Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Kim Hoàng – nữ “siêu nhân” Xây dựng K12

Cùng làm quen với Trịnh Trần Mai Kim Hoàng – bạn nữ duy nhất và “siêu” nhất lớp Xây dựng K12 của OISP với những chia sẻ về kinh nghiệm học tập, du học tại Úc.

Trinh Tran Mai Kim Hoang nu sieu nhan Xay dung K12 01

Cô bạn Trịnh Trần Mai Kim Hoàng – sinh viên K12 ngành Xây dựng chương trình Liên kết Quốc tế, từng gây kinh ngạc với bảng điểm toàn 10 và số điểm tích lũy 9.68 cao nhất ĐHBK (năm học 2013-2014) đã trở thành nguồn cảm hứng cho bạn bè cùng lứa và đàn em khóa dưới ở ĐH Bách Khoa TP.HCM.

Mọi người thường biết đến Kim Hoàng qua những thành tích học tập đáng nể. Tuy nhiên, những ai đã từng tiếp xúc đều nhận xét cô bạn có dáng người nhỏ nhắn, xinh xắn này không hề “mọt sách” tí nào mà trái lại rất vui tính, thân thiện và cực kỳ khiêm tốn. Vừa rồi, bạn ấy đã nhận được học bổng Study Abroad Program (01 năm học phí, tương đương 25.000 AUD) của Griffith University (Úc) và tiếp tục đạt được kết quả rất cao trong học kỳ chuyển tiếp đầu tiên với số điểm gần như tuyệt đối nữa cơ đấy!

Nhân dịp Kim Hoàng trở về Việt Nam nghỉ hè, OISP Media Team đã rủ bạn ấy chia sẻ với các bạn sinh viên nhà mình về bí quyết học tập và kinh nghiệm du học tại Úc. Mời các bạn đọc giả OISP cùng tham gia cuộc trò chuyện giữa chúng tớ nhé!

* Chào Kim Hoàng!

Tính đến nay, bạn cũng đã chuyển tiếp sang ĐH Griffith (Úc) được một học kỳ rồi. Học kỳ vừa qua của bạn đã diễn ra như thế nào?

– Học kỳ vừa qua đối với mình là cả một thách thức lớn, có thể nói là một trong những bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời học sinh – sinh viên của mình, vừa bắt đầu cuộc sống tự lập, vừa phải làm quen với một môi trường học thuật hoàn toàn mới lạ.

Học kỳ đầu tiên ở Griffith chỉ có bốn tháng ngắn ngủi, nhưng đã đem lại cho mình rất nhiều bài học thực tiễn, cần thiết cho sự học của mình sau này. Bên cạnh các môn chuyên ngành, trường còn mở thêm các khóa học “Kỹ năng giao tiếp ngành nghề bằng Anh ngữ”, nhắm hỗ trợ cho sinh viên quốc tế sớm thích ứng được với văn hóa học thuật tại Úc, cách thuyết trình, cách trau dồi từ vựng, cũng như cách viết một bài báo cáo khoa học.

Trải nghiệm ấn tượng nhất của mình là viết một bài báo cáo khoa học 1.000 từ và một bài tập nhóm nhập môn luận án 4.000 từ liên tục nhau trong vòng một tháng. Tuy có sít sao và áp lực về thời gian, nhưng đây là một cơ hội quý báu cho mình phát triển kỹ năng đọc, hiểu và viết một bài báo khoa học hoàn chỉnh. Không chỉ “trầy da tróc vẩy” hoàn chỉnh nội dung, referencing (chú thích tài liệu tham khảo) cũng là một phần quan trọng trong cấu trúc của một bài báo cáo học thuật, đòi hỏi nhiều cú pháp, quy phạm nghiêm ngặt. Mình và các bạn trong nhóm đã phải mất một lượng thời gian kha khá để tìm hiểu và thực hành thông qua các buổi học hỗ trợ của thư viện cũng như từ các thầy cô cố vấn đấy.

Trinh Tran Mai Kim Hoang nu sieu nhan Xay dung K12 02
Luôn chuẩn bị trước; tỉ mỉ, cẩn thận trong từng chi tiết và chủ động, độc lập trong mọi việc

* Sinh hoạt và học tập trong một môi trường hoàn toàn mới, hẳn là thời gian đầu tại Úc của Kim Hoàng còn nhiều bỡ ngỡ?

