Hành trình vào Bách Khoa của cô bạn Nguyễn Lê Hoàng Vương – chủ nhân nhiều giải thưởng sáng tạo khoa học và học bổng quốc tế – không hề dễ dàng, khi ý nguyện của gia đình là muốn Vương theo ngành y.
Hành trình vào Bách Khoa của cô bạn Nguyễn Lê Hoàng Vương – chủ nhân nhiều giải thưởng sáng tạo khoa học và học bổng quốc tế – không hề dễ dàng, khi ý nguyện của gia đình là muốn Vương theo ngành y.
Nguyễn Lê Hoàng Vương – cô bạn “sắn lùi” Bách Khoa Quốc Tế giỏi giang, năng động.
“Truyền thống xưa nay của nhà là y dược, tự nhiên em lại muốn học kỹ sư, nên gia đình không ủng hộ em lắm. Thành ra quá trình vào Bách Khoa của em khá là gian nan.” – Vương kể.
Hồi thi đại học, Vương đăng ký vào sư phạm. Sau đó, bản lại âm thầm làm đơn xin tuyển thẳng vô Bách Khoa, ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, chương trình Tiếng Việt Đại trà. Lúc đậu, biết trường có chương trình Tiên tiến giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, Vương mạnh dạn xin chuyển qua. Khi sự đã rồi, thành “sắn lùi” Bách Khoa Quốc Tế (OISP) chánh hiệu, Vương mới báo gia đình, khiến cả nhà ai cũng ngỡ ngàng :))).
Từ cấp III, cô bạn có vẻ ngoài mảnh mai, khả ái này đã nổi tiếng khắp Trường THPT chuyên Long An khi năm nào cũng “bị điểm danh” trên mục Giáo dục của các báo về thành tích sáng tạo khoa học. Lên đại học, Vương tiếp tục phát huy thế mạnh của mình khi liên tiếp đạt nhiều học bổng trao đổi văn hóa, trao đổi sinh viên quốc tế, tham gia nhiều trại hè, diễn đàn quốc tế dành cho sinh viên khối ngành kỹ thuật…
LÝ LỊCH TRÍCH XÉO
– Tên cúng cơm: NGUYỄN LÊ HOÀNG VƯƠNG
– Cung: Thiên Bình
– Sinh viên K2016 chương trình Tiên tiến, ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử
– Chủ nhiệm CLB Đại sứ sinh viên Bách Khoa Quốc Tế (OISP Student Ambassadors – OSA) 2017, 2018
– Thành tích tiêu biểu:
|
Bộ sưu tập huy chương, giải thưởng nghiên cứu sáng tạo “khủng” của Vương.
Hoàng Vương tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc 2015.
Đến đây, các bạn đừng nghĩ rằng Vương chỉ có học và học và học thôi nghen. “Sắn lùi” xinh xắn của chúng ta còn là “chị chủ nhiệm” hét ra lửa của CLB Đại sứ sinh viên Bách Khoa Quốc Tế (OISP Student Ambassadors – OSA) nữa đó. Cùng OISP làm quen với cô gái đa tài này nha!
* Chào Vương, khởi nguồn đam mê Điện – Điện tử của em là từ đâu?
– Dạ, từ hai nguyên do chính ạ.
Đầu tiên, là vì em thích học vật lý.
Thứ hai, chắc là do ảnh hưởng từ công việc của ba mẹ. Ba mẹ em đều là bác sĩ, mà ngày trước các thiết bị chăm sóc cho bệnh nhân ở quê em không hoàn hảo. Ba mẹ luôn phải tìm tòi và sáng tạo, lấy cái này đắp vô, thay thế cho cái kia. Nên em bị “lây” lúc nào cũng không biết.
Sau đó, em bắt đầu tìm tòi về tái chế những thứ xung quanh, tạo ra các sản phẩm khác hiệu quả hơn. Mà mục tiêu lớn nhất của em là năng lượng tái tạo.
Hoàng Vương (thứ hai từ phải qua) cùng các sinh viên quốc tế tham gia ENTECH 2018 tại Thái Lan.
Vương và bạn bè quốc tế tại tiệc chia tay cuối chương trình ENTECH 2018 tại Thái Lan.
