Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Học sao cho Biết?

Liệu bạn đã biết cách học đúng? Việc học có phải bắt đầu và kết thúc trong lớp học? Bạn có dành thời gian để đọc sách? Bao nhiêu cuốn/tháng? Nếu bạn chưa trả lời được những câu hỏi trên, hãy thử phương pháp của thầy Vũ Thế Dũng – Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa, để cải thiện chất lượng học tập nhé!

Liệu bạn đã biết cách học đúng? Việc học có phải bắt đầu và kết thúc trong lớp học? Bạn có dành thời gian để đọc sách? Bao nhiêu cuốn/tháng? Nếu bạn chưa trả lời được những câu hỏi trên, hãy thử phương pháp của thầy Vũ Thế Dũng – Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa, để cải thiện chất lượng học tập nhé!

How do we know 01

1.

Buổi đầu vào các lớp mình hay hỏi sinh viên (cao học) “Học để làm gì?”, “Mong muốn gì từ lớp học?”. Câu trả lời thường gặp: học để có thêm kiến thức, mong muốn ứng dụng cụ thể được những gì học trên lớp.

Hỏi tiếp, “Các em học thế nào? Học ở đâu? Học lúc nào?”

Trả lời: đi làm từ sáng đến 18g, đến trường học đến 21g, về ngủ.

Hỏi tiếp: thứ Bảy, Chủ Nhật thì sao? Trả lời: cũng đi học cả ngày.

“Đọc sách lúc nào?”, Trả lời (cười): lúc thi!

Chỉ thế thôi sao? Học đâu có bắt đầu và kết thúc ở trong lớp!?

2.

Câu hỏi bài tập: vẽ và phân tích mô hình phân phối hoa Tết.

Các nhóm thảo luận và một nhóm lên vẽ. Hỏi: em lấy thông tin từ đâu? Trả lời: em biết vì em xem tivi; em biết vì em nghe nói vậy.

Ta có thực sự biết cái ta nói ta biết?

3.

Thử mô tả một quy trình học và dạy cho trẻ em qua truyện Tấm Cám nhé.

Bậc 1: cho em đọc thầm bằng mắt một lượt truyện Tấm Cám.

Bậc 2: yêu cầu em đọc lớn và diễn cảm truyện. Đọc nhiều lần đến khi đọc thật trôi chảy và biểu cảm.

Bậc 3: yêu cầu và cùng em giải thích nghĩa các từ mới mà em chưa biết như ông Bụt, cây cau, chiếc hài…

Bậc 4: đặt các câu hỏi dễ để kiểm tra thông tin. Ví dụ: có mấy nhân vật trong truyện? Tấm là con ai? Tấm làm gì để gọi con cá bống lên ăn cơm? Hoàng tử chọn vợ bằng cách nào?

Bậc 5: đặt câu hỏi mang tính phân tích, cảm nhận. Ví dụ: con thích nhân vật nào, tại sao? Nhân vật nào tốt, nhân vật nào xấu? Họ xấu ở đâu, tốt ở đâu? Có phải Tấm luôn tốt? Con có muốn thay đổi chi tiết nào không? Con rút ra được bài học gì từ câu chuyện này? Con có bao giờ đối xử với các bạn trong lớp như cách của Cám hay Tấm không?

Con có thể so sánh truyện Tấm Cám với truyện Lọ Lem không? Giống và khác nhau chỗ nào? Con thích truyện nào hơn, vì sao?

Bậc 6: Yêu cầu em viết lại câu trả lời cho những câu hỏi ở bậc 5

Bậc 7: yêu cầu em đóng sách và kể lại câu truyện theo ngôn ngữ của mình. Kể đến khi nào thấy hay và thuyết phục.

Bậc 8: Yêu cầu em kể lại câu truyện bằng cách tự vẽ tranh.

Bậc 9: Yêu cầu em viết lại những gì em đã kể. Viết cho đúng chính tả, ngữ pháp, và văn phong.

Bậc 10: Yêu cầu em sáng tạo một câu chuyện mới từ truyện Tấm Cám, hay kể lại câu chuyện từ góc nhìn của Cám hay dì ghẻ.

Có thể học theo cách này sẽ đưa người học từ bậc đơn giản: nhớ, hiểu, lên đến ứng dụng, phân tích, đánh giá, và sáng tạo. Không những thế nó còn hoàn thiện toàn diện các kỹ năng từ đọc thầm, khẩu ngữ, diễn đạt, viết, vẽ, tư duy.

4.

Học như trên có hay không? Chắc chắn.

Có mất thời gian không? Có. Nhưng chỉ mất thời gian ở những bài đầu tiên, cứ kiên trì áp dụng cách này cho tất cả các bài thì thời gian sẽ rút ngắn lại. Đến một lúc thì người học nhảy ngay từ 1, 2 lên 5, 6 rồi lên 8, 9, 10. Lúc này học sâu sắc biến thành học nhanh.

Có hiệu quả không? Có. Câu trả lời ở mục thời gian.

Có áp dụng cho các môn khác, bậc học khác không? Chắc chắn có. Bậc học nào, môn học nào hầu như cũng đi qua các bậc như trên. Hiện nay hầu hết người học chỉ học ở bậc rất thấp 1, 2, 3… rất ít khi đi lên đến bậc 6, 7, 8 chứ đừng nói đến 9, 10.

Học thế này có vất vả không? Có. Nhưng có sướng không? Sướng. Vì học đến đâu sáng tỏ đến đó, kỹ năng cải thiện đến đó.

Có tự học được theo phương pháp này không? Có.

Làm thử xem!

TS. VŨ THẾ DŨNG
Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa

Bài trước

Bài tiếp