Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Sự nóng lên toàn cầu và vai trò của chuyên gia môi trường

Trước sự nóng lên toàn cầu đang chạm ngưỡng gần 40 độ ở các khu vực phía Bắc của nước ta, mục tiêu đến năm 2030, vấn nạn ô nhiễm môi trường cần được giải quyết, ngăn chặn triệt để. 

Bài viết liên quan
Sinh viên Bách khoa Quốc tế đạt học bổng ERASMUS+
Đặng Bích Phương – “Sắn lùi” Bách khoa bất khả chiến bại
Trở thành chuyên gia môi trường với bí quyết từ người trong cuộc
Ngành Môi trường: Hiểu vạn vật qua lăng kính nhà khoa học

Tham gia chương trình Cuối tuần cùng chuyên gia, kỳ 3: “Yêu thiên nhiên, về team Môi trường” sáng 18/6, phụ huynh và học sinh THPT được dịp lắng nghe các chuyên gia đầu ngành cập nhật các vấn đề về môi trường, xu hướng phát triển ngành và các cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.

Phụ huynh, học sinh THPT quan tâm đến ngành Môi trường

TẦM QUAN TRỌNG CỦA CHUYÊN GIA MÔI TRƯỜNG

Ô nhiễm môi trường trước đây là khái niệm chưa mấy quen thuộc và hậu quả để lại cũng chưa đạt mức báo động. Thế nhưng, càng ngày càng xuất hiện nhiều những dấu hiệu được cho là thiên nhiên bắt đầu lên tiếng. Đó là sự nóng lên toàn cầu, hiện tượng băng tan, lũ lụt triền miên, những bãi rác ngầm đại dương bắt đầu dạt vào bờ, sự bốc mùi ở những kênh rạch gần khu công nghiệp… Tất cả những hậu quả trên là tất yếu của quá trình phát triển ồ ạt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học, công nghệ phát triển nhưng không đi đôi với bền vững.

Đứng trước vấn nạn ô nhiễm môi trường hiện nay, dự báo tương lai sẽ còn khốc liệt hơn nữa nếu không có sự chung tay đưa ra những kiến nghị, giải pháp của các chuyên gia môi trường. Theo anh Nguyễn Lễ (Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Công nghệ Môi trường Tái tạo, thạc sỹ ngành Kỹ thuật Môi trường K2018, Trường ĐH Bách khoa), xu hướng các giải pháp hiện nay của các doanh nghiệp cũng hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, có thể hiểu là chuyển các chất thải của công ty này thành nguyên liệu đầu vào của quy trình sản xuất khác, giúp giảm thiểu rác thải, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường. Hơn thế, việc sử dụng công nghệ viễn thám trong hệ thống GIS để giám sát, giải quyết các vấn đề về môi trường cũng đang được chú trọng trong các nghiên cứu.

Nhận thức được tình trạng môi trường hiện nay, nhiều thí sinh tham gia chương trình cũng bày tỏ nguyện vọng mong muốn trở thành các chuyên gia trong ngành để góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, góp phần ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Không chỉ thế, môi trường còn là những điều xung quanh ta, là đất, nước, không khí, sinh quyển, là nguồn nước sinh hoạt, là nguyên liệu bữa ăn hàng ngày. Vì thế, phát triển kinh tế – xã hội cần đi đôi với bảo vệ, cải thiện sức khỏe của người dân. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ tính mạng của con người trong tương lai.

Lặn lội vài chuyến xe buýt từ Biên Hòa đến Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK), bạn Nguyễn Hoàng Sao Mai (THPT chuyên Lương Thế Vinh) mạnh dạn chia sẻ ước mơ lớn trở thành nhà hoạt động vì môi trường để được là một phần của sự phát triển bền vững.

Bạn Nguyễn Hoàng Sao Mai (bìa trái) tự tin chia sẻ nguyện vọng của mình với các diễn giả.

