Nâng cao kỹ năng viết không khó

Là sinh viên, bạn sẽ thường xuyên viết các bài tiểu luận, báo cáo nghiên cứu khoa học, email và sau này là viết đơn xin việc… nhưng đó luôn là một trong những trải nghiệm khó khăn cho không ít sinh viên. Vì thế, việc rèn luyện kỹ năng viết tốt là điều cần thiết ngay bây giờ. Vậy làm sao để việc viết lách của bạn trở nên dễ dàng, bày tỏ được rõ ràng quan điểm cũng như nêu rõ chủ đề mà bạn muốn viết? Hãy thử áp dụng vài mẹo sau đây để cải thiện kỹ năng viết của bạn tốt hơn nhé.

Learning to write well takes time and much effort, but it can be done” – Margaret Mead

1. KỸ NĂNG VIẾT QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO?

Thứ nhất, đây là kỹ năng mà bạn sẽ sử dụng nhiều nhất trong học tập như viết đề án, báo cáo và phục vụ cho công việc sau này như viết CV, đơn xin việc, hợp đồng…

Thứ hai, khi bạn sử dụng ngôn ngữ viết tốt sẽ giúp phát triển tư duy logic, khả năng trình bày bằng văn bản rành mạch giúp người đọc hiểu ý nghĩa bài viết của bạn dễ hơn. Cách bạn viết cũng thể hiện sự hiểu biết, sự thông thạo và một phần tính cách của bạn.

Cố gắng rèn luyện viết mỗi ngày sẽ giúp bạn viết tốt hơn.

2. CÁC KỸ NĂNG GIÚP BẠN VIẾT TỐT HƠN

  • Đặt câu đơn giản, ngắn, dễ đọc và dễ hiểu. Hãy đọc những gì bạn đã viết và cố gắng viết ngắn gọn lại, điều này tránh việc dùng nhiều từ ngữ dư thừa, bài viết của bạn sẽ súc tích, dễ hiểu hơn.
  • Tránh việc nhồi nhét quá nhiều từ viết tắt, sử dụng biệt ngữ, tiếng lóng. Thay vào đó bạn hãy chú ý đến ngữ pháp và chính tả trong bài viết. Có câu “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, việc viết đúng ngữ pháp rất quan trọng, vì khi bạn viết khác đi một chút sẽ thành nghĩa khác.
  • Không sử dụng các câu lặp đi lặp lại vì nó có thể gây nhầm lẫn cho người đọc và làm bài viết trở nên đơn điệu, nhàm chán.
  • Thử bắt chước văn phong của các nhà văn và tác giả yêu thích của bạn. Điều này không có nghĩa là đạo văn đâu nhé. Bạn nhớ ghi rõ nguồn trích dẫn, tên tác giả nếu có sử dụng trong bài viết của mình.
  • Phác thảo, chỉnh sửa, đơn giản hóa và cải thiện các bài viết của bạn. Đây chính là các bước cơ bản để bạn bắt tay vào việc viết bài, giúp bạn thể hiện đầy đủ các thông tin mà bạn muốn đề cập trong bài viết.
  • Phân tích những gì bạn đã đọc. Viết lại cảm nhận của bạn về một quyển sách, tóm tắt nội dung về một chủ đề mà bạn nghiên cứu cũng sẽ giúp bạn ghi nhớ tốt hơn đấy.
  • Đọc và đọc thật nhiều tài liệu khác nhau. Điều này không chỉ giúp bạn có nguồn kiến thức rộng về nhiều chủ đề mà còn học hỏi được nhiều phong cách viết khác nhau, làm đa dạng văn phong của bản thân hơn.
  • Tham gia hội thảo, các câu lạc bộ, hội nhóm chuyên viết lách chính là cơ hội để bạn học hỏi, giao lưu với nhiều đối tượng và làm đa dạng hơn phong cách viết. Viết và đưa cho bạn bè cùng đọc và góp ý cho bạn, sẽ giúp bạn phát hiện các lỗi sai chính tả, thừa chữ… bạn học được bằng cách tiếp thu các lỗi sai, cải thiện nó sẽ đem lại lợi ích không hề nhỏ.
  • Viết một cái gì đó mỗi ngày, đơn giản là hãy viết nhật ký của bản thân, thuật lại những gì bạn đã trải qua trong ngày là cách giúp bạn có sự hồi tưởng tốt và phát triển khả năng viết, rộng hơn nữa là viết các chủ đề khác trên các trang cá nhân như Facebook, Instagram, Blog… Khi viết càng nhiều thì khả năng viết của bạn sẽ càng được cải thiện rõ rệt. Thế nên đừng ngại viết và chia sẻ chúng nhé.
  • Nghiên cứu sâu về chủ đề bạn cần viết: Để viết về một đề tài, bài báo cáo, luận văn chẳng hạn…bạn nên dành thời gian tìm hiểu về chủ đề mình đang nghiên cứu. Khi bạn hiểu rõ nội dung công việc, lên khung bài sẽ giúp bài viết của bạn trôi chảy và gãy gọn hơn nhiều.

 Bài: LINH LÊ – Hình: Internet.

 

Bài trước

Bài tiếp