* Là nữ, nhưng lại theo đuổi ngành học khá “cứng”, nam chiếm áp đảo, Vương có gặp khó khăn gì không?
– Khi vào Bách Khoa, em đã sẵn sàng tâm lý vào học môi trường toàn nam. Ban đầu thì mọi người xa lạ, em chỉ nói chuyện được với hai bạn nữ. Không lâu sau em đã kết nối được hết với các bạn trong lớp, và thậm chí còn thân hơn với các bạn nam. Hiện giờ, em không còn khó khăn trong giao tiếp nữa.
Cái khó (nói) nữa là, con gái tụi em mà “tới tháng” thì kiến thức bay đâu hết, chỉ biết ôm bụng thôi :(((. Các bạn nam không phải “tới tháng” như tụi em nên có lẽ vì vậy mà tiếp thu bài hiệu quả hơn :”>. Về thể lực thì rõ ràng rồi, các bạn nam mạnh mẽ hơn ở các thao tác và sử dụng dụng cụ.
Chắc vì vậy mà các thầy cô ở OISP cũng hiểu và thương tụi em hơn. Trong tiết thể dục, tụi em được cưng hơn, còn vô lớp thì “được” đặc quyền lên bảng liên tục :))).
* Apply học bổng quốc tế – “đánh đâu thắng đó”, đâu là bí kíp của Vương?
– Ha ha, để em nghĩ xem. Em nghĩ có hai phần chủ yếu ạ. Một là điểm trong lớp, hai là hoạt động ngoại khóa.
Về điểm trong lớp, em không đặt mục tiêu quá cao nhưng vẫn duy trì GPA ≥ 7,0.
Ở hoạt động ngoại khóa, em chia theo giai đoạn để vừa hoạt động tốt vừa theo kịp bài trên lớp.
Năm thứ Nhất, em tranh thủ kiếm đủ 15 ngày công tác xã hội bằng nhiều cách: làm bí thư, tổ chức hoạt động cho chi đoàn, tham gia vai trò ủy viên Ban Chấp hành Đoàn khối OISP, hỗ trợ OISP trong hoạt động tuyển sinh, làm MC trong các sự kiện như Lễ Khai giảng, Presentation Contest, tham gia OSA…
Đến năm thứ Hai, em bắt đầu tham gia một số cuộc thi cấp khoa, cấp trường như: Trứng chọi đất, Bach Khoa Innovation… Sau đó, em được bổ nhiệm làm chủ nhiệm OSA. Lúc này, CV em đẹp hơn và giúp ích rất nhiều trên con đường săn học bổng.
Việc apply học bổng “bách phát bách trúng” là không thể. Nhưng có cách để hạn chế tối đa xin… hụt :))).
Đầu tiên, hồ sơ xin học bổng phải rõ ràng. Phải có kỹ năng tốt, chủ động tìm hiểu thông tin, chỉ e-mail hỏi khi thật sự cần và hỏi những cái đáng để hỏi. Một khi đi, sẽ có được và mất, nên em nghĩ các bạn nên xem trước các feedback về chương trình, có đáng để đi không?
Trên hết vẫn là làm sao cho bản thân tích cực, “có giá”, để trường đối tác thấy việc bỏ tiền cho mình sang học là đúng đắn.
Khi đã sang đó, dù bị nhiều áp lực từ bài vở, báo cáo, nhưng mình phải giữ tinh thần, hoàn thành tốt yêu cầu của chương trình. Điều này giúp hình ảnh của mình cũng như sinh viên Bách Khoa đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
Vương (hàng đứng, thứ ba từ phải qua) cùng đội hình OSA mà Vương đang làm chủ nhiệm, tại Lễ Khai giảng Trường ĐH Bách Khoa năm học 2018-2019.
* Khi có quá nhiều học bổng và cơ hội đến với mình, Vương sẽ lựa chọn thế nào?
– Dạ, những học bổng em đạt được đều từ kênh truyền thông của Phòng Quan hệ đối ngoại của trường. Nếu được chọn, sẽ có quyết định của hiệu trưởng để mình được hưởng một vài ưu tiên trên lớp như kiểm tra lại khi về :))).
Ngoài ra, do chưa học môn chuyên ngành nhiều, nên em thích chọn những học bổng trao đổi ngắn hạn của các trường đại học kỹ thuật. Để từ đó có cái nhìn tổng quát về ngành nghề của mình..
