Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Yêu cầu của nhà tuyển dụng về những kỹ năng đối với sinh viên mới tốt nghiệp

Yêu cầu của nhà tuyển dụng về những kỹ năng đối với sinh viên mới tốt nghiệp các ngành quản lý – kinh tế :  Ứng dụng phương pháp phân tích nội dung
TS. Vũ Thế Dũng –Trần Thanh Tòng
(Khoa Quản Lý Công Nghiệp – Đại Học Bách Khoa Tp.HCM)
Tóm tắt
Sử dụng phương pháp phân tích nội dung (content analysis), nghiên cứu thực hiện việc phân tích nội dung của hơn 300 mẫu quảng cáo tuyển dụng trên các báo tuyển dụng lớn của Việt Nam đối với các ứng viên mới tốt nghiệp đại học để tìm hiểu các yêu cầu của nhà tuyển dụng về các kỹ năng cần có của nhóm nhân viên này. Kết quả chỉ ra 3 nhóm kỹ năng (cơ bản, giá trị gia tăng, và dành cho các nhà lãnh đạo tương lai) với 17 kỹ năng cụ thể được các doanh nghiệp tìm kiếm từ các ứng cử viên. Nghiên cứu đề nghị mô hình 3 vòng tròn đồng tâm với các thuộc tính vận động hướng tâm để mô hình hóa kết quả tìm được. Kết quả của nghiên cứu có thể được sử dụng cho sinh viên, các nhà quản lý trường đại học, trung tâm đào tạo và huấn luyện, và cả các doanh nghiệp.
Đặt vấn đề
Bên cạnh các kiến thức chuyên môn cần có được trang bị trong trường đại học, các sinh viên mới tốt nghiệp thường khó kiếm việc làm vì thiếu đi các kỹ năng trong công việc (Dũng, 2005). Có rất nhiều nhóm kỹ năng mà một người lao động tri thức cần có. Tuy nhiên đâu là các kỹ năng chính mà các nhà tuyển dụng Việt Nam đang yêu cầu đối với nhóm ứng viên mới tốt nghiệp đại học? Nghiên cứu này nhằm trả lời câu hỏi nêu trên. Kết quả của nghiên cứu sẽ giúp các sinh viên có định hướng tốt hơn trong việc trang bị các nhóm kỹ năng phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Mặc khác nó cũng cung cấp các thông tin tham khảo quan trọng cho các đơn vị đào tạo trong quá trình thiết kế chương trình đào tạo gắn với thực tiễn nhu cầu xã hội và nhu cầu học của sinh viên. Kết quả của nghiên cứu cũng có nhiều hữu ích cho các nhà tuyển dụng trong việc thiết kế chương trình tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện và phát triển nhân viên của mình.
Phương pháp nghiên cứu
Tiếp cận câu hỏi nghiên cứu loại này có thể nghĩ đến một vài phương pháp thông dụng. Thứ nhất là tiếp cận đối tượng là các nhà tuyển dụng của các doanh nghiệp. Thứ hai là phỏng vấn các chuyên gia về nhân sự, đào tạo, huấn luyện trong các ngành công nghiệp, hay các trung tâm đào tạo. Thứ ba là trực tiếp nghiên cứu nhu cầu của các sinh viên về vấn đề này. Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng. Nghiên cứu sử dụng một phương pháp nghiên cứu mới đó là phương pháp phân tích nội dung (content analysis). Phương pháp này được sử dụng khá phổ biến trong các nghiên cứu xã hội học, quản trị học, và tiếp thị. Đặc điểm của phương pháp này là phân tích nội dung thông tin trên các tài liệu thứ cấp như các mẫu quảng cáo để rút ra các thông tin trả lời cho câu hỏi nghiên cứu. Phương pháp này có ưu điểm là tính khách quan của thông tin được đảm bảo tương đối cao hơn so với các phương pháp như phỏng vấn sâu hay bảng câu hỏi định lượng (phụ thuộc vào quan điểm của người được phỏng vấn hay khảo sát).
Một qui trình phân tích nội dung đi qua 8 giai đoạn và được thiết kế chặt chẽ.  Bắt đầu xác định mục tiêu phân tích, xây dựng tiêu chuẩn lựa chọn tài liệu thứ cấp để phân tích, thu thập tài liệu thứ cấp, lựa chọn các nhóm từ, cụm từ, câu văn mang ý nghĩa, phân nhóm các từ, cụm từ, câu văn vào các phân nhóm (mỗi nhóm có nội dung tương đồng, các nhóm có nội dung khác nhau), mã hóa, nhập liệu, phân tích, và hiệu chỉnh.
Nghiên cứu này thu thập hơn 2500 mẫu quảng cáo tuyển dụng từ các báo tạp chí lớn như Tuổi Trẻ, Mua Bán và các website hrvietnam.com và jobviet.com…Từ đây lọc theo tiêu chuẩn chỉ lấy những mẫu quảng cáo đáp ứng ba tiêu chuẩn: 1) tuyển các vị trí liên quan đến các ngành học quản lý, kinh tế, 2) tuyển dụng nhân viên mới tốt nghiệp đại học, kinh nghiệm làm việc dưới 2 năm, và 3) các yêu cầu tuyển dụng nêu rõ các kỹ năng cần có của các vị trí tuyển dụng. Với ba tiêu chuẩn trên, 300 mẫu quảng cáo đáp ứng mục tiêu nghiên cứu được giữ lại để đưa vào phân tích nội dung.
Đặc tính của mẫu nghiên cứu
Thông tin từ Bảng 1 cho thấy, mẫu nghiên cứu bao gồm nhiều nhóm doanh nghiệp từ các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, đến các công ty trách nhiệm hữu hạn trong nước, các công ty liên doanh và cổ phần. Một điều đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp nhà nước không xuất hiện trong mẫu nghiên cứu. Phân tích cả 2500 mẫu trước khi loại để đánh giá độ lệch của mẫu cho thấy tỷ lệ xuất hiện của các doanh nghiệp nhà nước là rất thấp trong mẫu lớn. Cho nên trong mẫu chọn lọc cho nghiên cứu việc các doanh nghiệp nhà nước không xuất hiện là tương đối hợp lý. Mặc dù mục tiêu của nghiên cứu không đi vào nghiên cứu loại hình doanh nghiệp, nhưng để có thêm thông tin, nhóm nghiên cứu đã thực hiện trao đổi với 2 chuyên gia về tuyển dụng về vấn đề này. Các chuyên gia cho rằng có ba lý do cho vấn đề này: 1) một bộ phận các doanh nghiệp nhà nước đã được chuyển đổi thành công ty cổ phần, 2) các doanh nghiệp nhà nước thường không đăng báo khi có nhu cầu tuyển dụng, 3) một số doanh nghiệp nhà nước không ghi rõ là doanh nghiệp nhà nước trên các mẫu quảng cáo tuyển dụng nên đã bị loại ra khỏi mẫu nghiên cứu (theo qui trình của phân tích nội dung).
Bảng 1: Đặc tính mẫu nghiên cứu

