Năm bước giúp phát huy năng lực quan sát và phán đoán

Trong môi trường học tập cũng như trong công việc, sự quan sát và phán đoán tình huống là một trong những kỹ năng cần thiết đối với sinh viên.

Kỹ năng quan sát và phán đoán rất cần thiết cho sinh viên trong học tập – Hình: OISP

Kỹ năng quan sát và phán đoán sẽ giúp sinh viên nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách chính xác để từ đó có những giải pháp và phương án tốt nhất để giái quyết vấn đề. Thế nhưng trên thực tế thì hầu hết sinh viên vẫn chưa thực sự nhìn nhận và tìm hiểu về nó một cách nghiêm túc, dẫn tới việc khi gặp phải một vấn đề nào đó, chúng ta thường giải quyết một cách vội vàng theo bản năng. Vậy làm thế nào để phát triển được kỹ năng quan sát và phán đoán? Bài viết sẽ cung cấp một vài khái niệm và vai trò quan trọng của kỹ năng này.

5 BƯỚC GIÚP SINH VIÊN CẢI THIỆN KỸ NĂNG QUAN SÁT VÀ PHÁN ĐOÁN TÌNH HUỐNG

1. Tìm hiểu và quan sát tình huống

Bước đầu tiên của quá trình là tìm hiểu và quan sát tình huống. Tình huống, bối cảnh có thể là khó khăn làm cản trở kết quả của bạn hay cũng có thể là sự xác định sai hướng tạo nên một kết quả khác với điều bạn đang hướng tới. Để xác định một vấn đề cụ thể, trước hết chúng ta nên chỉ mô tả vấn đề đó bao gồm cả nguyên nhân và hậu quả chứ đừng vội đề cập đến những cách giải quyết.

2. Đưa ra đa dạng lựa chọn

Ở bước này bạn nên đưa ra càng nhiều cách giải quyết càng tốt, có nhiều giải pháp lựa chọn sẽ tốt hơn nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng. Lưu ý rằng, trong bước này ta chỉ đưa ra các giải pháp có thể được chứ không đánh giá và chưa lựa chọn vội vàng.

3. Phán đoán và tìm giải pháp cho những vấn đề có thể phát sinh.

Hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân: tại sao, khi nào,… bằng cách tự hỏi và hình dung sự việc, bạn có thể tiết kiệm năng lực và giúp người khác hoạt động hiệu quả hơn.  Phải luôn cân nhắc các giải pháp hoặc hành động dự tính của mình. Sau đó điều chỉnh và củng cố chúng để thấy được và giải quyết những rủi ro tiềm ẩn.

Ngoài ra, hình dung trước các trở ngại sẽ gặp phải và tìm giải pháp cho các vấn đề có thể phát sinh. Tập cho bản thân khả năng phán đoán những vấn đề tiềm ẩn và linh động thay đổi kế hoạch để giải quyết chúng.

Tự đặt câu hỏi và trả lời được chúng chính là lúc bạn tìm ra sáng kiến và giải pháp cho vấn đề gặp phải – Hình: inc.com

4. Phát triển kế hoạch

Ở bước phát triển này có 2 giai đoạn:

  • Đánh giá những giải pháp đã đưa ra để chọn một hay nhiều giải pháp thích hợp.
  • Thay đổi giải pháp được chọn một cách linh hoạt cho đến khi xây dựng được kế hoạch hành động phù hợp nhất. Có thể thêm vào những giải pháp khác trong suốt giai đoạn lên kế hoạch hành động.

5. Triển khai và thực hiện

Như vậy, bước thực hiện bao gồm những quá trình tiếp theo sau đó và cả việc giám sát sự hoàn thành của từng mục tiêu mà bạn đã đề ra. Điều quan trọng nhất ở đây chính là biết phán đoán, hình dung và giải quyết trước những vấn đề có thể phát sinh bất cứ khi nào có thể, cần phải biến nó thành thói quen của mình.

Ví dụ như trong buổi trình bày, bạn cần quan sát thái độ, sự chú ý của khán giả/ người nghe, từ đó điều chỉnh giọng nói, âm thanh hoặc thay đổi cách thuyết trình hấp dẫn hơn, cuốn hút hơn.

Kỹ năng quan sát có thể rèn luyện và phát triển trong quá trình học tập và làm việc – Hình: OISP

Việc rèn luyện kỹ năng quan sát và phán đoán giúp sinh viên tập trung hơn, phát triển đa giác quan từ đó nắm bắt nhanh hơn các bài học. Khi làm việc nhóm, kỹ năng này giúp bạn cởi mở và hòa hợp với các bạn khác, tập được thói quen quan sát khách quan và đưa ra nhận định đúng trong mọi tình huống.

Bài: LINH LÊ

Bài trước

Bài tiếp