Đó là mô hình nghiên cứu của nhóm SV Khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, nhằm giúp các bác tài tỉnh táo hơn trong khi lái xe.
Đó là mô hình nghiên cứu của nhóm SV Khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, nhằm giúp các bác tài tỉnh táo hơn trong khi lái xe.
► Mai Tôn Khiêm – chủ nhân học bổng ĐH Queensland (Úc)
► SV chương trình Tiên tiến đoạt Huy chương Vàng tốt nghiệp
► Từ rớt NV1 đến kỹ sư được săn đón
“Theo những khảo sát, ngủ gật sau vô lăng là nguyên nhân dẫn tới 30% số tai nạn xảy ra, đặc biệt với những chuyến đi đường dài. Do đó, cảnh báo tài xế khi có hiện tượng buồn ngủ là một vấn đề cấp thiết và thiết thực nhằm làm giảm tỉ lệ tai nạn giao thông” – nhóm sinh viên Lê Thế Hải và Lê Thanh Hòa (chuyên ngành Viễn thông, Khoa Điện – Điện tử) đã giải thích lý do vì sao chọn đề tài làm luận văn tốt nghiệp là “Nhận diện chớp mắt và cảnh báo buồn ngủ khi lái xe trên nền Windows và Android.”
Những tác giả trẻ thử nghiệm mô hình cảnh báo tài xế ngủ gật trên máy tính.
Những tác giả trẻ này cho hay gần đây, phương pháp phát hiện buồn ngủ dựa theo chu kỳ sinh học của mắt đã và đang được một số hãng xe hơi thực hiện như một ứng dụng của công nghệ xử lý ảnh. Theo đó, đề tài này cũng sử dụng một trong những ứng dụng của xử lý ảnh để phát hiện và cảnh báo buồn ngủ bằng cách nhận diện trạng thái đóng/ mở của mắt. Khi người lái xe ngủ và mắt nhắm lại, lập tức sẽ có âm thanh cảnh báo nguy hiểm.
Đặc biệt, nhóm tác giả đã tận dụng sự phát triển của hệ điều hành Android và tính phổ biến của những thiết bị cầm tay như GPS hay máy tính bảng chỉ đường trên ô tô.
“Một vấn đề rất mới của đề tài này là thực hiện trên các thiết bị di động. Vì tính thực tiễn và sự mới mẻ của đề tài cần nhiều thời gian nghiên cứu nên chúng tôi đã thực hiện và kiểm tra hoàn thiện giải thuật trên máy tính, sau đó chuyển đổi ngôn ngữ rồi nạp lên trên thiết bị cầm tay chạy hệ điều hành Android” – đại diện nhóm nghiên cứu trình bày.
PGS-TS Hoàng Đình Chiến (giảng viên Bộ môn Viễn thông, Khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM) – người gợi ý, hướng dẫn cả hai đề tài cảnh báo tài xế ngủ gật nói trên, nhận xét: “Những đề tài trên đều thể hiện những điểm chung là có tính thực tiễn, thời sự; có tính học thuật, tích hợp công nghệ và có mô hình thực nghiệm kiểm chứng.” |
Theo nhóm tác giả, chương trình phần mềm này có ưu điểm là tiết kiệm chi phí thiết kế và thi công phần cứng cho một hệ thống cảnh báo với chức năng tương tự. Bên cạnh đó, nó mang tính cơ động cao khi tích hợp được vào các thiết bị cầm tay phổ biến hiện nay (các thiết bị điện thoại di động và máy tính bảng). Hơn nữa, chương trình này đáp ứng được yêu cầu thực tế, thời gian xử lý cảnh báo nhanh cho một ứng dụng yêu cầu thời gian thực. Tuy nhiên, đề tài cũng thể hiện một số nhược điểm như: không theo dõi được khuôn mặt trong một số trường hợp quay trái, quay phải một góc lớn hơn 40 độ hoặc cúi đầu lớn hơn 10-15 độ, ngẩng đầu lên quá 30 độ…
Dẫu vậy, ông Chiến cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Ở môi trường ĐH thường chỉ nghiên cứu ra mô hình. Còn việc ứng dụng vào thực tiễn là thuộc về sự đầu tư của những doanh nghiệp, tập đoàn. Để làm ra sản phẩm, còn cần một quá trình rất dài phía trước.”
Cũng nhằm cảnh báo tài xế ngủ gật trên những chuyến xe, hai bạn Trần Lê Anh Chương và Nguyễn Khắc Hiếu (cùng ngành, cùng khóa với Hải và Hòa) đã chọn đề tài luận văn “Nhận dạng trạng thái mắt ứng dụng trên Pandaboard”. Nhóm thiết kế một camera đặt ở phía trước để thu lại ảnh khuôn mặt của người lái xe, hình ảnh này sẽ được đưa vào chương trình để tiến hành phân tích. Nếu phát hiện mắt đang nhắm, chương trình sẽ tiến hành đếm trong một khoảng thời gian quy định trước (có thể lập trình được).
Sau khoảng thời gian này mắt vẫn ở trạng thái nhắm, chương trình sẽ phát âm thanh cảnh báo qua loa. Trong quá trình thử nghiệm mô hình, các tác giả tự tin khẳng định: chương trình này khả thi trong điều kiện thời gian thực trên thiết bị nhỏ gọn sử dụng vi xử lý ARM và có thể tích hợp được trên những phương tiện giao thông.
“Tụi mình đọc rất nhiều tài liệu, làm tới làm lui vì thấy sai hoài. Sau nhiều lần thử nghiệm, mới dần dần khắc phục một số hạn chế” – tác giả Nguyễn Khắc Hiếu chia sẻ.
Được biết, các tác giả nói trên đều tự bỏ tiền túi thực hiện đề tài và đều đạt kết quả loại giỏi. Sau khi tốt nghiệp, hầu hết những tác giả trẻ trên đã lên đường du học tại Na Uy, Hàn Quốc.
Hiện nay, ở bậc ĐH, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM đang triển khai chương trình đào tạo Kỹ sư Điện – Điện tử theo mô hình Tiên tiến 4+0 (4 năm tại Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM) và Liên kết Quốc tế 2+2 (2 năm đầu tại Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM và 2 năm cuối tại University of Illinois at Urbana-Champaign/ The Catholic University of America/ Rutgers University – Mỹ, The University of Queensland/ Macquarie University – Úc.
Chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh, đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường đối tác của Mỹ, Úc, Nhật công nhận về chất lượng. Khung chương trình được thiết kế và xây dựng trên quan điểm lấy người học làm trung tâm, giúp sinh viên phát triển tối đa khả năng sáng tạo, giỏi chuyên môn, thạo ngoại ngữ, thích ứng linh hoạt với môi trường làm việc quốc tế. Sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận bằng ĐH chính quy Kỹ sư Điện – Điện tử do Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM hoặc các trường đối tác nêu trên cấp. Thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bắt đầu từ ngày 1/3/2016. |
Theo Thanh Niên