Về vị trí tuyển dụng, ta thấy phòng ban Tiếp thị – Kinh doanh có tỷ lệ cao nhất vì vị trí nhân viên kinh doanh dễ dàng được tuyển dụng và rất nhiều ứng viên mới ra trường có công việc đầu tiên là nhân viên kinh doanh. Tiếp đến là sự phân bổ đều ở các phòng ban Sản xuất – Chất lượng, Hành chính – Nhân sự và Kế toán – Tài chính.
Về tỷ lệ mẫu theo ngành, ta thấy có sự cân đối giữa hai ngành dịch vụ và sản xuất. Ngành dịch vụ chiếm tỷ lệ cao hơn vì nghiên cứu thực hiện trên các báo ở địa bàn TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh phía Nam trong đó TP. HCM là chủ chốt.

Kết quả nghiên cứu

Bảng 2 trình bày kết quả tổng hợp về các nhóm kỹ năng mà các nhà tuyển dụng đang kỳ vọng từ nhóm ứng viên ngành quản lý/ kinh tế mới tốt nghiệp đại học. Có 17 nhóm kỹ năng xuất hiện trong mẫu nghiên cứu. Có thể tạm phân 17 kỹ năng này thành 3 nhóm chính. Nhóm 1 là nhóm các kỹ năng cơ bản, bắt buộc phải có, nếu không có các ứng viên sẽ rất khó khăn hay không thể được tuyển dụng. Nhóm này bao gồm 4 kỹ năng chính: Ngoại ngữ, tin học văn phòng, giao tiếp, và làm việc độc lập. Trong đó ngoại ngữ và tin học văn phòng là 2 kỹ năng quan trọng hàng đầu. Tuy rất quan trọng nhưng nhóm kỹ năng này chỉ là điều kiện cần để được tuyển dụng, nó chưa phải là điều kiện đảm bảo. Nhóm 2 là nhóm giá trị gia tăng, nhóm này chính là nhóm kỹ năng giúp các ứng viên thực sự tạo ra sự khác biệt của mình với đối thủ cạnh tranh. Nhóm này bao gồm 8 kỹ năng chính là: tổ chức, quản lý, phân tích, làm việc nhóm, tin học chuyên ngành, truyền thông, hoạch định, và đàm phán. Đây là rõ ràng là những kỹ năng cao hơn, khó hơn rất nhiều so với nhóm cơ bản. Nó thực sự sẽ là những thách thức cho các ứng viên mới dời ghế nhà trường. Nhóm 3 là nhóm dành cho nhà lãnh đạo tương lai. Nhóm này bao gồm các kỹ năng cần có của các nhà lãnh đạo tương lai như: tổng hợp, lãnh đạo, xây dựng và phát triển quan hệ, tổ chức nguồn nhân lực, và ra quyết định.

Hình 1 mô phỏng mối liên hệ giữa 3 nhóm kỹ năng phân tích ở trên. Ba vòng tròn đồng tâm thể hiện ba nhóm kỹ năng. Vòng tròn trong cùng thể hiện nhóm kỹ năng cơ bản, hai vòng tròn kế tiếp lần lượt thể hiện nhóm giá trị gia tăng và nhóm dành cho nhà lãnh đạo tương lai. Việc mô hình hóa bằng các vòng tròn thể hiện tính hướng tâm của ba nhóm kỹ năng này. Nghĩa là việc phân nhóm của các kỹ năng không bất biến mà sẽ luôn chuyển động. Những kỹ năng ngày hôm nay là giá trị gia tăng thì ngày mai có thể sẽ dịch chuyển vào tâm và trở thành nhóm kỹ năng cơ bản phải có. Tương tự như vậy với các kỹ năng dành cho nhà lãnh đạo tương lai. Hàm ý của mô hình này rất rõ ràng. Nó cho thấy kỳ vọng của các nhà tuyển dụng sẽ ngày càng tăng lên theo chất lượng ứng viên. Những tiêu chuẩn của ngày hôm nay sẽ trở nên lạc hậu trong tương lai gần. Do vậy các ứng viên phải luôn nỗ lực để trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết.

Hình 1: Mô hình các kỹ năng cần có đối với sinh viên mới tốt nghiệp

Yêu cầu về kỹ năng theo loại hình doanh nghiệp

Có thể thấy rằng không có biến động trong cấu trúc chung 3 nhóm kỹ năng như đã trình bày ở trên khi phân tích giữa các loại hình doanh nghiệp. Các khác biệt chủ yếu xuất hiện trong một số các kỹ năng cụ thể. Chẳng hạn có sự khác biệt rất rõ nét về nhu cầu ngoại ngữ giữa nhóm công ty trong nước (Trách nhiệm hữu hạn và cổ phần) với nhóm công ty có yếu tố nước ngoài (100% vốn nước ngoài và công ty liên doanh). Nhóm có yếu tố nước ngoài đặt yêu cầu rất cao về kỹ năng ngoại ngữ trong khi nhóm trong nước yêu cầu này tuy cũng cao nhưng không rõ nét bằng. Tương tự, kỹ năng làm việc nhóm cũng được nhóm công ty nước ngoài yêu cầu cao hơn so với công ty trong nước.

