Với hầu hết sinh viên, đạt học bổng và bắt đầu hành trình sang nước ngoài trao đổi đã là một quyết định không dễ dàng. Đối với trường hợp của Nguyễn Ngọc Thiên Trang, sinh viên K2015 chương trình Chất lượng cao (CT. CLC) ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường lại còn khó khăn hơn nữa..
Với hầu hết sinh viên, đạt học bổng và bắt đầu hành trình sang nước ngoài trao đổi đã là một quyết định không dễ dàng. Đối với trường hợp của Nguyễn Ngọc Thiên Trang, sinh viên K2015 chương trình Chất lượng cao (CT. CLC) ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường lại còn khó khăn hơn nữa..
Là con gái út, lại được gia đình chăm lo từng chút, cô bạn Nguyễn Ngọc Thiên Trang ngày đầu vào Bách khoa với những bỡ ngỡ và bất ngờ. Nhưng chỉ sau một năm học tập và nghiên cứu Trang xuất sắc dành được học bổng trao đổi sinh viên quyết định xin phép gia đình một mình khăn gói lên đường sang Châu Âu.
Nguyễn Ngọc Thiên Trang – cô tiểu thư xinh xắn khoa Môi trường
“Dù bố mẹ không cho, con cũng nhất quyết phải đi, thấy em kiên quyết quá thế là bố mẹ buộc phải ‘đầu hàng’ cùng nhau thu xếp hành trang cho em sang Châu Âu học tập ngắn hạn” Trang cười chia sẻ
Khác với những bạn có đam mê và mục tiêu ngay từ đầu với ngành học của mình, Thiên Trang lại là một trường hợp ngoại lệ được ngành chọn khi bén duyên Môi trường nhờ trượt Hóa. Ấy vậy mà sau một năm học, cô bạn xinh xắn này lại đam mê với ngành Môi trường khi nào không biết, thêm vào đó còn tham gia nhiều nghiên cứu khoa học và ẵm thêm một vài học bổng trao đổi khác.
LÝ LỊCH TRÍCH XÉO Họ tên: Nguyễn Ngọc Thiên Trang Cung hoàng đạo: Bò Cạp Thành tích nổi bật:
|
Cùng trò chuyện thêm với Trang để biết thêm nhiều thông tin thú vị về cô bạn xinh xắn này nhé!
* Lý do em lựa chọn ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường của CT. CLC?
Chắc là ngành chọn em ạ.
Ban đầu em nộp ngành Kỹ thuật Hóa học chương trình Chất lượng cao, nhưng năm đó Bộ giáo dục lại thay đổi cách xét/ thi tuyển đại học, ngành đó bỗng hot lên điểm ngành và đầu chọi tăng cao. Khi đó em cũng sợ mình sẽ ko đậu nên quyết định chuyển sang ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường.
Năm đầu vào chuyên ngành, em thật sự chưa mường tượng được gì về ngành học của mình đâu. Em còn không biết mình sẽ học gì và làm gì sau này nữa. Nhưng sang đến năm hai em bắt đầu thấy thích, từ đó em tìm hiểu sâu hơn thì thấy được ngành mình đang theo học lại hay và hữu ích cho xã hội lắm.
Thiên Trang tại phòng thí nghiệm trường Porto University, Bồ Đào Nha 2018
* Vì yêu thích ngành học của mình hay vì lý do gì mà em bắt đầu quyết định “săn” học bổng?
Thật ra là vô tình đó chị,
Nếu nhìn vào điểm số của em thì mọi người sẽ bất ngờ và nghĩ em học không tốt đâu. Do điểm em không cao dù học trên lớp rất chăm, điểm trên lớp cũng ko tệ nhưng cứ đến mấy ngày đi thi em lại run rồi làm bài bị điểm thấp.
Sau, đến kỳ có học bổng. Em vô tình gặp một đàn anh khóa trên, anh ấy đã động viên và thôi thúc em nộp hồ sơ apply học bổng. Không những động viên tin thần anh ấy còn hỗ trợ em rất nhiều về mặt thủ tục cũng như hoàn thành hồ sơ nữa.
Mà khi đó, em cũng chỉ nghĩ mình nộp thử sức thôi ạ, vì cũng tự ti vì điểm số lắm. Cứ nghĩ điểm như vậy thì làm gì cạnh tranh nỗi so với những bạn khác.
Nhưng rồi em lại đậu thật, hôm nhận được kết quả em còn không tin vào mắt mình, phải nhờ bạn kế bên xác nhận lại lần nữa. Đến khi chắc chắn rồi em vui đến mức tim ngưng đập một giây luôn. Em gọi về báo gia đình mà do xúc động quá nói năng lộn xộn tùm lum không ai hiểu gì hết…
Lần đầu đón trung thu xa nhà tại Bồ Đào Nha 2018
* Tại sao em lại chọn Châu Âu làm điểm đến cho các chuyến trao đổi của mình?
Dạ, trước đó em có nghiên cứu ngành học của mình trong từng trường ở các nước. Những nước phát triển ở Châu Á như Nhật, Hàn lại thiên về nhóm ngành điện, cơ khí nhiều hơn nên em không thể apply được. Ngược lại, nhóm ngành của em lại khá phát triển ở Châu Âu.
Thêm vào đó, Châu Âu là nơi em rất hứng thú. Em luôn muốn có cơ hội và thời gian để tìm hiểu nhiều hơn về văn hoá cũng như phương pháp dạy và học ở đây.