– Nếu có hai chữ để miêu tả tổng quát về hệ thống giáo dục đại học tại Úc thì đó là self-motivated và self-oriented. Sinh viên là người chủ động nắm bắt kiến thức, tự học, tự tìm tòi bằng sự đam mê của mình, còn giảng viên chỉ đóng vai trò là người hỗ trợ (instructor).

Dù vậy, sinh viên không nhất thiết phải chật vật tự lĩnh hội tri thức một mình, nhà trường tạo mọi điều kiện và cơ hội cho sinh viên tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất. Điều quan trọng nằm ở ý thức tự giác và tinh thần học tập của mỗi học sinh. Sách tham khảo và tài liệu được lưu hành rộng rãi trên hệ thống thư viện trường, các bài giảng và ghi chú sau mỗi buổi học đều được đăng lên diễn đàn. Hơn thế nữa, các thầy cô luôn có những giờ “student consultant” để trao đổi thêm với sinh viên về những thắc mắc của họ trong môn học. Vì thế, tuy có hơi ngỡ ngàng với môi trường mới nhưng nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô, mình cũng sớm thích nghi với cách học mới.

Do Anh văn không phải là tiếng mẹ đẻ, nên hầu hết các SV du học đều mất một khoảng thời gian dài để nhập cuộc, để có thể nghe và hiểu được bài giảng. Chính vì thế mà thời gian đầu khá là vất vả, và sinh viên phải tự tìm ra cho mình một phương pháp học tập tốt nhất, nghe lại bài giảng, xem trước tài liệu hay đăng ký học nhóm … Bản thân mình khá là may mắn vì những ngày đầu còn bở ngỡ mình đã được  cô Michelle Hoang Walker – đại diện tuyển sinh quốc tế của ĐH Griffith hướng dẫn, dẫn dắt rất tận tình từ các buổi định hướng nghề nghiệp, đăng ký môn học, tiệc trà gặp mặt các giáo viên trong ngành đến những vấn đề sinh hoạt, ổn định nơi ăn chốn ở. Không những thế, các anh chị khóa trên còn rất thân thiện, yêu quý, chăm sóc mình như em gái. Các anh chị còn nhiệt tình, truyền thụ cho mình rất nhiều “bí kíp” hay trong học tập và sinh hoạt nữa.

* Theo Kim Hoàng, lợi thế và khó khăn của một du học sinh Việt tại Úc là gì?

– Khó khăn nằm ở ý thức tự học và tư duy sáng tạo. Như mình đã đề cập, sự học không chỉ đơn thuần là hoàn thành hết các assignments (bài tập được giao) mà đôi khi chính chúng ta phải tự đặt ra một đề bài, một bài toán cho riêng mình, rằng: bài toán ấy có khả thi hay không, có giải được hay không hay có bao nhiêu cách tiếp cận và nhìn nhận vấn đề. Đây là một thử thách khá lớn đối với sinh viên Việt Nam, tuy nhiên các bạn sinh viên cũng đừng nản lòng nhé, chúng ta cũng có thế mạnh của riêng mình đấy.

Thứ nhất, do không phải dân bản địa, hầu hết các sinh viên du học đều tập cho mình thói quen đọc sách và chuẩn bị bài kỹ lưỡng trước khi lên lớp. Đây là một phương pháp học rất hiệu quả, bạn không chỉ làm quen trước được với những từ ngữ chuyên ngành mới mà còn có thời gian nghiền ngẫm, nắm bắt sơ qua nội dung bài học. Khi lên lớp, nghe giáo viên giảng giải một lần nữa, kiến thức sẽ tiếp thu được nhanh hơn và chúng ta có thể bắt kịp tiến độ của bài giảng và cả lớp.

Thứ hai, theo mình nghĩ, sinh viên Việt Nam chúng ta khá nhạy bén về mặt tính toán và linh hoạt trong cách xử lý thông tin (problem solving). Có lẽ vì hệ thống giáo dục 12 năm của nước ta luôn chú trọng bồi dưỡng Toán, Lý, Hóa nên khả năng tính toán, chứng minh và tư duy logic là một ưu thế nổi bật so với sinh viên bản xứ. Vì thế, những môn học căn bản trong 2 năm học tại OISP theo mình đóng một vai trò trọng yếu cho quá trình nghiên cứu chuyên môn sau này, các bạn sinh viên nên chú trọng rèn luyện thêm về mảng này nhé.

