Tùy vào tính chất từng chương trình, các ứng viên sẽ phải viết luận hay tham gia phỏng vấn (hoặc cả hai).
Tùy vào tính chất từng chương trình, các ứng viên sẽ phải viết luận hay tham gia phỏng vấn (hoặc cả hai).
Ngoài học bổng du học dài hạn, hiện có nhiều hội thảo, chương trình học tập ngắn hạn… dành các suất đài thọ toàn phần. Ứng viên cần những gì để nắm bắt thành công các cơ hội trên?
NGOẠI NGỮ LÀ ĐIỀU KIỆN CẦN
Theo bạn Phạm Tiến Mạnh – sinh viên K2014 Quản lý Tài nguyên & Môi trường, chương trình Chất lượng cao, Đại học Bách Khoa, đang học tại Masaryk University (Cộng hòa Séc) trong khuôn khổ chương trình trao đổi sinh viên ngắn hạn Erasmus+ 2017 – “khi ở trong một môi trường phải nói tiếng Anh 24/24, thì vốn từ vựng, độ phản xạ, kỹ năng thuyết trình và hùng biện bằng tiếng Anh là vô cùng quan trọng nếu không bị lạc lõng giữa tập thể.”
Phạm Tiến Mạnh (gần màn hình nhất) cùng bạn bè quốc tế tại Cộng hòa Séc. – Ảnh: esn BRNO UNITED
Nhưng, đứng trước “rừng” đối thủ đến từ các quốc gia dùng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ, làm sao tạo “điểm nhấn” cho bài luận?
Hãy đọc nhiều nhất có thể. Đọc ở đây nghĩa là đọc và tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình, các nội dung, vấn đề nổi cộm liên quan đến chủ đề chương trình, sự liên quan của chủ đề với quốc gia tổ chức cũng như với Việt Nam…
Chị Lê Diệp Kiều Trang – gương mặt doanh nhân thành công và từng là thủ khoa suốt thời phổ thông đến lúc tốt nghiệp MBA ở Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), chia sẻ: “Thủ khoa không hẳn là người học giỏi nhất mà là người đạt những mục tiêu phù hợp với chương trình nhất”. Sự trau chuốt, đầu tư trong bài luận càng đặc biệt quan trọng với những ứng viên chưa có nhiều bề dày thành tích, thâm niên trong công việc. Khi cảm thấy hồ sơ, thành tích của mình chưa tạo đủ ấn tượng nơi Hội đồng Tuyển chọn, hãy “gỡ gạc” bằng một bài viết giàu lý lẽ để tăng tính thuyết phục.
Sau khi viết xong, bạn nên đưa một số “tiền bối” xem qua để có những bổ sung, chỉnh sửa khách quan. Tránh trường hợp viết luận theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”, Hội đồng Tuyển chọn luôn là những người chấm luận dày dạn kinh nghiệm và họ sẽ cảm nhận được điều này dễ dàng.
Đầu tư, trau chuốt thật kỹ bài luận là một trong những mấu chốt ghi điểm với Hội đồng Tuyển chọn học bổng. – Ảnh: Sciencemag
Còn với Mai Hoàng Bảo – sinh viên K2015 ngành Kỹ thuật Xây dựng, chương trình Chất lượng cao, Đại học Bách Khoa, từng đạt học bổng Study Tour Grand 2017 của Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Nhật Bản, “học tốt trong trường thôi là chưa đủ, sinh viên cần tham gia nhiều hoạt động xã hội và nghiên cứu khoa học để đa dạng hóa kiến thức và kỹ năng của mình”. Nhờ đó, CV của Bảo mới “có trọng lượng” với Hội đồng Tuyển chọn.
TRUNG THỰC VÀ KIÊN TRÌ
Một điểm không kém quan trọng là bạn nên nỗ lực thực hiện những điều đã hứa hẹn trong bài luận hoặc phỏng vấn. Trong thời đại công nghệ, việc kiểm tra chéo thông tin dễ như trở bàn tay. Có thể sự may mắn mỉm cười với bạn trong lần đầu, nhưng những lần sau sẽ dựa phần lớn vào sự cố gắng.
Một số ứng viên chương trình học bổng của Đức, Mỹ bị đánh rớt vì thiếu trung thực khi khai hồ sơ (từng được đài thọ tham dự một hội thảo tại Đức nhưng sau khi hoàn tất lại không thực hiện điều đã hứa hẹn khi phỏng vấn).
Việc giữ lời hứa và cập nhật thường xuyên “thành quả” với chương trình sẽ tạo được thiện cảm cho Ban Tổ chức. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn cho các học bổng, chương trình khác về sau. Ban Tổ chức (các chương trình trước) sẽ không ngần ngại cấp thư giới thiệu (một yếu tố quan trọng cho nhiều học bổng) hay chuyển cho bạn thông tin về những chương trình, học bổng khác mà họ biết được.
Thông thường ở cuối các chương trình học tập ngắn hạn sẽ có những buổi gặp mặt tổng kết giữa Ban Tổ chức và người nhận đài thọ, chủ yếu xoay quanh việc đóng góp ý kiến để các chương trình sau hoàn thiện hơn. Bạn hãy chia sẻ ý kiến một cách nhiệt tình, chi tiết nhất có thể, điều này khiến họ tin rằng bạn đã tham gia chương trình với thái độ nghiêm túc.
Chị Nguyễn Trần Phi Yến (giảng viên Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn), gương mặt nhận được nhiều suất đài thọ các chương trình danh tiếng như Diễn đàn Lãnh đạo trẻ toàn cầu của UNESCO (Mỹ), học bổng khóa quản lý tại Stanford University (Mỹ)… từng thừa nhận, song song với bề dày thành tích trên, cũng nhận về vô số thất bại. Do vậy, một điều không kém phần quan trọng là hãy kiên trì vì cơ hội không phải lúc nào cũng mỉm cười với mình.
TRẢ LỜI CÂU HỎI “VÌ SAO CHÚNG TÔI CHỌN BẠN?” Với những bạn có thành tích liên quan đến chủ đề hội thảo, đừng ngần ngại liệt kê đầy đủ để chứng minh bạn là lựa chọn phù hợp nhất với chương trình (chỉ cần liệt kê những giải thưởng, thành tích liên quan đến nội dung hội thảo). Suy cho cùng, bạn luôn cần trả lời thành công câu hỏi “vì sao chúng tôi nên chọn bạn?”. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tuyệt đối lưu ý thời hạn nộp (deadline) và số lượng từ quy định. Rất nhiều chương trình sử dụng trang điện tử để “lọc” trực tiếp những hồ sơ nộp trễ hay có số từ quá quy định. |
QUÝ MINH tổng hợp từ Tuổi Trẻ Online