Thêm một yếu tố quan trọng khác là vì đi trao đổi, em sẽ mang kết quả học ở đây về chuyển đổi môn học ở Bách Khoa nên em phải lựa chọn trường có môn học của em nữa.
* Em đã gặp phải những khó khăn như thế nào khi học tập tại Châu Âu?
Khó khăn lớn nhất chắc là rào cản về ngôn ngữ. Mặc dù ở OISP em được học 100% bằng tiếng Anh nhưng nhìn chung khi sang nước ngoài thì mọi thứ vẫn khác nhiều lắm.
Ví dụ như khi em ra ngoài hoặc vào siêu thị mua đồ, người bản xứ dù biết tiếng Anh nhưng họ vẫn sẽ dùng tiếng bản ngữ nhiều hơn phải sống một thời gian nghe quen rồi thì mới hiểu rõ.
Trang trong lần thăm thú tại Piata Victoriei, Thành phố Timisoara, Romania 2018
Bên cạnh đó là nhớ gia đình, em đã có hai mùa tết không được đón chung với gia đình rồi 🙁 Nhiều hôm trời bên này lạnh, em lại sống một mình nên nhớ nhà, nhớ gia đình kinh khủng chị ạ.
* Sau một năm trao đổi tại Romania và Bồ Đào Nha, em thấy sự khác biệt giữa phương pháp giáo dục Châu Âu và Việt Nam là gì?
Thật sự khác biệt cũng không nhiều lắm. Về cơ bản nội dung lí thuyết cũng tương tự như Việt Nam. Nhưng khác ở chỗ mỗi môn học đều gồm hai phần cụ thể (phần tiết học lý thuyết và phần học thực hành) tuỳ vào môn học là đi thực tế lấy mẫu làm thí nghiệm hay thảo luận trao đổi trong tiết học (gọi là Practical class). Do vậy, quá trình học có thể sẽ nặng hơn bên mình chút xíu nhưng chỉ cần cân bằng tốt thì sẽ ổn thôi.
Nhưng nhờ quá trình học song song giữa lý thuyết và thực hành như vậy nên các buổi học trên lớp trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Thiên Trang là sinh viên duy nhất đại diện Việt Nam trao đổi tại Porto University, Bồ Ðào Nha 2018
* Những trải nghiệm đáng nhớ của em với khi tham gia Erasmus+?
Em nhớ nhất là lần em phải bay một mình, rồi chờ 11 tiếng ở sân bay Bucharest (sân bay lớn nhất Romania) để đến Lasi (trung tâm Moldavia, Romania) vào 9:30 pm. Ngoài trời vừa tối vừa tuyết, em mặc năm lớp áo leo xuống máy bay chạy thật nhanh vào trong lấy hành lý. Về đến Ký túc xá (KTX) là 10h tối, lạnh ơi là lạnh em không nghĩ em có thể tự vượt qua hết.
Thêm vào đó là kỹ niệm sống tại KTX cùng các bạn sinh viên quốc tế nữa. Bọn em xem nhau như gia đình, đi ra đi vào gặp nhau là í ới, nấu chung, ăn chung, cuối tuần còn rủ nhau tổ chức party. Tới mùa thi, cùng lăn lê ngoài hành lang gần cục wifi để học bài, làm nhóm đến tận 5,6h sáng :))
À, còn có một chuyện ly kì khác nữa là lúc em nhận được tin đậu hai học bổng cùng lúc. Theo quy định của nhà trường, SV không được phép trao đổi tại hai trường khác nhau, ôi em đã rất buồn luôn á nhưng thật may mắn lúc đó vị “cứu tinh” của em đã xuất hiện. Anh đó đã cùng với gia đình bên cạnh an ủi, động viên, đặc biệt là cùng em tìm hiểu kĩ lại về hai chương trình trao đổi, và rồi em đã thử vận may của mình khi gửi một lá thư vào ngày 29/12/2017 với nguyên vọng xin tổ chức hệ thống chương trình trao đổi sinh viên Merging Voice cho phép em được dời sang học kì tiếp theo. Mà thời gian đó lại đang là holiday bên châu Âu, tất cả hệ thống xét tuyển hồ sơ nghỉ lễ đến 2/1 mới làm việc lại, trong suốt 4 ngày chờ đợi mail hồi đáp mà em lo đến chẳng đi đâu ra ngoài chơi Tết Tây luôn ấy.
Thật ra tham gia Erasmus+ là lần đầu em đi xa gia đình và có nhiều trãi nghiệm đáng nhớ đến vậy. Đến giờ, em vẫn còn liên lạc với một số bạn với nhau, nói chung là không thể quên được. Bây giờ chị hỏi mọi thứ ùa về rõ mồn một luôn.
Chụp cùng sinh viên Quốc tế tại Erasmus+ 2018
* Kế hoạch sắp tới của em như thế nào?
Sau khi kết thúc học kỳ trao đổi này ở Bồ Đào Nha (2/2019), em sẽ trở về Bách Khoa để hoàn thành chương trình học còn lại của mình. Sau đó, em cũng chưa tính đến nữa vì giờ em chỉ thấy nhớ gia đình, nhớ Bách khoa thôi ạ – Trang cười chia sẻ
Bài: ANH THƯ – Ảnh: Nhân vật cung cấp