Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Vượt vũ môn ĐGNL nhẹ tênh như “chiến thần” Bách khoa

Kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 1 năm 2024 của ĐHQG-HCM sắp sửa diễn ra. 2k6-er đã sẵn sàng vượt vũ môn chưa? Mục tiêu ghi tên lên bảng vàng của bạn sẽ trở nên dễ thở hơn nhiều nếu vận dụng thuần thục bí kíp võ công từ hai chàng thủ khoa Bách khoa Quốc tế.

Bài viết liên quan
Học trọn tuyệt chiêu thi ĐGNL tốt từ các thủ khoa toàn quốc

Nguyễn Hồ Tiến Đạt – thủ khoa toàn quốc kỳ thi ĐGNL năm 2021 với 1.103 điểm, sinh viên K2021 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Khoa học Máy tính, cho biết:

“Năm lớp 12, sau khi tìm hiểu về các phương thức tuyển sinh, mình cảm thấy rất hứng thú với nội dung và hình thức của kỳ thi nên đã quyết định thử sức và đạt thành tích thủ khoa.

Trong quá trình ôn tập, mình tập trung lắng nghe bài giảng trên lớp và tranh thủ đọc lại sách giáo khoa, xem tóm tắt nội dung kiến thức của các môn học ở lớp 10, 11, 12 vào mỗi buổi tối. Ngoài ra, mình cũng thường xuyên xem các bản tin thời sự, các bài báo hay các chương trình kiến thức như Đường lên đỉnh Olympia. Đến trước kỳ thi khoảng 1-2 tháng, mình sẽ làm quen với đề minh hoạ và tự bấm thời gian để lên phương án làm bài hiệu quả. 

Mình luôn cho rằng đầu óc thư giãn, không bị căng thẳng quá mức thì mọi việc mới suôn sẻ. Mặt khác, mình cũng tự nhủ với bản thân rằng đây chỉ là sự thử sức cho một phương thức xét tuyển vào đại học, không phải là con đường duy nhất. Chính vì thế nên các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao cùng bạn bè mình đều có mặt đầy đủ và hết mình!

Trước bất cứ kỳ thi nào mình cũng dành một ngày hoặc ít nhất nửa ngày không ôn tập nữa để giữ tinh thần thoải mái. Lúc làm bài, mình làm từ trên xuống nhưng đối với những câu chưa thật sự chắc chắn thì mình sẽ đánh dấu. Sau khi đi qua cả bài, mình sẽ quay lại và suy nghĩ kỹ càng hơn để tìm ra đáp án.

Và mình luôn dành ra khoảng 5-10 phút cuối để kiểm tra lại hết thông tin xem có sai sót gì hay có tô nhầm đáp án ở câu hỏi nào không… Đối với mình khoảng thời gian đó rất quan trọng, giúp mình tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn. Đây có thể xem là “chiến lược” làm bài của mình.

Những bài học, kinh nghiệm, kỹ năng đó không chỉ giúp ích cho quá trình học đại học mà còn cả trong chặng đường sau này nữa. Quá trình đó, mình rèn được khả năng tự đánh giá những khuyết điểm, thiếu sót để tìm cách khắc phục cũng như nhận ra những thế mạnh để phát huy. Đó chính là điều mình luôn cố gắng để hoàn thiện bản thân hơn và hoàn thành các công việc tốt nhất có thể. Ngoài ra, việc giữ sự bình tĩnh, thoải mái cũng giúp mình vượt qua được nhiều khó khăn một cách suôn sẻ hơn”.

Trần Công Huy Hoàng – thủ khoa toàn quốc kỳ thi ĐGNL năm 2020 với 1.118 điểm, sinh viên K2020 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Khoa học Máy tính, chia sẻ:

“Thời điểm mình quyết định tham gia, ĐGNL vẫn còn rất mới. Nhờ thầy cô nhiệt tình giới thiệu, mình đã đăng ký thi. Khi ấy tụi mình bị gián đoạn việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT vì dịch COVID-19. Do đó, mình quyết định nắm lấy mọi cơ hội vào được trường đại học mơ ước.

Ngoài giờ học trên lớp, mình dành khoảng 60% thời gian để ôn thi THPT và 30% cho ĐGNL. Mình tập trung trước vào các môn tự nhiên, môn thế mạnh của mình. Với các môn xã hội, mình chọn đọc sách giáo khoa và đánh dấu những chỗ quan trọng. Mỗi tuần mình xem lại các phần đã đánh dấu 1-2 lần để nhớ, chứ không học thuộc. Khoảng thời gian 10% còn lại trong ngày mình dành cho việc nghỉ ngơi, nghe nhạc, đánh đàn hay xem phim. Dành thời gian nghỉ ngơi cũng là để học tập hiệu quả hơn.

Kỳ thi còn khá mới và cũng chưa có nhiều sự lựa chọn ôn tập, nên mình tự học là chính. Trên mạng có đăng tải nhiều dạng đề, mình in hết đề ra rồi cứ đặt trước mặt để có cảm giác thôi thúc phải làm bài hơn. Mình cũng rủ một vài người bạn làm chung, sau đó đặt deadline sửa bài cho nhau. Nếu trễ deadline, bọn mình sẽ có hình phạt tương ứng. Các cách này đều tạo động lực ôn tập cho mình. 

Bài thi ĐGNL không chia theo từng môn mà các câu hỏi phân bố ngẫu nhiên. Bản thân mình, do vậy, chọn làm bài từ trên xuống dưới. Với những câu phân vân hoặc không biết làm, mình đánh dấu lại để quay lại sau. Mình nghĩ nên dành 10 phút cuối để đánh dấu vào phiếu trả lời trắc nghiệm, tránh trường hợp làm xong bài nhưng không kịp tô đáp án. Với các câu toán logic, bạn nhớ tóm tắt đề, tức ghi lại các số liệu hoặc thông tin chính, để hiểu đề bài hơn.

Là kỳ thi không bắt buộc và còn khá mới mẻ nên thầy cô, cha mẹ sẽ không đốc thúc chúng mình ôn tập cho ĐGNL. Chính mình phải có kỷ luật, có tính tự giác. Việc ôn luyện nhiều kỳ thi cùng lúc như vậy cũng giúp mình học cách quản lý thời gian tốt hơn. Các kỹ năng nói trên đều rất hữu ích cho việc học ở đại học và cả trong cuộc sống. Chẳng hạn, ngoài việc học, sinh viên đại học còn tham gia các hoạt động ngoại khóa. Có kỹ năng quản lý thời gian, chúng ta có thể cân bằng tốt các đầu việc.

Cuối cùng, mình hy vọng các thí sinh năm nay sẽ tự tin vào bản thân, bình tĩnh làm tốt bài thi ĐGNL. Nếu tiếp tục cố gắng hết mình, các bạn sẽ nhận được kết quả như mong muốn”.

Theo TẠP CHÍ ĐH QUỐC GIA TP.HCM

Bài trước

Bài tiếp