ học mệt mỏi. Sau đó là tham gia thêm Câu lạc bộ Robot và những ngày tháng thi Robocon rất nhiều cảm xúc đã cho mình niềm tin và động lực để đi tiếp con đường này.

Dù đam mê là có nhiều nhưng mình vẫn không quên công việc học tập chính quy trên lớp. Lớp Tiên tiến mình theo học được giảng dạy từ các thầy trưởng và phó các khoa, các bộ môn nên cơ hội học tập kinh nghiệm từ các thầy, cô là vô cùng lớn. Tận dụng được ưu thế này, mình hiểu rằng mình đang nắm trong tay cơ hội vô cùng to lớn. Dung hòa được việc học thêm các kinh nghiệm thực tế từ các CLB về điện, robot và các cơ sở lý thuyết ở lớp, mình luôn cố hết sức tận dụng nhiều yếu tố để đạt được thành công trước một vấn để nào đó.

Được biết, bạn đã có những sản phẩm đầu tay từ thời còn là học sinh. Nguồn cảm hứng bạn lấy từ đâu để có thể say mê sáng tạo được như vậy?

– Nếu nói về cảm hứng sáng tạo, có lẽ nó xuất phát từ sự ủng hộ của gia đình và mang gen di truyền từ ba mình cũng là một kỹ sư chế tạo máy. Nhưng nguồn động lực lớn nhất chính là do mong muốn của bản thân từ việc thay đổi và làm mới những thứ có sẵn trước mắt.

Sản phẩm đầu tay của mình là một phần mềm tin học mình viết bằng ngôn ngữ lập trình Pascal năm lớp 8. Đó là lần đầu mình bắt tay vào việc viết phần mềm và cũng là sản phẩm sáng tạo tại một cuộc thi tin học trẻ.

Nguyen Van Hoa Vu 03

Nụ cười hiền lành, thân thiện của chàng trai co miền sông nước.

Ngoài lề một chút nhé, sở thích của bạn là gì và bạn thường làm gì khi rảnh rỗi?

– Quê mình ở Tiền Giang, cũng là con của miền sông nước nên những khi có nhiều thời gian, mình thường lấy xe máy ra đi đây đi đó dọc theo các con sông ở quê mình để cảm nhận hết những vẻ đẹp của nó.

Mình rất thích đọc sách, đặc biệt là sách của chú Nguyễn Nhật Ánh. Dù lớn rồi nhưng mình vẫn thích đọc sách dành cho tuổi mới lớn, tuổi học trò.

Cũng như các sinh viên khác trong ký túc xá, mình luôn bị các anh em trong dụ dỗ chơi Liên minh huyền thoại. Dù chơi không hay lắm nhưng chơi nhiều mình cũng bị ghiền. (cười lớn)

Xin cảm ơn những chia sẻ rất chân thành của Hóa Vũ. Chúc bạn có những trải nghiệm thú vị, bổ ích trong chuyến đi sắp tới. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và gặt được nhiều thành công với đam mê của mình.

TÙNG HUY thực hiện 
Ảnh: do nhân vật cung cấp

Hiện nay, ở bậc đại học, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM đang triển khai chương trình đào tạo Kỹ sư Điện – Điện tử theo mô hình Tiên tiến 4+0 (4 năm tại Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM) và Liên kết Quốc tế 2+2 (2 năm đầu tại Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM và 2 năm cuối tại Trường ĐH Illinois Urbana-ChampaignTrường ĐH CatholicTrường ĐH Rutgers – Mỹ, Trường ĐH Queensland – Úc).

Chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh, đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường đối tác của Mỹ, Úc, Nhật công nhận về chất lượng.

Khung chương trình được thiết kế và xây dựng trên quan điểm lấy người học làm trung tâm, giúp sinh viên phát triển tối đa khả năng sáng tạo, giỏi chuyên môn, thạo ngoại ngữ, thích ứng linh hoạt với môi trường làm việc quốc tế.

Sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận bằng ĐH chính quy Kỹ sư Điện – Điện tử do Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM hoặc các trường đối tác của Mỹ, Úc cấp.

 
★ Hạn nhận hồ sơ xét tuyển ĐH Bách Khoa TP.HCM: 20/8/2015
 
THÔNG TIN CẦN BIẾT:

Liên hệ tư vấn và nộp hồ sơ tại

Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM – Văn phòng Đào tạo Quốc tế

Địa chỉ: 306, Nhà A4, 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: (028) 7300.4183 | 03.9798.9798

Website: www.oisp.hcmut.edu.vn

E-mail: tuvan@oisp.edu.vn

Bài trước

Bài tiếp