Trinh Tran Mai Kim Hoang nu sieu nhan Xay dung K12 03
Nữ sinh duy nhất của lớp Xây dựng K12 chương trình Liên kết Quốc tế – ĐH Bách Khoa TP.HCM vừa dễ thương lại vừa học giỏi
nên rất được các bạn nam trong lớp quý mến đấy nhé!

* Từ khi còn ở BK-OISP bạn đã được rất nhiều thành tích: bảng điểm toàn 10 và điểm tích lũy dẫn đầu toàn trường; đạt học bổng giao lưu tại ĐH Toyohashi (Nhật) và cả học bổng cao nhất của ĐH Griffith. Nay bạn lại tiếp tục đạt kết quả học tập thuộc nhóm dẫn đầu tại ĐH Griffith. Hãy khai thật với mọi người bí quyết của bạn đi!

– Thật ra mình cũng không có bí quyết gì đặc biệt cả, chủ yếu là tự học và phân bố thời gian học tập hợp lý. Vì là sinh viên quốc tế, khó có thể nghe, nắm được hết bài học trong quá trình lên lớp nên mình thường đọc, hiểu và chuẩn bị bài trước khi có bài giảng chính. Khi lên lớp mình chú ý nghe giảng, ghi chú lại những phần kiến thức quan trọng, hay những vấn đề mình không hiểu để có thời gian nghiền ngẫm và trao đổi thêm với bạn bè. Nếu vấn đề vẫn quá nan giải và hóc búa, mình sẽ mạnh dạn xin gặp và trao đổi trực tiếp với giáo viên giảng dạy. Sau mỗi tiết học, mình thường làm ngay bài tập về nhà, hoặc ôn lại bài học một lần nữa, như vậy kiến thức hãy còn “nóng” và nhớ được lâu. Do khối lượng kiến thức chuyên ngành ngày càng lớn và phức tạp, đòi hỏi quá trình học tập liên tục và đều đặn, chúng ta phải thường xuyên ôn luyện, xem lại bài, đọc tài liệu, làm thật nhiều bài tập, ngay từ khi bắt đầu môn học. Điều quan trọng là không được để “nước đến chân mới nhảy” đâu nhé.

* Không ngừng thúc đẩy bản thân học tập và chinh phục kiến thức, bạn lấy đâu ra từng ấy năng lượng và động lực…

– Thật ra lần đầu đi xa nhà, gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ và cũng là lần đầu tự làm chủ cuộc sống của mình nên đôi lúc mình cũng thấy rất nhớ nhà, chán nản, và mệt mỏi lắm. Nhưng mình tự xác định phải vượt qua khó khăn, trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ học tập. Bản thân mình muốn tiếp thu kiến thức một cách vững vàng và toàn diện để sau này làm việc tốt. Mình nỗ lực học tập để không phụ công lao của bố mẹ và truyền thống gia đình, cũng như không phụ sự tin yêu của thầy cô giáo và bạn bè. Đồng thời, mình phấn đấu học tập tốt cũng là để góp một phần nhỏ bé cùng các thế hệ sinh viên Quốc tế Bách Khoa giữ gìn và phát huy uy tín của trường ĐH Bách Khoa TP.HCM trong quan hệ liên kết đào tạo với trường ĐH Griffith.

* Tuy đã chuyển tiếp sang trường đối tác tại Úc nhưng Kim Hoàng vẫn nhắc đến Bách Khoa với niềm tự hào. Bạn có thể chia sẻ về thời gian học tập, hoạt động của mình tại BK-OISP được không?

