Từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đoàn Hội, xuất sắc giành được học bổng Erasmus và trở thành thủ khoa đầu ra khóa 2014 ngành Quản lý Công nghiệp, cô nàng Phan Châu Dung (K2014 chương trình Chất lượng cao) sẽ gởi gắm thông điệp nào tới các đàn em Bách khoa? Cùng OISP khám phá nha!
CHỌN HỌC BÁCH KHOA LÀ QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG ĐẮN
Mình là Phan Châu Dung, cựu sinh viên K2014 chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp. Hiện mình đã ra trường gần hai năm rồi.
Ban đầu, mình chọn học ngành Quản lý Công nghiệp vì quan tâm mảng quản trị chuỗi cung ứng. Sau khi tìm hiểu, mình biết rằng chương trình Chất lượng cao được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh và sinh viên sẽ học ở cơ sở Q10. Điều này rất thuận tiện cho việc di chuyển và cũng giúp mình tiết kiệm thời gian. Đặc biệt, Bách khoa là ngôi trường danh tiếng với đội ngũ giảng viên tận tâm. Với mình, đây là một quyết định đúng đắn.
Đời sinh viên của mình đầy ắp những kỷ niệm du ngoạn đó đây, được làm việc cùng các anh chị, thầy cô tâm huyết. Hoạt động đầu tiên mình thử sức khi vô đại học là hội trại truyền thống OISP Camp – một trong những sự kiện đinh dành cho sinh viên Bách khoa Quốc tế năm Nhất. Đây là dịp tốt để các tân binh áp dụng những bài học từ lớp Kỹ năng Mềm vào hoạt động thực tế như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy, kỹ năng trình bày…
Có thể nói, lựa chọn này đã mở ra bước ngoặt lớn. Từ đây, mình can đảm bước khỏi vùng an toàn của bản thân. Từ một cô gái nhút nhát, suốt 12 năm liền chỉ biết cặm cụi học hành, mình bắt đầu xông xáo trong nhiều chiến dịch thiện nguyện: Mùa Hè Xanh, Xuân Tình Nguyện… để rồi trở thành một con người năng động, hoạt bát, nắm giữ một số chức vụ quan trọng (chẳng hạn Phó Bí thư Ban chấp hành Đoàn khối, Uỷ viên Ban chấp hành Đoàn trường, Bí thư Ban chấp hành lớp CLC 2014 QTKD) mà chính mình cũng chưa từng ngờ tới.
Việc tham gia hoạt động giúp mình hiểu rõ giá trị bản thân, làm quen bạn mới, tích lũy kiến thức, biết cách xử lý tình huống và hoàn thành công việc đúng tiến độ. Đặc biệt, sau những chuyến đi tình nguyện, mình tự lập hơn, hăng hái tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm lối sống địa phương. Từ đó, mình cảm nhận trọn vẹn câu phương châm “Học hết sức, chơi hết mình” từ các thế hệ tiền bối.
Ngoài ra, mình cũng tham gia nghiên cứu khoa học với đề tài Đánh giá mức độ hiểu biết của sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh về đạo đức nghề nghiệp và đạt giải Nhì cấp khoa.
HỌC HĂNG SAY, LÀM NGHIÊM TÚC
Trong bốn năm đại học tại Bách khoa, mình có cơ hội tham gia chương trình trao đổi học tập Erasmus ở Warsaw School of Economics khoảng sáu tháng. Dịp này, mình được học tập, làm việc cùng các bạn sinh viên tới từ nhiều quốc gia, nền văn hóa khác nhau. Warsaw School of Economics thường xuyên tổ chức những chương trình ngoại khóa đa dạng như: Breakfast with managers, Tandem – learn new languages, Christmas with Polish.
Một trong những điều thú vị nhất trong chuyến đi này là khóa học đàm phán kinh doanh kéo dài bốn tiếng đồng hồ. Trong hai tiếng đầu, giảng viên chia sẻ lý thuyết về cách đàm phán. Hai tiếng sau, thầy cô chia nhóm sinh viên và đưa ra tình huống cụ thể để tụi mình thử tài đàm phán theo chiến thuật win – win hay win – lose.
Bên cạnh việc học, mình còn tham gia tour trượt tuyết cùng chó husky ở Na Uy, dự sự kiện Octoberfest tại Đức, ghé hội chợ ngoài trời ở Ba Lan và nhiều hoạt động đặc sắc khác.
Để đạt được suất học bổng này, với mình, bí quyết học tập hàng đầu là học nhóm. Vì lượng kiến thức chuyên ngành và tài liệu tham khảo bao la nên tụi mình phân thành từng mảng nhỏ để xử lý từ từ. Sau đó, cả đám thảo luận cùng nhau. Ai hiểu sâu phần nào sẽ xung phong giải thích phần đó. Điều quan trọng tiếp theo là hỏi lại thầy cô nếu không hiểu bài, bằng cách gởi e-mail, gặp mặt trực tiếp hoặc tham gia các buổi học tăng cường.
Không chỉ dừng lại ở đó, mình cũng năng nổ tham gia hoạt động của Đoàn Hội và nhà trường, đồng thời chủ động mở rộng mối quan hệ với giảng viên, bạn bè. Bởi bạn biết đó, nếu muốn đăng ký học bổng, bạn cần thư giới thiệu của các thầy cô cùng một số thành tích hoạt động ngoại khóa.
Hơn nữa, đừng quên kiểm tra e-mail trường và theo dõi bản tin của khoa, Phòng Quan hệ Đối ngoại, các trang mạng xã hội… nhằm cập nhật thông tin học bổng mới nhất nha. Luôn chuẩn bị sẵn giấy tờ cần thiết như: bảng điểm, profile, bằng IELTS, hộ chiếu, visa… để đăng ký học bổng suôn sẻ và dễ dàng hơn.
Trước khi tốt nghiệp, mình thực tập tại một công ty nước ngoài chuyên tư vấn dịch vụ logistic và quản lý chuỗi cung ứng. Công việc của mình là kiểm tra số liệu của các quy trình cung ứng và sản xuất, từ đó tư vấn cho khách hàng giải pháp tối ưu. Vì làm việc trong môi trường quốc tế nên tiếng Anh là một trong những yêu cầu tiên quyết, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp. Mình cần truyền đạt thông tin đến đối tác thật súc tích, ngắn gọn.
Không chỉ dừng lại ở đó, mình cũng cần đảm bảo tác phong nghiêm túc, tôn trọng văn hóa lẫn nguyên tắc hoạt động của công ty, đồng thời giữ thái độ cầu thị học hỏi trong mọi trường hợp.
Đôi lời nhắn nhủ tới các đàn em khóa dưới, tiếng Anh rất quan trọng vì bạn cần đọc hiểu tài liệu, sách báo nước ngoài. Trong quá trình học tập, các em nên trau dồi tiếng Anh để tự tin giao lưu với các sinh viên quốc tế tới trường ta trao đổi, thảo luận – thuyết trình trên lớp và bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Ngoại ngữ còn giúp bạn hội nhập với nhiều nền văn hóa cũng như đáp ứng yêu cầu công việc sau này.
Thực tập là cơ hội để sinh viên rèn luyện kỹ năng, trải nghiệm thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, xây dựng mối quan hệ với các tiền bối trong ngành, đồng thời tập lên kế hoạch, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian.
Bài, hình: PHAN CHÂU DUNG