Bảng 2: Yêu cầu về kỹ năng đối với sinh viên mới tốt nghiệp phân theo hình thức sở hữu, ngành, và vị trí tuyển dụng

Stt

Kỹ năng

Toàn mẫu

Theo hình thức sở hữu

Ngành

Theo vị trí tuyển dụng

Nước ngoài

TNHH

Liên Doanh

Cổ phần

Sản xuất

Dịch vụ

Sản xuất – chất lượng – mua hàng

Hành chính – nhân sự

Tiếp thị – kinh doanh – Chăm sóckhách hàng

Kế toán – tài chính

Nhóm 1: Cơ bản

1

Ngoại ngữ

78%

91%

69%

89%

68%

76%

80%

80%

81%

79%

79%

2

Tin họcvăn phòng

65%

68%

68%

70%

53%

62%

68%

57%

74%

60%

74%

3

Giao tiếp

42%

38%

42%

44%

47%

36%

46%

23%

53%

52%

24%

4

Làm việc độclập

30%

32%

30%

30%

25%

28%

31%

30%

33%

30%

24%

Nhóm 2: Giá trị gia tăng

5

Tổ chức

19%

19%

25%

11%

10%

16%

21%

23%

29%

13%

10%

6

Quản Lý

19%

19%

19%

19%

17%

27%

11%

37%

14%

13%

17%

7

Phân tích

18%

18%

11%

22%

27%

14%

21%

17%

4%

25%

24%

8

Làm việcnhóm

15%

18%

8%

30%

15%

13%

17%

22%

17%

10%

17%

9

Tin họcchuyên ngành

14%

21%

13%

4%

10%

19%

11%

20%

6%

7%

40%

10

Truyềnthông

14%

9%

13%

15%

22%

10%

17%

12%

17%

18%

14%

11

Hoạchđịnh

13%

9%

13%

15%

17%

9%

15%

12%

14%

13%

10%

12

Đàm phán

13%

18%

6%

11%

17%

11%

14%

14%

7%

25%

2%

Nhóm 3: Nhà lãnh đạo tương lai

13

Tổng hợp

9%

5%

6%

7%

24%

8%

11%

7%

4%

16%

5%

14

Lãnh đạo

5%

3%

6%

0%

8%

5%

5%

7%

4%

3%

2%

15

Xây dựngvà phát triển quan hệ

5%

5%

6%

0%

3%

5%

5%

3%

4%

9%

2%

16

Tổ chứcnguồn nhân lực

4%

1%

8%

0%

2%

5%

3%

0%

10%

0%

0%

17

Ra quyếtđịnh

3%

3%

4%

0%

2%

2%

4%

2%

3%

4%

2%

Số kỹ năng trung bình trên một vịtrí tuyển dụng

3.63

3.82

3.45

3.70

3.67

3.4

3.8

3.8

3.8

3.5

3.5


Nếu phân tích các kỹ năng theo lĩnh vực ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp thì yêu cầu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp trong lĩnh vự sản xuất. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp dịch vụ yêu cầu cao hơn hẳn về các kỹ năng như giao tiếp, truyền thông, làm việc nhóm, ngoại ngữ. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất yêu cầu cao hơn về kỹ năng tin học chuyên ngành và quản lý. Kết quả này cũng thể hiện khá rõ sự khác biệt về nhu cầu nhân sự giữa hai nhóm ngành này khi nhóm dịch vụ có xu hướng tiếp xúc nhiều hơn với con người (nên quan trọng các kỹ năng gắn với con người như giao tiếp, làm việc nhóm truyền thông), khi nhóm sản xuất có xu hướng tiếp xúc nhiều với kỹ thuật và máy móc (nên quan trọng các kỹ năng quản lý và tin học chuyên ngành).

