Từ học kỳ 2 năm học 2018-2019, tiết học đầu tiên của Bách khoa sẽ bắt đầu lúc 6g sáng.
Từ học kỳ 2 năm học 2018-2019, tiết học đầu tiên của Bách khoa sẽ bắt đầu lúc 6g sáng.
Khung giờ học mới của sinh viên Bách khoa, sẽ chính thức áp dụng từ HK182. – Ảnh: DUY THANH
Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) vừa có thông báo gởi đến các đơn vị trực thuộc trường về việc thay đổi khung giờ dạy áp dụng từ HK182. Theo đó, sẽ có 17 tiết học trong một ngày, tiết 1 bắt đầu từ 6g sáng và tiết 17 sẽ kết thúc lúc 22g10. Giữa các tiết học buổi sáng và chiều sẽ có 10 phút nghỉ giải lao, các tiết học tối (bắt đầu từ 18g) thì không nghỉ giải lao.
Sự điều chỉnh này khiến nhiều sinh viên Bách khoa tỏ ra lo lắng.
Bạn N.T.U. – sinh viên năm thứ Hai, Khoa Kỹ thuật Hóa học, chia sẻ: “Trước đây, khi tiết 1 (cũ) bắt đầu lúc 6g50 thì mình đã không có thời gian ăn sáng, dậy là phải bắt xe buýt đi học liền. Kết thúc tiết học sáng (cũ) là 11g40, nếu học tiếp tiết 7 của buổi chiều lúc 12g30 thì chỉ đủ thời gian di chuyển tới canteen ăn trưa và trở lại phòng học chứ không có thời gian nghỉ ngơi. Nếu học kỳ 2 áp dụng thời khóa biểu như vậy thì sinh viên rất khó sắp xếp thời gian đến lớp đúng giờ.”
Một số sinh viên khác cho biết thêm, các bạn (thỉnh thoảng) phải cúp tiết học đầu vì giờ học quá sớm, dậy không nổi và/ hoặc do quãng đường từ nhà tới trường quá xa.
Khung giờ học hiện tại (cũ) của sinh viên Bách khoa. – Ảnh: AAO
Lý giải về điều này, PGS.TS. Bùi Hoài Thắng – trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa thừa nhận: “Thực tế từ nhiều năm nay, giờ học của sinh viên Bách khoa vốn đã sớm hơn các trường khác trên địa bàn TP.HCM. Việc này cũng khiến nhiều giảng viên và sinh viên than phiền.”
Tuy nhiên, với khung giờ dạy và học mới, nhà trường sẽ không xếp lớp thường xuyên đối với tiết 1 (6g-6g45) và tiết 17 (21g20-22g10). Với các tiết trưa (11g-12g50), nhà trường sẽ cân nhắc sắp xếp khoa học để tránh tình trạng sinh viên và giảng viên học và dạy liên tục. Đối với các tiết học tối, nhà trường chỉ sắp xếp cho sinh viên hệ vừa học vừa làm chứ không phải hệ chính quy (Chất lượng cao, Tiên tiến, Liên kết Quốc tế, Tăng cường Tiếng Nhật, Đại trà, Tài năng, PFIEV). Việc xếp lớp học từ 6g chỉ để dự phòng cho những trường hợp đặc biệt.
Thầy Thắng nói rõ thêm, việc thay đổi khung giờ là có lợi cho sinh viên: “Thay đổi khung giờ sớm hơn 30 phút và nhà trường sắp giờ học thường xuyên vào tiết 2 sẽ giúp sinh viên sắp xếp thời gian học tập hiệu quả hơn. Đồng thời, sinh viên chỉ phải học 5 tiết vào mỗi buổi sáng/ chiều, thay vì 6 tiết như trước. Như vậy, tránh tình trạng học quá tải, dẫn đến chất lượng tập giảm sút.”
Mặt khác, tuy khung giờ giảng dạy được xếp liên tiếp nhau, giữa các tiết có 10 phút giải lao và không có thời gian nghỉ giữa các buổi, nhưng trên thực tế, sẽ không có sinh viên/ giảng viên nào được xếp lịch học/ dạy với các tiết liên tục nhau hoặc học liên tục trong buổi trưa.
Thông tin thêm về cách chia khung giờ giảng dạy mới, đại diện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM hy vọng sinh viên chủ động lựa chọn, sắp xếp và dành nhiều thời gian tự học, làm việc nhóm, nghỉ ngơi hợp lý tại trường. Vì trên thực tế, một buổi học của sinh viên Bách khoa thường chỉ kéo dài 3-4 tiết, đôi khi chỉ 2 tiết. Sau đó, sinh viên sẽ làm bài tập, học nhóm hoặc nghỉ ngơi tại các phòng tự học của trường.
“Trước đây, sinh viên dồn sức học liền 6 tiết trong một buổi rồi nghỉ buổi chiều và những ngày sau đó, như thế sinh viên rất mệt mà lại tiếp thu không hiệu quả. Với cách chia khung giờ giảng dạy và thời khóa biểu thời gian tới, sinh viên sẽ luôn có mặt tại trường, học với bạn bè hoặc tự học trong điều kiện đầy đủ Wi-Fi và phòng tự học”, trưởng Phòng Đào tạo nhà trường bổ sung.
THI CA tổng hợp