KHÔNG NGẠI DẤN THÂN ĐỂ HOÀN THIỆN

Nhận được các câu hỏi về mức lương trung bình của kỹ sư môi trường và tài nguyên sau ra trường, PGS.TS. Bùi Xuân Thành cho rằng chân dung sau năm năm làm việc mới quan trọng để định vị bản thân trên bản đồ nhân sự ngành. Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp chú trọng mức lương, song, kinh nghiệm, kiến thức lĩnh hội được mới là hành trang vững chãi cho sự nghiệp. Khi đảm trách một vị trí công việc, sinh viên cần chủ động nắm bắt, tự tìm tòi, trải nghiệm và đúc kết bài học cho riêng mình. Tự trau dồi kinh nghiệm cho bản thân trong một khoảng thời gian đủ lâu, đủ dài sẽ giúp sinh viên có được vị trí tốt trên thị trường lao động.

PGS.TS. Bùi Xuân Thành giải đáp các thắc mắc của phụ huynh, học sinh THPT

Trong quá trình học tập tại Bách khoa Quốc tế, nguồn học bổng cho sinh viên vô cùng đa dạng từ các giáo sư nước ngoài lên đến 100% học phí, từ các tổ chức uy tín. Đặng Bích Phương (K2017, tốt nghiệp đầu ngành tháng 11/2021, học bổng thạc sỹ tại Đại học Khoa học & Công nghệ Quốc gia Seoul, Hàn Quốc), Nguyễn Ngọc Thiên Trang (K2015 chương trình Chất lượng cao, ngành Quản lý Tài nguyên & Môi trường, học bổng ERASMUS+ tại Romania, Bồ Đào Nha) là những cái tên đình đám “chớp” được những học bổng hot hit này.

Lo ngại tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại khi nghiên cứu, các chuyên gia cũng khẳng định phòng thí nghiệm có quy tắc an toàn, yêu cầu các sinh viên, nhà nghiên cứu cần tuân thủ nghiêm ngặt. Vì vậy, các thí sinh không cần quá lo lắng mà cần xác định đam mê để theo đuổi và không ngại khó để chớp cơ hội hoàn thiện bản thân mình.

TIẾNG ANH LÀ TẤM VÉ VIP PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP

Sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành Môi trường có thể phụ trách các công việc liên quan đến nghiên cứu về nước, chất thải, tư vấn các giải pháp bảo vệ môi trường, kiểm soát dòng thải của các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất. Các nữ kỹ sư Bách khoa còn chiếm một ưu thế nhất định trong ngành bởi tính chính xác, cẩn thận, chi tiết. Nhờ đức tính này, các bạn sẽ làm tốt các công việc liên quan đến đo đạc, giám sát, gặp đối tác, chuẩn bị hồ sơ.

Chia sẻ với đàn em trong chương trình, Lê Khánh Như (K2017 chương trình Chất lượng cao, ngành Quản lý Tài nguyên & Môi trường) bộc bạch tâm sự, tiếng Anh chính là tấm vé VIP vươn xa hơn trong sự nghiệp. Chuẩn bị tốt tiếng Anh khi còn học đại học hỗ trợ Như rất nhiều trong quá trình nghiên cứu tài liệu nước ngoài, tiếp cận các đầu báo quốc tế, cập nhật xu hướng thế giới và tự tin trao đổi với các chuyên gia đầu ngành. Nhờ có tiếng Anh, cánh cửa cơ hội nghề nghiệp cũng rộng mở hơn để đầu quân vào các công ty đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc du học thạc sỹ.

Lê Khánh Như chia sẻ trải nghiệm học tập tại Bách khoa Quốc tế và kinh nghiệm tham gia thực tập tại GreenViet.
Chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Môi trường, Quản lý Tài nguyên & Môi trường (mã trường: QSB, mã ngành: 225) của Trường ĐH Bách khoa được giảng dạy bằng 100% tiếng Anh, tại cơ sở Q.10.
Chương trình đào tạo được thiết kế tương đương chương trình của những đại học uy tín như ĐH Griffith (Úc), Viện Công nghệ châu Á (Thái Lan), đồng thời điều chỉnh, cập nhật liên tục theo xu hướng phát triển của thế giới.
Song song đó, nhà trường cũng đang triển khai chương trình Chuyển tiếp Quốc tế nhóm ngành Môi trường với ĐH Griffith (Úc). Sinh viên học hoàn toàn bằng tiếng Anh. 2-2,5 năm đầu tại Trường ĐH Bách khoa. 2-2,5 năm cuối chuyển tiếp sang Úc. Bằng do trường đối tác cấp.

Bài: TÚ TÚ, Hình: KHUYÊN TRẦN

Bài trước

Bài tiếp