Trở về từ chương trình Study Tour Grand (STG) do Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Nhật Bản (JSCE) tổ chức (9/2017), anh chàng sinh viên K2015 ngành Kỹ thuật Xây dựng chương trình Chất lượng cao vẫn chưa quên cảm giác “cực kỳ căng thẳng” khi trình bày tham luận chuyên đề tại hội thảo tầm cỡ quốc tế.
Trở về từ chương trình Study Tour Grand (STG) do Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Nhật Bản (JSCE) tổ chức (9/2017), anh chàng sinh viên K2015 ngành Kỹ thuật Xây dựng chương trình Chất lượng cao vẫn chưa quên cảm giác “cực kỳ căng thẳng” khi trình bày tham luận chuyên đề tại hội thảo tầm cỡ quốc tế.
LẦN ĐẦU THUYẾT TRÌNH CHUYÊN NGHIỆP BẰNG TIẾNG ANH
Nhân vật chính đóng vest siêu bảnh tại Nhật.
LÝ LỊCH TRÍCH XÉO
|
► Sinh viên OISP đạt học bổng hội thảo khoa học Nhật Bản
STG là học bổng của JSCE nhằm tạo cơ hội cho các kỹ sư và sinh viên ngành xây dựng tiếp cận công nghệ và dự án mới ở Nhật. Chương trình năm nay diễn ra trong một tuần, với sự tham gia của các quốc gia Thái Lan, Phillipines, Miến Điện, Việt Nam, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản. Người tham gia sẽ đi thực địa các công trường xây dựng, các viện nghiên cứu lớn như Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Kajima, Viện Nghiên cứu Kỹ thuật đường sắt, tìm hiểu dự án tái thiết thành phố Kumamoto sau trận động đất nghiêm trọng 2016…
Điểm nhấn quan trọng nhất của chương trình là Hội thảo Nghiên cứu khoa học (19th Summer Symposium), tại đó sinh viên phải trình bày một báo cáo nghiên cứu khoa học. Là đại diện duy nhất của Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng như Việt Nam, Mai Hoàng Bảo lần đầu tiên có dịp thuyết trình trước nhiều nhà khoa học quốc tế với đề tài “Traffic Congestion in HCMC under the View of Young Civil Engineer“.
Bài báo cung cấp cái nhìn toàn cảnh về vấn đề ùn tắc giao thông và thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông của TP.HCM. Từ đó, chỉ ra các giải pháp khả thi về công nghệ và quản lý mà chính quyền thành phố đã và đang triển khai nhằm giảm thiểu tình trạng kẹt xe như hệ thống MRT (Mass Rapid Transit) với trọng tâm là Dự án Đường sắt đô thị TP.HCM (Metro); BRT (Bus Rapid Transit); đường cao tốc… Bên cạnh đó còn có một số giải pháp nghiên cứu khoa học từ Đại học Bách Khoa như ứng dụng chống kẹt xe, phần mềm mô phỏng đèn tín hiệu giao thông, xe điện công cộng…
Mai Hoàng Bảo trình bày nghiên cứu khoa học của mình tại hội thảo.
Nhớ lại chuyến đi, Bảo kể: “Thú thật, lúc đó em cảm thấy cực kỳ căng thẳng và thiếu tự tin khi bước vào phòng hội nghị, vì mọi người thuyết trình vô cùng chuyên nghiệp và ở level rất cao (trình bày các nghiên cứu lớn chỉ trong vòng bảy phút). Đây cũng là lần đầu tiên em mặc suit đứng thuyết trình ở một hội nghị có quy mô lớn đến vậy. Nhưng nhờ sự khuyến khích của các thành viên trong đoàn và nỗ lực luyện tập của bản thân, em đã thuyết trình thành công bài nghiên cứu của mình.”
Em rất cảm ơn TS. Đăng Tùng – Phó Trưởng Văn phòng Đào tạo Quốc tế và GS. Ishiwatari (Nhật) đã đóng góp nhiều ý kiến để bài nghiên cứu của em trở nên hoàn thiện.
