Cơ Kỹ thuật: Hướng đi mới lạ cho dân mê lập trình

Làm việc trên máy tính và lập trình là công việc hầu như diễn ra hàng ngày đối với các sinh viên Bách khoa tốt nghiệp ngành Cơ Kỹ thuật.

Kỳ 4 của chương trình Cuối tuần cùng chuyên gia với chủ đề “Cơ Kỹ thuật – lựa chọn cho bạn thích lập trình và máy tính” vừa diễn ra vào sáng 19/6/2022 tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM). 

Cuối tuần cùng chuyên gia 2022 - Cơ Kỹ thuật - chương trình Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật
Diễn giả của kỳ 4 là PGS. TS. Vũ Công Hòa (bìa phải) – Trưởng Bộ môn Cơ Kỹ thuật, Khoa Khoa học Ứng dụng và anh Huỳnh Phạm Nhật Quang (bìa trái) – tốt nghiệp Huy chương Vàng K2014 ngành Cơ Kỹ thuật.
Cuối tuần cùng chuyên gia 2022 - Cơ Kỹ thuật - chương trình Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật
Gần 30 thí sinh, phụ huynh có mặt và lắng nghe chia sẻ về ngành Cơ Kỹ thuật chương trình Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật.

GÓP MẶT TRONG MỌI NGÀNH NGHỀ KỸ THUẬT 

Cái tên “Cơ Kỹ thuật” (Engineering Machanics) dường như còn mới mẻ tại Việt Nam, tuy nhiên trên thế giới – đây là ngành học có thâm niên đào tạo lâu đời tại nhiều quốc gia có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến như Anh, Mỹ, Nga, Cộng hòa Séc, Nhật Bản…

Trong nước, đi cùng nhu cầu sản xuất công nghiệp và nghiên cứu phát triển sản phẩm ngày càng gia tăng là đòi hỏi ngày càng cao về đội ngũ nhân lực tính toán mô phỏng, tối ưu hóa sản phẩm công nghiệp có liên quan tới cơ học. Đón đầu xu thế này, từ 2002, Trường ĐH Bách khoa đã thành lập Bộ môn Cơ Kỹ thuật bao gồm ba trọng tâm đào tạo chính là mô phỏng cơ kỹ thuật, kỹ thuật đo lường và động lực học – điều khiển.

PGS. TS. Hòa giới thiệu về ngành Cơ Kỹ thuật và những ứng dụng cụ thể trong cuộc sống.
PGS. TS. Hòa giới thiệu về ngành Cơ Kỹ thuật và những ứng dụng cụ thể trong cuộc sống.

Theo PGS. TS. Vũ Công Hòa, ngành Cơ Kỹ thuật góp mặt vào hầu hết các ngành nghề kỹ thuật cần đến tính toán cơ học. Cụ thể, đó là tính toán và mô phỏng các bài toán cơ học trong dây chuyền sản xuất ô tô, máy bay; mô phỏng trên máy tính sự chuyển động của metro trong đường hầm và tác động lực của nó đến môi trường xung quanh; đánh giá độ bền và an toàn của các sản phẩm kỹ thuật, dự đoán tuổi thọ hoặc sự lan rộng của các vết nứt trong lòng công trình xây dựng nhà ở, cầu đường; thậm chí trong cả y khoa qua việc thiết kế, chế tạo, mô phỏng ốc chuyên dụng cho giải phẫu cột sống …

Tùy vào từng đối tượng xử lý, kỹ sư Cơ Kỹ thuật sẽ ứng dụng những phần mềm tính toán và thiết kế khác nhau như Abaqus, Patran/ Nastran, Ansys, Inventor, Catia…

LÀM VIỆC HÀNG NGÀY VỚI MÁY TÍNH VÀ LẬP TRÌNH

Do tính chất công việc liên quan đến tính toán, kỹ sư Cơ Kỹ thuật hầu như phải làm việc hàng ngày trên máy tính và am hiểu lập trình. Trường hợp không có phần mềm hỗ trợ tương ứng, kỹ sư Cơ Kỹ thuật sẽ tự lập trình phần mềm chuyên biệt để đáp ứng những chức năng mình cần. Đó là chia sẻ của anh Quang – người đảm nhiệm vị trí kỹ sư mô phỏng va chạm xe hơi tại Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật IAT Việt Nam.