Yêu cầu về kỹ năng theo vị trí tuyển dụng

Tuy cũng không có biến động về cấu trúc các nhóm kỹ năng lớn, nhưng trong từng nhu cầu cụ thể thể hiện rõ sự khác biệt giữa các vị trí tuyển dụng. Nhóm vị trí sản xuất – chất lượng – mua hàng được kỳ vọng cao hơn trung bình về các kỹ năng tổ chức, quản lý và tin họ chuyên ngành. Nhóm vị trí hành chính – nhân sự được kỳ vọng cao hơn về các kỹ năng như tin học văn phòng, giao tiếp, tổ chức, truyền thông, và tổ chức nhân sự. Nhóm vị trí tiếp thị- kinh doanh – chăm sóc khách hàng được kỳ vọng cao ở các kỹ năng như giao tiếp, truyền thông, phân tích, đàm phán, và xây dựng và phát triển quan hệ. Cuối cùng, nhóm vị trí kế toán – tài chính được kỳ vọng vào các kỹ năng như phân tích, tin học văn phòng, và tin học chuyên ngành.
Kết luận và kiến nghị
Thông qua phương pháp phân tích nội dung các quảng cáo tuyển dụng, nghiên cứu này đã chỉ ra những kết quả ban đầu về những kỹ năng mà doanh nghiệp đang tìm kiếm ở những ứng viên chuyên ngành quản lý/ kinh tế mới tốt nghiệp đại học. Ba nhóm kỹ năng với 17 kỹ năng cụ thể được phân loại từ cơ bản, giá trị gia tăng, đến dành cho các nhà lãnh đạo trong tương lai là những định hướng rất cụ thể cho các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp ra trường trong việc chuẩn bị hành trang cho mình khi đi xin việc. Mô hình 3 vòng tròn đồng tâm liên kết các kỹ năng cũng mang ý nghĩa rất quan trọng. Nó khẳng định tính liên tục vận động mang tính hướng tâm của 3 vòng tròn với ý nghĩa các yêu cầu về các kỹ năng sẽ liên tục vận động, thay đổi và chuyển hóa từ vòng ngoài vào vòng trong. Những kỹ năng ngày hôm nay là lợi thế cạnh tranh thì ngày mai sẽ trở thành cơ bản. Các ứng viên vì vậy sẽ phải liên tục nỗ lực để cạnh tranh trên thị trường lao động ngày một khắt khe hơn. Dựa trên 3 vòng tròn này các ứng viên/ doanh nghiệp có thể thiết kế lộ trình phát triển nghề nghiệp cho bản thân và cho nhân viên trong doanh nghiệp mình xuất phát từ cơ bản đế giá trị gia tăng và kết thúc ở nhà lãnh đạo tương lai.
Bên cạnh đó, các ứng viên tìm kiếm việc làm trong những môi trường cụ thể như dịch vụ/ sản xuất, công ty nước ngoài / trong nước, hay các vị trí công việc cụ thể như tiếp thị/ kế toán có thể sử dụng kết quả nghiên cứu này như một bản định hướng các kỹ năng cần rèn luyện, cũng như hiểu được nhu cầu của nhà tuyển dụng đối với các vị trí công việc cụ thể.
Các trường đại học, trung tâm đào tạo, các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng kết quả của nghiên cứu này trong thiết kế chương trình đào tạo, huấn luyện,  xây dựng các hoạt động ngoại khóa, thực tập. Các chương trình này có thể được cá thể hóa theo ngành nghề, loại hình doanh nghiệp, vị trí tuyển dụng.
Phương pháp nghiên cứu nội dung có nhiều ưu điểm về chi phí, thời gian thực hiện và tính khách quan có thể là một gợi ý tốt cho rất nhiều các nghiên cứu xã hội học tương tự. Qui mô của nghiên cứu này có thể được mở rộng ra trên các phương diện sau: 1) địa lý (toàn quốc thay vì chỉ tập trung ở Tp.HCM và các tỉnh phía Nam), 2) lĩnh vực (các mẫu quảng cáo cho các ngành kỹ thuật, y khoa, xã hội, nông nghiệp), 3) các loại ứng viên khác nhau (quản lý cấp thấp/ trung/ cao; nhân viên ít kinh nghiệm/ nhiều kinh nghiệm…).

 Tài liệu tham khảo

 [1] Trần Thị Thu Thắm (2006). Khảo sát nhu cầu của nhà tuyển dụng tại Tp. Hồ Chí Minh về năng lực của ứng viên mới tốt nghiệp đại học. Luận văn đại học, Đại Học Bách Khoa Tp.HCM.
[2] Nguyễn Đông Triều (2006). Khảo sát nhu cầu hướng nghiệp của sinh viên năm cuối trường đại học Bách Khoa. Luận văn đại học, Đại Học Bách Khoa Tp. HCM.
[3] Vũ Thế Dũng (2005). 8 kĩ năng cần thiết của nhà quản trị hiện đại.
[4] University of Colorado. Establish of Content Analysis.
[5] Brian L. Davis, Lowell W.Hellervik, James L.Sheard (2000). Successful Manager’s Handbook. Personnel Decisions, INC.

Bài trước

Bài tiếp