“Có thể nói, đây là nét chấm phá lớn nhất trong toàn bộ chuyến đi của em: thuyết trình chuyên nghiệp bằng tiếng anh ở một hội nghị khoa học tầm cỡ quốc tế.” – Bảo tự hào
Hoàng Bảo (thứ hai từ phải qua) cùng các thành viên trong đoàn STG.
NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN
Các hoạt động bên lề hội thảo cũng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho anh bạn sinh viên Bách Khoa Quốc Tế. “Công nghệ của Nhật hoàn toàn phát triển hơn nước mình. Các viện nghiên cứu của họ được chia thành nhiều phòng lab chuyên đề: phòng thí nghiệm rung, phòng thí nghiệm kết cấu, phòng thí nghiệm bê tông và hầm lò gió, phòng thí nghiệm an toàn phòng cháy và xây dựng. Công trường sử dụng máy móc tân tiến, thậm chí điều khiển từ xa” – Bảo kể.
Tác phong chuyên nghiệp của người Nhật trong công việc lẫn đời sống thường ngày cũng là điều tạo dấu ấn mạnh mẽ cho Mai Hoàng Bảo. “Vừa bước xuống sân bay là em cảm nhận được ngay sự khác biệt giữa con người Nhật Bản và Việt Nam. Cuộc sống hối hả, gấp gáp nhưng cũng rất trật tự, quy củ và đúng giờ. Ví dụ như khi đi thang máy, mọi người đều đứng một bên, phía còn lại chừa cho ai cần đi nhanh.
Đoàn STG đi thực địa tại Cầu Yabegawa – cầu dây văng dài nhất Nhật Bản, sử dụng công nghệ tân tiến để hạ giá thành và tăng tải trọng của cầu (Bảo đứng thứ năm từ phải qua).
Chụp hình lưu niệm cùng các kỹ sư của Obayashi – một trong năm tập đoàn xây dựng hàng đầu Nhật Bản (Bảo đứng thứ tư từ trái qua).
Khi làm việc, người Nhật tuyệt đối chú tâm vào công việc. Nhờ vậy mà mặc dù số lượng nhân công trên công trường của Nhật ít hơn nhiều so với Việt Nam nhưng hiệu quả công việc của họ lại rất cao. Được biết, thời gian làm việc ở Nhật là 8 tiếng/ngày, nhưng mọi người luôn tự nguyện làm thêm để hoàn thành công việc, do vậy thời gian làm việc thực tế thường vào khoảng 10 tiếng/ngày” – Bảo thuật lại trong niềm thán phục.
Tuy là sinh viên duy nhất trong đoàn gồm toàn kỹ sư và thạc sĩ, nhưng Mai Hoàng Bảo không tốn nhiều thời gian để kết thân với mọi người. “Đây là trải nghiệm rất thú vị khi lần đầu tiên em dùng tiếng Anh hoàn toàn để giao tiếp, được làm việc và trải nghiệm đời sống đa văn hóa với bạn bè đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Qua chuyến đi, em thấy mình trưởng thành hơn, biết cách giao tiếp hơn. Tới giờ em vẫn giữ liên lạc thường xuyên với các thành viên trong đoàn.”
Tại trụ sở Kajima – một trong năm tập đoàn xây dựng hàng đầu Nhật Bản (Hoàng Bảo đứng thứ ba từ trái qua).
Sau chuyến đi, Bảo nhận ra rằng, học tốt trong trường thôi là chưa đủ. “Sinh viên cần tham gia nhiều hoạt động xã hội và nghiên cứu khoa học để đa dạng hóa kiến thức và kỹ năng của mình.”
XEM THÊM
NCKH “Traffic Congestion in HCMC under the View of Young Civil Engineer” của Bảo (1.02 MB)
Báo cáo tổng kết chuyến đi của Bảo (7.47 MB)
Bài: THI CA – Ảnh: HOÀNG BẢO