Không chỉ mô tả chi tiết về công việc của kỹ sư mô phỏng, anh còn đưa ra những ví dụ sinh động giúp thí sinh, phụ huynh phân biệt rõ vai trò và sự khác biệt của Cơ Kỹ thuật với các ngành học khác như Kỹ thuật Cơ Điện tử, Kỹ thuật Máy tính.

Cuối tuần cùng chuyên gia 2022 - Cơ Kỹ thuật - chương trình Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật
Anh Quang “bật mí” bí quyết đạt Huy chương Vàng tốt nghiệp và những kinh nghiệm “thực chiến” sau khi ra trường.

CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP RỘNG MỞ TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC

Các diễn giả cũng nhận được nhiều thắc mắc từ thí sinh, phụ huynh về triển vọng việc làm của ngành Cơ Kỹ thuật. Giải tỏa băn khoăn đó, PGS. TS. Hòa khẳng định sinh viên Cơ Kỹ thuật có cơ hội việc làm rất đa dạng như thiết kế máy móc – kết cấu, tính toán, mô phỏng và đặc biệt là xử lý số liệu do đây là chuyên môn chỉ được đào tạo duy nhất tại ngành này.

Tuy là một ngành đặc thù nhưng khả năng phát triển của kỹ sư Cơ Kỹ thuật đã được những cựu sinh viên thành danh ở khắp nơi trên thế giới khẳng định. Một số lượng lớn cựu sinh viên tốt nghiệp ngành Cơ Kỹ thuật đang làm việc tại nhiều tập đoàn đa quốc gia và tập đoàn trong nước như (Bosch (Đức), Akselos (Thụy Sỹ), Danieli (Ý), Advantech (Đài Loan), Samsung (Hàn Quốc), J.V. Engineering (Ấn Độ), FPT Software, Vinfast, Vietubes, PTSC (Việt Nam).

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Nhật có nhà xưởng, văn phòng đại diện tại Việt Nam như DFM, Techno-Star, Tachi-S, Asahi Kasei, Nidec, Hitachizosen, Mitsuba, Taikai cũng có nhu cầu tuyển dụng rất cao đối với đội ngũ sinh viên Bách khoa tốt nghiệp ngành Cơ Kỹ thuật và có khả năng giao tiếp chuyên môn bằng tiếng Nhật lưu loát. Đây cũng chính là một phần lý do dẫn tới sự ra đời của chương trình Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật ngành Cơ Kỹ thuật.

Cuối tuần cùng chuyên gia 2022 - Cơ Kỹ thuật - chương trình Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật
Thí sinh đặt nhiều câu hỏi về ngành Cơ Kỹ thuật cho các diễn giả.
Một phụ huynh rất quan tâm đến việc liệu nữ sinh có phù hợp theo học tại Trường ĐH Bách khoa hay không.
Một phụ huynh rất quan tâm đến việc liệu nữ sinh có phù hợp theo học tại Trường ĐH Bách khoa hay không.
Các diễn giả giải đáp trực tiếp các thắc mắc của thí sinh.
Cuối tuần cùng chuyên gia 2022 - Cơ Kỹ thuật - chương trình Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật
Ba thí sinh đạt điểm cao nhất trong game đố vui về ngành Cơ Kỹ thuật nhận quà từ Văn phòng Đào tạo Quốc tế.
Chương trình Cuối tuần cùng chuyên gia do Văn phòng Đào tạo Quốc tế (Trường ĐH Bách khoa) tổ chức nhằm hỗ trợ học sinh THPT và thí sinh dự tuyển ĐH tìm hiểu các ngành đào tạo của Trường ĐH Bách khoa cũng như triển vọng nghề nghiệp tương lai thông qua góc nhìn của chuyên gia.

Các kỳ đã thực hiện bao gồm:
  • Kỳ 1 (5/6/2022): Học tốt Lý, Hóa, nên chọn ngành nào?
  • Kỳ 2 (12/6/2022): Vi vu biển cả, khám phá tiềm năng ngành Dầu khí
  • Kỳ 3 (18/6/2022): Yêu thiên nhiên, về team Môi trường

Bài: INAKO – Hình: MAI KHUYÊN

Bài trước

Bài tiếp