Tiếp thu kiến thức nhanh chóng nhờ phương pháp ghi chép thần thánh

Trở thành sinh viên đồng nghĩa với việc bạn phải đối mặt với lượng kiến thức chuyên ngành khổng lồ khó nhằn. Làm thế nào để ghi chép hiệu quả và hệ thống hóa kiến thức một cách dễ dàng? Cùng OISP tìm hiểu 5 bí quyết hữu ích dưới đây nha!

1. Ngồi viết đúng tư thế

Tốc độ viết sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu chúng ta cầm viết sai. Vì vậy, bạn cần chú ý cầm viết bằng ba ngón tay (ngón trỏ, ngón giữa và ngón út), trong đó ngón giữa nên đặt ở vị trí thấp để đỡ viết còn hai ngón còn lại sẽ điều khiển chuyển động của viết. Khi ghi chép, bạn cứ thư giãn, tránh gồng tay, đồng thời tạo ra một góc 45 độ giữa trang giấy và thân viết.

Bên cạnh đó, muốn viết nhanh và đẹp hơn, hãy ngồi ngay ngắn, thẳng lưng, đầu hơi cúi, không tì ngực vào cạnh bàn cũng như duy trì khoảng cách trung bình từ mắt tới tập là 25-30 cm. 

2. Ghi chép có chọn lọc

Không phải mọi thông tin đều quan trọng. Bạn cần học cách chắt lọc thông tin và ghi chép có chọn lọc. Để làm được điều này, hãy tập trung nghe giảng, xác định ý chính, viết tắt, sử dụng ký hiệu, gạch đầu dòng, nắm bắt từ khóa… Tóm lại, luôn tìm cách tóm tắt ý chính đầy đủ và ngắn gọn nhất có thể, sau đó trình bày kiến thức theo cách riêng của bản thân.

3. Áp dụng phương pháp ghi chép khoa học

Phương pháp Cornell và phương pháp sơ đồ tư duy là hai trong số những chiến lược ghi chép đơn giản và phổ biến nhất hiện nay.

Phương pháp ghi chép dạng Cornell

Ra đời vào những năm 1950, phương pháp ghi chép Cornell là phát minh của giáo sư Walter Pauk – giảng viên Đại học Cornell (Mỹ). Phương pháp này khuyến khích chúng ta chia tờ giấy thành hai cột: cột bên trái ghi lại ý chính/ câu hỏi/ từ khóa, cột bên phải điền những thông tin chi tiết liên quan tới ý chính ở cột trái. Cuối trang giấy, bạn dành khoảng 5-7 dòng để tóm tắt toàn bộ nội dung đã lắng nghe.

Phương pháp Cornell giúp chúng ta dễ dàng tra cứu thông tin. Nếu cần tìm kiếm ý chính, bạn có thể nhìn vào cột bên trái. Nếu muốn đào sâu kiến thức, bạn có thể đọc thêm cột bên phải. Ngoài ra, khi phải nắm nhanh dàn bài, bạn chỉ cần tìm về phần đúc kết có sẵn ở cuối trang.

Hình: Google Images

Phương pháp ghi chú dạng sơ đồ tư duy

Với phương pháp ghi chú sơ đồ tư duy, bạn ghi tiêu đề/ chủ đề quan trọng nhất ở chính giữa trang giấy, sau đó vẽ thêm nhiều nhánh lớn tỏa ra (trong đó mỗi nhánh lớn ứng với một ý chính), rồi từ các nhánh lớn, bạn lại tạo ra những nhánh nhỏ hơn. Phương pháp sơ đồ tư duy cho phép chúng ta ghi chú một lượng lớn thông tin chỉ trên một mặt giấy. Các ý chính sẽ luôn nổi bật ở trung tâm của trang. Cách làm này đặc biệt hiệu quả khi bạn đã biết trước cấu trúc bài giảng hoặc nội dung buổi họp.

Hình: Google Images

4. Sắp xếp nội dung một cách khoa học

Khi đã phác thảo được dàn bài, bạn nên sắp xếp tất cả ý chính theo một hệ thống trực quan, đảm bảo các đoạn liên kết chặt chẽ với nhau. Bằng cách soạn kỹ mục lục, bạn sẽ có cái nhìn tổng quát về tất cả nội dung bài vở, từ đó tiết kiệm thời gian và công sức khi cần tìm kiếm hay ôn tập kiến thức.

5. Sử dụng viết nhiều màu và giấy phân trang

Nhằm lưu trữ kiến thức thật nhanh chóng và tiện lợi, nhiều người chọn cách tốc ký tất cả môn học trong một cuốn tập. Tuy nhiên, việc dồn lại quá nhiều thông tin vào cùng một chỗ cũng đồng thời dễ gây nhầm lẫn hoặc rối rắm lúc cần tra cứu. Trong trường hợp này, hãy thử dùng viết nhiều màu và giấy phân trang để phân biệt từng môn học/ nội dung quan trọng. Ngoài ra, những màu sắc tươi tắn, bắt mắt cũng mang tới nguồn cảm hứng giúp bạn ghi chép cẩn thận và ôn bài thường xuyên.

Hy vọng những bí quyết đơn giản trên sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng ghi chép, từ đó học tập tiến bộ hơn mỗi ngày.

Tổng hợp: LINH LÊ 

Bài trước

Bài tiếp