Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Hãy học tiếng Anh đi các em!

Đó là lời nhắn nhủ của TS. Vũ Thế Dũng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG-HCM), đến các bạn sinh viên đang học tập tại trường.

Đó là lời nhắn nhủ của TS. Vũ Thế Dũng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG-HCM), đến các bạn sinh viên đang học tập tại trường.

Learn English

Tiếng Anh không còn là một ngôn ngữ, mà là một xu thế tất yếu. – Ảnh: Scorp

Hôm nay viết vài dòng tâm huyết cho các em, sinh viên Bách Khoa. Học tiếng Anh, thật giỏi!

1. Nói chuyện với các nhà tuyển dụng. Họ đều nói muốn gửi kỹ sư Bách Khoa đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng yếu tiếng Anh nên lại phải chọn người khác.

2. Làm việc với đối tác, chuyên gia nước ngoài, yếu tiếng Anh nên không thể hiện được mình.

3. Tiếng Anh bây giờ không còn là ngôn ngữ, là một lựa chọn, mà là một xu thế tất yếu. Người ta bây giờ DÙNG tiếng Anh chứ không học nữa rồi. Tiếng Anh là môi trường sống, làm việc. Nguồn tư liệu, thông tin mở ra bất tận với người DÙNG tiếng Anh. Thế giới thật như cái đáy giếng khi thiếu tiếng Anh.

4. Nhiều bạn than, em không có năng khiếu, em không học được tiếng Anh. Khẳng định với em, cả tỷ người học và dùng tiếng Anh, em không dốt hơn cả tỉ người đó. Vấn đề là ở cách nghĩ, nếu mình nghĩ mình không học được thì tự mình đã đóng một cánh cửa. Tư duy của người thành công khác với người thất bại chính ở chỗ đó. Một luôn nghĩ cái gì mình cũng làm được, người khác làm được thì mình làm được. Một lại luôn đổ thừa hoàn cảnh, khó, không có thời gian, không có tiền, không có thầy… Đừng suốt ngày ngồi than trách đổ thừa, hãy hành động!

5. Học thế nào? Học từ tốn, học chắc, học sâu, deep learning thì sẽ hiệu quả.

6. Nói chuyện với các em mới hiểu tại sao các em học không hiệu quả. Các em học mà cứ chạy theo số lượng bài, số lượng từ, mà không chịu học vào bản chất. Học ngoại ngữ quan trọng là:

  1. đọc lớn, rõ, từ tốn, đọc đi đọc lại

  2. học thuộc lòng

  3. tập chép

  4. tập nói trước gương

7. Thay vì chỉ tập trung vào đọc thầm bằng mắt các bài reading hay conversation, các em hãy nghe CD, sau đó đọc theo, đọc lớn, rõ, từ nào phát âm khó thì đọc đi đọc lại. Bài đầu tiên hãy đọc 8-10 lần, cho đến khi nào thấy lưu loát. Sau đó, tra từ điển để hiểu thật rõ các từ mới. Bây giờ đọc các câu hỏi và bắt đầu trả lời các câu hỏi của bài reading này. Đọc câu hỏi và câu trả lời to, rõ, thành tiếng. Hãy chú ý, học đây là sinh ngữ, tức là ngôn ngữ sống, các em chỉ đọc bằng mắt thì sẽ mau quên.

8. Thay vì cố gắng một ngày đọc 2-3 bài reading thật nhanh mà không hiểu thật kỹ, thì hãy thử đọc một bài như cách trên. Nếu được em hãy dịch lớn đoạn reading đó ra tiếng Việt, dịch càng lưu loát, càng hay càng tốt. Khi dịch em sẽ thấy không dễ dàng gì, dịch được hay và lưu loát em đã nâng khả năng ngôn ngữ của mình lên một đẳng cấp mới.

9. Cứ làm như thế với bài số 2, 3, 4, 5… Cứ kiên trì, em sẽ thấy các bài số 6, 7, 8, thời gian để nhớ, hiểu, dịch nhanh hơn rất nhiều.

10. Chiến lược là thay vì học 20 bài mà mỗi bài chỉ hiểu loáng thoáng, thì học 10 bài mà bài nào cũng hiểu và nhớ 110%.

11. Học như thế em không chỉ đang luyện reading mà còn đang luyện speakingtranslation nữa. Với cách này tiếng Anh đến với em sống động.

12. Viết thì sao? Hãy bắt đầu bằng tập chép, chép lại các bài viết mẫu, mỗi ngày đọc to và chép lại 1-3 bài văn mẫu. Sau đó tập viết lại. 20-30 ngày tập chép, em sẽ thấy kỹ năng viết của mình tiến bộ.

13. Nghe? Hãy nghe nhạc tiếng Anh. Xem HBO hay Star Movies với phụ đề tiếng Anh hàng ngày.

14. Nói? Tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh, còn nếu không thì tự nói trước gương. Hãy chuẩn bị một chủ đề, viết ra dàn ý, và tập nói trước gương, chuẩn bị câu hỏi và câu trả lời. Mỗi ngày nói một topic thật nhiều lần.

15. Tất nhiên thầy không có ý định thay các thầy cô tiếng Anh trong hướng dẫn các em, thầy chỉ chia sẻ kinh nghiệm của bản thân mình.

Hãy dùng tiếng Anh!

Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG-HCM TP.HCM) là một trong những trường ĐH đầu tiên và hàng đầu tại Việt Nam trong việc giảng dạy bằng tiếng Anh. Từ 2006 đến nay, ĐH Bách Khoa đã triển khai nhiều chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh như Tiên tiến, Liên kết Quốc tế, Chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh trong nước cũng như quốc tế. Nhờ đó, lớp kỹ sư Bách Khoa ngày nay không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn giỏi tiếng Anh, vững kỹ năng và tự tin hội nhập.

Tất cả chương trình đào tạo của nhà trường đều được các tổ chức kiểm định chất lượng uy tín trong và ngoài nước đánh giá và công nhận như Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam, AUN (Asean Universities Network), ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology – Mỹ)…

▶ Điều kiện tham gia xét tuyển các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh

 
TS. VŨ THẾ DŨNG
Phó hiệu trưởng ĐH Bách Khoa

Bài trước

Bài tiếp