Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Kỹ thuật Máy tính – Sự kết hợp giữa “cứng” và “mềm”

Nếu bạn yêu thích các thiết bị công nghệ, đồng thời muốn tùy biến chúng theo cách của riêng bạn thì ngành Kỹ thuật Máy tính – ngành kết hợp chặt chẽ giữa phần cứng (các thiết bị công nghệ) và phần mềm (các ứng dụng tin học), có thể là lựa chọn dành cho bạn.

Nếu bạn yêu thích các thiết bị công nghệ, đồng thời muốn tùy biến chúng theo cách của riêng bạn thì ngành Kỹ thuật Máy tính – ngành kết hợp chặt chẽ giữa phần cứng (các thiết bị công nghệ) và phần mềm (các ứng dụng tin học), có thể là lựa chọn dành cho bạn.

TỔNG QUAN VỀ NGÀNH KỸ THUẬT MÁY TÍNH

Kỹ thuật Máy tính là ngành kết hợp giữa Máy tính và Kỹ thuật Điện. Ngành này tập trung vào việc lập trình trên tất cả các nền tảng: vi xử lý, các thiết bị nhúng và máy vi tính.

Vì vậy, ngành này sẽ liên quan nhiều đến Kỹ thuật Điện ở các khía cạnh như: chức năng của vi xử lý được thiết kế và tối ưu như thế nào; dữ liệu được truyền tải giữa các thành phần điện tử ra sao; làm thế nào để thiết kế các hệ thống tích hợp và làm thế nào để hệ thống tổ chức xử lý các chỉ thị được thể hiện trong phần mềm; làm thế nào để phần mềm được viết, biên soạn, cũng như tối ưu đối với từng nền tảng phần cứng cụ thể. Do đó, các kỹ sư Kỹ thuật Máy tính có thể được xem như là những kỹ sư Điện có chuyên môn về thiết kế phần mềm, phần cứng và hệ thống để có thể tích hợp các thành phần đó lại với nhau.

Chương trình học của ngành Kỹ thuật Máy tính sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức nền tảng thuộc lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin, cũng như kiến thức, công nghệ chuyên sâu của ngành như: vi xử lý, vi điều khiển, thiết kế vi mạch, phần mềm nhúng, phần mềm cho các thiết bị điều khiển tự động, robot công nghiệp.

Ngành Kỹ thuật Máy tính là ngành mở rộng với tất cả các bạn trẻ.

LĨNH VỰC LÀM VIỆC CỦA NGÀNH KỸ THUẬT MÁY TÍNH

Sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Máy tính, các kỹ sư có thể đảm nhiệm nhiều công việc trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin như:

– Thiết kế và xây dựng các phầm mềm, phần cứng cho các thiết bị điều khiển tự động, chẳng hạn như: các thiết bị điều khiển trong ô tô, thiết bị điện tử, thiết bị đọc mã vạch, robot công nghiệp, các dây chuyền công nghiệp.

– Quản trị và xây dựng các giải pháp đảm bảo an toàn cho các hệ thống máy tính và mạng máy tính.

– Tư vấn, thẩm định và phát triển các dự án, giải pháp công nghệ thông tin.

Đam mê công nghệ là điều kiện cần nhưng chưa đủ cho ngành kỹ thuật máy tính.

TỐ CHẤT CẦN CÓ ĐỂ HỌC NGÀNH KỸ THUẬT MÁY TÍNH

Nếu bạn yêu công nghệ, luôn tìm hiểu và sử dụng các công nghệ mới nhất, thì xin chúc mừng, bạn đã có được 50% tố chất để thành công trong ngành này.

Tuy vậy, bạn cần phải cân nhắc xem bản thân có sở hữu 50% những tố chất còn lại để thành công trong nghề không nhé:

Tư duy logic: Vì là ngành kỹ thuật nên đòi hỏi bạn phải có tư duy logic và khả năng toán học tốt. Nếu bạn học không tốt lắm những môn Toán, Vật Lý thì nên cân nhắc trước khi bước vào ngành này nhé.

Khả năng làm việc với máy móc trong thời gian dài: Công việc kỹ thuật đòi hỏi bạn phải làm việc trong thời gian dài với máy móc nên bạn phải thực sự cân nhắc về khía cạnh này trước khi chọn ngành.

Thực tế công việc kỹ sư ngành Kỹ thuật máy tính không giống như việc sử dụng máy vi tính hoặc các thiết bị công nghệ. Nếu bạn chỉ yêu thích sử dụng smartphone, máy vi tính thông qua các ứng dụng thì có thể bạn chỉ mới dừng lại ở mức yêu thích công nghệ mà thôi.

Công việc của Kỹ sư Máy tính sẽ liên quan khá nhiều đến việc lập trình. Nếu ở trường phổ thông bạn đã được học Pascal hoặc một ngôn ngữ lập trình nào đấy, bạn hãy xem thử rằng mình có thích thú với những buổi học ấy không và điểm số của bạn ra sao. Nếu bạn đạt điểm cao và thích thú với những dòng mã lệnh thì xin chúc mừng, bạn rất phù hợp với nghành Kỹ thuật máy tính này đấy!

Ham học hỏi, luôn cập nhật kiến thức mới: Tại sao ở trên lại đề cập tới sự yêu thích của bạn đối với công nghệ? Đó là vì chỉ khi yêu thích, bạn mới có thể cập nhật lượng kiến thức khổng lồ đang biến chuyển từng ngày của ngành Kỹ thuật máy tính một cách liên tục. Để không bị đào thải với nghề này, bạn phải luôn nắm được những kỹ thuật và công nghệ mới nhất.

Trình độ ngoại ngữ: Bởi vì hầu hết các dòng lệnh, các sách hướng dẫn, những tin tức công nghệ mới nhất đều được viết bằng tiếng Anh nên bạn phải có một vốn tiếng Anh nhất định. Ngoài ra, hiện nay có nhiều công ty từ các nước khác đến thuê kỹ sư Việt Nam làm việc, nên việc biết thêm một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh như tiếng Nhật, tiếng Pháp có thể sẽ là một lợi thế lớn cho bạn trong quá trình tìm việc sau này.

HỌC NGÀNH KỸ THUẬT MÁY TÍNH Ở ĐÂU?

Hiện có nhiều trường đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính, bạn có thể tìm kiếm danh sách các trường có đào tạo ngành này thông qua mạng internet hoặc trong Cẩm nang tuyển sinh.

Ngoài ra, nếu bạn có trình độ tiếng Anh khá thì có thể cân nhắc đăng ký học chương trình Kỹ sư Kỹ thuật máy tính – Chất lượng cao của trường ĐH Bách Khoa TPHCM. Bạn có thể học trong 4 năm và lấy bằng do ĐH Bách Khoa TPHCM cấp, hoặc có thể chuyển tiếp sang ĐH Queensland (Úc), ĐH Adelaide (Úc) hoặc ĐH Latrobe (Úc) sau 2 năm học để hoàn tất tấm bằng kỹ sư/ cử nhân của mình. Chi tiết về chương trình đào tạo này, xin bạn vui lòng tham khảo tại đây.

ĐẠO QUANG – Ảnh: internet

Bài trước

Bài tiếp