– Từ môi trường giáo dục sử dụng hoàn toàn Anh ngữ đến những bài tập lớn, bài tập nhóm, thuyết trình tại OISP đã giúp mình sớm tiếp cận và hòa nhập với môi trường học thuật của thế giới. Về chương trình đào tạo, các thầy cô vừa sử dụng giáo án Việt Nam vừa kết hợp thêm nhiều nội dung mới lạ từ các loại sách tham khảo nước ngoài khác. Giáo trình nước mình chú trọng lý thuyết lại được bổ sung thêm nhiều phương pháp tiếp cận mới từ các nước khác khiến mình cảm thấy rất lý thú và bổ ích. Hơn thế nữa, trong quá trình học, gặp những nội dung khó, các thầy cô đều nhiệt tình giảng giải và giải thích rất cặn kẽ cho tới khi cả lớp đều hiểu mới thôi. Thậm chí một số thầy cô còn tự tay giải tất cả bài mẫu trong sách để học sinh đều nắm bắt được phương pháp làm bài.

Không chỉ vậy, OISP còn là một môi trường rất năng động trong các hoạt động ngoại khóa khác. Mình từng tham gia ban tổ chức OISP Camp 2012OISP Night 2013. Các anh chị ở văn phòng, các bạn, ai nấy đều rất nhiệt tình, vui tính, hết lòng trong công việc. Lần đầu tham gia tổ chức một sự kiện, mình không khỏi có chút căng thẳng, hồi hộp nhưng nhờ sự dẫn dắt của các anh chị, của các bạn trong ban tổ chức, mình đã học hỏi thêm được rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Hội trại OISP Camp 2012 và đêm hội OISP Night 2013 năm nào mãi mãi là một kỷ niệm thật đẹp của mình về Bách Khoa, về OISP thân yêu. Theo mình nghĩ, hai năm học tại OISP tuy ngắn ngủi nhưng đóng vai trò quyết định cho sự thành công trong giai đoạn chuyển tiếp sang Úc của mình.

* Mọi người đều biết đến cô sinh viên Trịnh Trần Mai Kim Hoàng qua những thành tích học tập đáng nể. Vậy một Kim Hoàng của ngày thường sẽ làm những gì?

– Học tập cũng phải có lúc thư giãn, nghỉ ngơi. Mỗi khi học xong, mình thường nghe nhạc, đọc báo và đọc truyện tiểu thuyết trên mạng. Những lúc rảnh rỗi, mình cùng bạn bè đi chợ, hì hục “sáng tạo” ra những món ăn mới, cuộc sống cũng bình yên và thú vị lắm! (cười tít mắt)

Trinh Tran Mai Kim Hoang nu sieu nhan Xay dung K12 04
Kim Hoàng (thứ 2 từ trái sang) cùng các sinh viên BK-OISP trong chuyến giao lưu tại ĐH Toyohashi, Nhật Bản.

* Năm học mới sắp bắt đầu và Bách Khoa lại sắp đón chào lứa tân sinh viên K15. Kim Hoàng sẽ dành lời nhắn gửi gì đến các bạn OISPers?

– Thật ra, sự học là một quá trình phấn đấu bền bỉ và không ngừng nghỉ. Mặc dù có được kết quả học tập tốt trong những năm vừa qua, nhưng mình luôn nghĩ đó chỉ là một bước khởi đầu mà thôi. Các em, các bạn cũng vậy, sau những tháng ngày vất vả học tập, rèn luyện khổ cực, được trở thành sinh viên của Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, một thành viên trong đại gia đình OISP, ắt hẳn gia đình, thầy cô đều rất tự hào và hãnh diện về các bạn. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên ngủ quên trong chiến thắng mà quên đi mục đích, và trách nhiệm của mình. “Sự học như con thuyền đi ngược dòng nước, không tiến ắt phải lùi”, vì vậy ngay từ giây phút này, các bạn nên có một tâm thế học tập thật tốt để đón nhận những tháng ngày vui vẻ nhất của đời sinh viên và cũng như một khởi đầu thật thành công trong năm học mới, các bạn nhé!

* Cảm ơn Kim Hoàng vì những chia sẻ rất chân thành và hữu ích. Mến chúc bạn luôn tươi vui, nhiều sức khỏe và tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nhé!

TÙNG HUY thực hiện – Ảnh: Nhân vật cung cấp

XEM THÊM: Bài thu hoạch Một tuần gõ cửa tri thức của Kim Hoàng về chuyến giao lưu tại ĐH Toyohashi (Nhật Bản)
>> P.1: Sự tương phản lạ lùng
>> P.2: Rào cản kỹ năng làm việc nhóm

Bài trước

Bài tiếp