Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Giảng viên Bách Khoa đạt giải khoa học UNESCO

Đó là TS. Nguyễn Thị Lệ Thu, giảng viên Khoa Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Đó là TS. Nguyễn Thị Lệ Thu, giảng viên Khoa Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Vừa qua, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam đã trao giải thưởng “Nhà Khoa học nữ L’Oreal – UNESCO 2017” thuộc lĩnh vực khoa học vật liệu và khoa học sự sống cho năm nhà khoa học nữ:

1. TS. Nguyễn Thị Lệ Thu (giảng viên Khoa Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Bách Khoa – ĐHQG-HCM) với nghiên cứu chế tạo vật liệu silicon thông minh có khả năng “nhớ hình” và “tự lành” ứng dụng làm vật liệu y sinh cấy ghép và màng phủ tự làm lành vết xước.

2. TS. Trần Phương Thảo (giảng viên Bộ môn Hóa Dược, Đại học Dược Hà Nội) với nghiên cứu phát triển dẫn chất ức chế enzyme glutaminyl cyclase hướng điều trị bệnh Alzheimer.

3. TS. Hoàng Thị Đông Quỳ (giảng viên Khoa Khoa học & Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG-HCM) với nghiên cứu về vật liệu polymer composite/nanocomposite chống cháy trên nền polyurethane xốp sử dụng hợp chất chống cháy thân thiện môi trường phosphorus/phosphorus nitrogen.

4. PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài (giảng viên Khoa Dược, Đại học Y Dược – Đại học Huế) với nghiên cứu về các cây thuốc của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở miền Trung theo hướng tác dụng chống oxy hóa, diệt tế bào ung thư, qua đó tìm được hai cây dược liệu quý là bù dẻ tía và mán đỉa có nhiều tiềm năng điều trị ung thư và chống oxy hóa

5. TS. Trần Thị Ngọc Dung (Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam) với nghiên cứu về vật liệu nano, đặc biệt là công nghệ dung dịch nano bạc và có nhiều khả năng thương mại hóa trên thị trường: băng gạc để điều trị vết thương, vết loét lâu lành, bộ dụng cụ lọc ceramic xốp cố định nano bạc dùng cho mục đích làm sạch nước quy mô gia đình, băng tã vệ sinh, khẩu trang phòng chống ô nhiễm môi trường.

Sản phẩm băng gạc có gắn nano của TS. Ngọc Dung đã được thử nghiệm lâm sàng ở nhiều bệnh viện lớn như Viện Bỏng Quốc gia, Viện 103, Bệnh viện Việt Đức… Kết quả cho thấy sản phẩm có thể dùng để điều trị hiệu quả các vết thương bỏng cấp độ 1, 2, 3, vết loét hoại tử lâu ngày, giảm đau khi bệnh nhân thay băng, giảm số lần thay băng và thời gian điều trị được rút ngắn từ 10-50% so với phương pháp thông thường.

Ba TS. Lệ Thu, Phương Thảo, Đông Quỳ đạt học bổng nghiên cứu 150.000.000 đồng/người để tiếp tục triển khai dự án nghiên cứu khoa học của mình vào thực tế. Hai TS. Thị Hoài và Ngọc Dung đạt giải thưởng “Nhà Khoa học nữ xuất sắc 2017” trị giá 50.000.000 đồng/người.

Nguyen Thi Le Thu giai thuong UNESCO

(Từ trái qua) TS. Nguyễn Thị Lệ Thu, TS. Trần Phương Thảo, TS. Trần Thị Ngọc Dung, TS. Hoàng Thị Đông Quỳ và PGS.TS Nguyễn Thị Hoài. – Ảnh: UNESCO

Giải thưởng “L’Oreal – UNESCO: Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học cấp quốc gia” được triển khai tại Việt Nam từ năm 2010. Trong bảy năm qua, giải thưởng đã vinh danh 24 nhà khoa học nữ về những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và giúp họ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê khoa học.

Tiêu chí chọn lựa được dựa trên thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật thông qua số lượng các bài viết được đăng tải trên các tạp chí quốc tế, các ấn phẩm khoa học được xuất bản, các hoạt động nghiên cứu khoa học đã và đang tham gia, vai trò hình mẫu cho các thế hệ nghiên cứu trẻ. Những nhà khoa học đạt giải quốc gia còn có cơ hội được xét duyệt để trở thành một trong 15 nhà khoa học trẻ đạt “Giải thưởng tiềm năng quốc tế”.

Năm 2015, nhà khoa học nữ Việt Nam Trần Hà Liên Phương đã được vinh danh là “Nhà khoa học nữ tiềm năng thế giới” tại Paris, giúp Việt Nam lần đầu tiên có tên trong danh sách quốc gia có nhà khoa học nữ trẻ xuất sắc thế giới.

 

THI CA tổng hợp

Bài trước

Bài tiếp