Bên cạnh đó, em còn xem xét các trường cho học bổng này có mối quan hệ hợp tác với trường mình thế nào, làm tiền đề apply tiếp các chuyến sau và apply học bổng nghiên cứu sinh về sau ạ.
Hoàng Vương (thứ ba từ phải qua) tại CommTECH 2018, Indonesia.
* Được biết Vương đang tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại Singapore. Em chia sẻ một chút về chuyến đi này nha!
– Dạ, đây là học bổng trao đổi sinh viên Temasek Foundation Specialists Community Actions and Leadership Exchange (TFSCALE) 2018, dành cho sinh viên các nước ASEAN để tìm hiểu văn hóa, kinh tế, giáo dục các nước, cũng như xây dựng kỹ năng lãnh đạo cho sinh viên.
Khác với hai học bổng CommTECH 2018 và ENTECH 2018, kỳ này em và các bạn được tài trợ toàn phần: bảo hiểm, vé máy bay, học phí, ăn ở luôn ^^.
Lần này, em học được nhiều điều từ soft skills (kỹ năng mềm) đến leadership (kỹ năng lãnh đạo). Tụi em được trải nghiệm môi trường giáo dục tuyệt vời của Singapore với hệ thống cơ sở vật chất tốt, môi trường sống đa văn hóa, an toàn, và ý thức người dân cao.
Bên cạnh đó, từ các chuyến field trip (tham quan doanh nghiệp) trong khuôn khổ chương trình, tụi em được mở rộng vốn hiểu biết của mình rất nhiều. Như khi đến khu China Town (Phố Tàu) và Little India (Tiểu Ấn), tụi em được trải nghiệm đời sống đa văn hóa; đến NEWater, được nhìn thấy những nỗ lực của đảo quốc sư tử trong việc tìm nguồn nước mới; tận mắt chứng kiến tốc độ phát triển như vũ bão của một quốc gia đi lên từ con số 0.
Qua những buổi học trên lớp về design thinking hay internet development, CPR (cardiopulmonary resuscitation – kỹ thuật hồi sức tim phổi) sơ cứu người đột quỵ… tụi em được trải nghiệm phương pháp giáo dục cực kỳ năng động.
Ở mỗi chặng chương trình, trường đối tác đều đánh giá cách tiếp thu của sinh viên Việt Nam, nhằm điều chỉnh chương trình và chọn đúng đối tượng cho những năm sau.
Hiện tại, do chưa kết thúc chuyến đi nên em chỉ chia sẽ được thế thôi. Khi về chắc chắn em sẽ chia sẻ được nhiều hơn ạ.
Vương (đội nón hồng) cùng các bạn sinh viên Bách Khoa tham gia TFSCALE 2018, Singapore. Ngồi thứ hai từ phải qua là Mai Hoàng Bảo, cũng là một “cây” săn học bổng của OISP.
* Mục tiêu của Vương trong thời gian sắp tới như thế nào?
– Năm em học cấp III, dự án nhà máy hạt nhân ở Việt Nam mới bắt đầu, nên em có ý định theo mảng hệ thống năng lượng để làm việc tại đó. Nhưng hiện tại dự án đó đã dừng, nên em sẽ theo hướng điện tử viễn thông ạ. Tất nhiên, vẫn trong ngành điện :”>.
Nhân đây, em cũng muốn nhắn gởi đến các bạn tân sinh viên khóa 2018. Rằng học giỏi chuyên môn thôi là chưa đủ, mà còn phải rèn luyện kỹ năng mềm và ngoại ngữ – đặc biệt là tiếng Anh, vì đây là những tiêu chuẩn phải có của một công dân toàn cầu. Đừng để ngoại ngữ trở thành rào cản ngăn bạn mở ra ngàn cơ hội mới, mối quan hệ mới. Và khi cần, hãy chia sẻ nhiều nhất có thể, vì cho-là-nhận.
Cuối cùng, khi còn là sinh viên, hãy ít nhất một lần bước ra thế giới để nhìn sự phát triển của ngành nghề mình chọn và định hướng mình sẽ là ai trong tương lai.
Bài: ANH THƯ – Hình: HOÀNG VƯƠNG