Ứng dụng phát hiện rò rỉ nước trên ĐTDĐ này cũng đã xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo thông minh về nước 2016.
Ứng dụng phát hiện rò rỉ nước trên ĐTDĐ này cũng đã xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo thông minh về nước 2016.
Nhóm SV Bách Khoa Trịnh Quốc Anh (bìa trái), Nguyễn Trần Quang Khải (giữa), Võ Phi Long (bìa phải) nhận giải Nhất cuộc thi Sáng tạo thông minh về nước 2016. – Ảnh: XUÂN LONG
GIẢM THẤT THOÁT NGUỒN NƯỚC
Xuất phát từ thực tế hiện vẫn còn khoảng 30% lượng nước sạch bị thất thoát trong quá trình cấp nước ở TP.HCM, ba SV Khoa Điện – Điện tử, ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) gồm Trịnh Quốc Anh, Nguyễn Trần Quang Khải, Võ Phi Long đã nảy ra ý tưởng thiết kế một ứng dụng có khả năng phát hiện được nguồn nước bị rò rỉ.
Nói về ứng dụng này, bạn Quốc Anh cho hay: “Thông thường, khi phát hiện rò rỉ nước, mọi người thường bỏ qua việc báo cáo vì không biết báo cáo với ai và quy trình báo cho bộ phận sữa chữa thường rắc rối và tốn thời gian. Điểm nổi bật của ứng dụng này chính là sự tiện lợi, đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả.”
Cách hoạt động của ứng dụng khá dễ dàng, khi phát hiện có hiện tượng rò rỉ, người sử dụng truy cập ứng dụng, định vị vị trí và gửi thông tin về tổng đài. Nhờ sự hỗ trợ định vị của GPS, những người tiếp nhận kết quả sẽ có trách nhiệm phân tích tìm ra vị trí có lỗi hỏng về nước để có biện pháp sửa chữa kịp thời.
Tuy nhiên, việc đưa ý tưởng đó vào nghiên cứu là điều không hề dễ dàng. Hơn nữa, cả ba đều là SV ngành Điện – Điện tử nên quá trình thu thập thông tin về nước mất rất nhiều thời gian. Khó nhất chính là xác định độ chính xác của định vị GPS, nhóm luôn trăn trở làm sao để ứng dụng có thể định vị chính xác nhất không chỉ trong những không gian nhỏ mà còn đối với những nơi rộng lớn hơn như công viên, trường học… Thế nhưng, kết quả ngoài mong đợi, sau khi tìm cách khắc phục, tính chính xác của ứng dụng có thể lên đến 80%.
“Sau khi hoàn thành nghiên cứu ngoài thực tế, nhóm mình gặp trục trặc trong phân đoạn viết bài luận. Ban đầu cả ba trình bày theo cách của mình. Đến hạn nộp bài dự thi, ban tổ chức gửi thư về yêu cầu nhóm phải viết luận theo form chuẩn. Dù thời gian gấp nhưng do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên cả ba cố gắng hết sức để nộp bài luận theo đúng yêu cầu” – Quang Khải chia sẻ.
Với tính khả thi cao, ứng dụng của nhóm đã gây ấn tượng với hội đồng giám khảo, trở thành ứng dụng xuất sắc nhất của cuộc thi. Phi Long tâm sự: “Tụi mình khá bất ngờ khi nhận được giải Nhất của cuộc thi, nhưng tụi mình cũng rất vui và hạnh phúc vì sáng kiến của tụi mình có thể góp phần giảm thất thoát nguồn nước, nhất là khi nguồn nước đang cạn kiệt và trở thành nỗi lo toàn cầu.”
Với tính khả thi cao, ứng dụng của nhóm đã gây ấn tượng với hội đồng giám khảo, trở thành ứng dụng xuất sắc nhất của cuộc thi Sáng tạo thông minh về nước 2016.
