Bắt đầu học kỳ mới rồi, chúng mình cùng nhau rèn luyện thể thao nhằm nâng cao sức khỏe thể chất và duy trì tinh thần minh mẫn nha.
Lúc mới bắt đầu luyện tập thể dục, chúng ta thường cảm thấy đau cơ bởi những bài tập nặng hoặc mệt mỏi vì phải sắp xếp thời gian luyện tập phù hợp trong khi lịch trình học tập, làm việc dày đặc. Khi đó, nhiều bạn sẽ có ý định trì hoãn, thậm chí từ bỏ. Để tránh rơi vào trường hợp này, các sinh viên Bách khoa Quốc tế hãy áp dụng năm phương pháp dưới đây nghen.
1. Chọn môn thể thao yêu thích nhất
Chắc chắn bạn sẽ không đủ hào hứng để tiếp tục theo đuổi những điều bản thân không ưa thích. Đừng bó mình trong vài môn thể thao thịnh hành. Thay vào đó, hãy tìm kiếm những bộ môn phù hợp với thể lực, thời gian, điều kiện kinh tế mà bạn có thể tập luyện mọi lúc mọi nơi và cảm thấy thoải mái nhất.
2. Xác định mục tiêu cụ thể
Bạn cần xác định được mục tiêu tập luyện của mình là đảm bảo sức khỏe, điều trị bệnh lý hay giữ gìn vóc dáng. Điều này giúp bạn tìm ra môn thể thao phù hợp với mong muốn bản thân cũng như dễ dàng theo dõi kết quả sau quá trình tập luyện.
Ví dụ: “Mình thường bị đau lưng do ngồi học liên tục nhiều giờ. Mình chọn môn yoga vì sự uyển chuyển, nhẹ nhàng, có thể thực hành mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, các bài tập kéo giãn cơ giúp mình hết đau lưng”.
3. Rèn luyện từ dễ đến khó
Hãy bắt đầu tập luyện bằng những bài đơn giản, nhẹ nhàng với những động tác từ dễ tới khó. Cách làm này giúp bạn tránh nguy cơ chấn thương hoặc đốt cháy giai đoạn. Chia nhỏ mục tiêu lớn thành nhiều cột mốc nhỏ hàng tuần để quản lý và theo dõi hành trình tập luyện. Bằng cách đó, bạn sẽ tiến gần tới mục tiêu của mình và củng cố động lực tập luyện mỗi ngày.
4. Tìm kiếm bạn đồng hành ăn ý
Nếu chia sẻ mục tiêu tập thể dục của bản thân với người thân, bạn bè, bạn sẽ được tiếp thêm động lực duy trì và cố gắng. Có những người bạn bên cạnh, hỗ trợ và động viên thì còn gì bằng. Những khi bắt đầu lười biếng, luôn nghĩ tới người bạn đồng hành thân thiết để trở nên có trách nhiệm hơn và bắt tay tập luyện hăng hái, không bỏ bữa nào.
5. Nghĩ về thành công sắp tới
Thử hình dung về những lợi ích, kết quả dự kiến mà bạn đạt được sau một khoảng thời gian tập luyện chăm chỉ. Đó có thể là cơ thể cường tráng, vóc dáng thon gọn, hay sức khỏe toàn diện.
Chẳng hạn, bạn tưởng tượng việc giảm vài kg để mặc được chiếc quần của năm trước, vừa tiết kiệm lại vừa tự tin. Lý do thực tế này sẽ giúp bạn tập luyện bền bỉ. Hãy chủ động tạo lập thói quen vận động mỗi ngày để cuộc sống thêm phong phú và tràn đầy năng lượng tích cực.
Bài: LINH LÊ – Hình: OISP