SÁNG TẠO TỪ NHỮNG ĐIỀU ĐƠN GIẢN NHẤT
Trước đây, cả ba SV gặp rất nhiều thất bại khi tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học. Nhưng tình yêu dành cho khoa học chính là động lực để nhóm đứng dậy từ những vấp ngã và không ngừng học hỏi. Theo quan niệm của nhóm, sáng tạo không phải là những gì to tát hay những ý tưởng quá lớn lao. SV hãy bắt đầu từ những điều gần gũi với thực tế, nằm trong khả năng của chính bản thân mình. Điều quan trọng nhất là phát huy được những thế mạnh của ngành học vào quá trình nghiên cứu.
Quốc Anh chia sẻ: “Đây là cuộc thi về nước, tụi mình là những SV học tập và nghiên cứu về Đện, không có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nước, vì vậy tụi mình đã quyết định tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn của một SV ngành Điện. Hướng đi đó đã giúp tụi mình tự tin hơn rất nhiều khi tiến hành nghiên cứu đề tài.”
Sự ăn ý trong quá trình làm việc nhóm cũng là một nhân tố rất quan trọng để quyết định thành công. Là cộng sự với nhau từ những năm đầu ĐH, Quốc Anh, Quang Khải và Phi Long hiểu rõ được tính cách của nhau, có sự phân chia công việc rõ ràng. “Bạn nào có ý tưởng thì đưa ra để cả nhóm cùng bàn bạc, bổ sung, hoặc có tài liệu nào hay thì chia sẻ cho nhau cùng đọc, sản phẩm nghiên cứu theo đó mà hình thành” – Phi Long cho biết.
Nói về sáng tạo của mình, nhóm cho biết đã nhận được khá nhiều phản hồi tích cực từ hội đồng cuộc thi. Các chuyên gia nhận định ứng dụng này có thể áp dụng vào thực tế trong thời gian sớm nhất để giảm thiểu nguồn nước bị thất thoát. Tiến sĩ Phil Graham – chuyên gia quốc tế về khí hậu và nước, thành viên ban giám khảo đánh giá: “Đây là ý tưởng đơn giản nhưng khả năng nhân rộng cao từ một ứng dụng trên ĐTDĐ. Sáng kiến có sự đầu tư về chất xám và sự sáng tạo lớn bởi các bạn trẻ VN.”
MONG MUỐN CÓ NGUỒN TÀI TRỢ
Trở thành quán quân cuộc thi Sáng tạo thông minh về nước 2016, các thành viên nhận đã giành được suất tham dự Tuần lễ Nước thế giới tại Thụy Điển hồi tháng 8. Quang Khải chia sẻ: “Chuyến đi này, tụi mình mong muốn sẽ được mở mang kiến thức về nước cũng như những sáng tạo trong việc bảo vệ nguồn nước tại Thụy Điển. Đó là phần thưởng rất quý giá mà tụi mình có được nên nhất định sẽ trân trọng nó.”
Về ứng dụng phát hiện rò rỉ nước trên điện thoại thông minh, là một sáng kiến hay, tuy nhiên để đưa vào thực tế cần có một nguồn chi phí nhất định. Mong muốn của nhóm là tìm được nguồn tài trợ từ các tổ chức, các nhà đầu tư để ứng dụng có thể nhanh chóng ra mắt người sử dụng, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước hữu hạn tại VN nói riêng và thế giới nói chung.
Trong tương lai, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng theo hướng đa chức năng, không chỉ phát hiện rò rỉ nước mà còn ở các tài nguyên khác như điện, gas… để hạn chế rủi ro trong cuộc sống hằng ngày, hướng tới một môi trường sống tốt đẹp.
Phóng sự ngắn về ứng dụng đoạt giải của nhóm SV Anh – Khải – Long phát sóng trên chuyên mục Thành phố hôm nay.
VÂN ANH – MỸ DUYÊN (ĐHQG-HCM)