Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa của giảng viên Bách khoa

Công trình của TS. Nguyễn Chí Ngọc đã được ứng dụng rộng rãi tại các bệnh viện lớn như Gia Định, Thống Nhất, Răng – Hàm – Mặt, Huyết học & Truyền máu, Thủ Đức…

Công trình của TS. Nguyễn Chí Ngọc đã được ứng dụng rộng rãi tại các bệnh viện lớn như Gia Định, Thống Nhất, Răng – Hàm – Mặt, Huyết học & Truyền máu, Thủ Đức…

TS. Nguyễn Chí Ngọc (1979) hiện là giảng viên Bộ môn Viễn thông, Khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM). 

Nguyen Chi Ngoc chan doan benh DH Bach Khoa 01

TS. Nguyễn Chí Ngọc (phải) tại Hội chợ Công nghệ Techmart 2015, Hà Nội. Anh chụp hình lưu niệm cùng TS. Nguyên Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ. – Hình: CHÍ NGỌC

NGHIÊN CỨU TỪ NHỮNG ĐIỀU MẮT THẤY, TAI NGHE

Từ năm 2001, TS. Ngọc tập trung phát triển các nền tảng viễn thông như hệ thống tổng đài IP (mạng điện thoại nội bộ dùng giao thức internet), hay hệ thống video conference (sử dụng cho việc họp trực tuyến)…

Bước ngoặt trong hoạt động nghiên cứu khi anh vào thăm người nhà đang điều trị tại bệnh viện. Bốn giờ sáng, những bệnh nhân từ các tỉnh ngoại thành đến TP.HCM khám bệnh. Họ phải chờ từ sáng sớm để lấy số thứ tự và túc trực tại bệnh viện rất lâu để được khám.

“Tại sao không thực hiện việc chẩn đoán và điều trị y tế từ xa giúp tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân và bác sĩ” – anh nhớ lại.

Bắt tay vào nghiên cứu với vốn kiến thức chuyên môn có được trong quá trình học tập hai năm tại Trường ĐH Kyung Hee (Hàn Quốc), anh đã xây dựng thành công hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa.

Với hệ thống này, các hình ảnh chụp CT, MRI, X-quang, siêu âm… sẽ được hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh (PACS) hoặc hình ảnh trực tiếp từ phòng mổ được tích hợp vào công cụ hội chẩn trực tuyến.

Điều này sẽ giúp bác sĩ hội chẩn trực tuyến giúp chẩn đoán và điều trị từ xa, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân ở các vùng quê.

Hệ thống cũng sẽ giúp liên kết các bác sĩ của bệnh viện tham gia cùng chẩn đoán ca bệnh, liên kết các bác sĩ của nhiều bệnh viện, linh hoạt sử dụng nguồn nhân lực khi số lượng chuyên gia còn ít.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định sử dụng hệ thống chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa do TS. Ngọc nghiên cứu. – Hình: CHÍ NGỌC

Hệ thống này được TS. Ngọc nghiên cứu phát triển từ năm 2009. Trong giai đoạn từ năm 2011-2013, anh bắt đầu thử nghiệm sản phẩm tại Bệnh viện Hồng Đức. Năm 2015, sau quá trình thử nghiệm, sản phẩm của anh đã thương mại hóa và cung cấp cho hàng chục bệnh viện khắp cả nước.

Riêng tại TP.HCM hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa đã được ứng dụng tại các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt, Bệnh viện Huyết học & Truyền máu, Bệnh viện Quận Thủ Đức…

CỨNG CÁP Ở TRONG NƯỚC MỚI ĐỦ TỰ TIN RA BIỂN LỚN

“Để có được thành công như hôm nay, quả thật tôi đã không trải qua con đường rải đầy hoa hồng” – TS. Ngọc chia sẻ.

Sản phẩm y tế kỹ thuật cao của anh ra đời trong bối cảnh các thiết bị y tế tại Việt Nam đang bị lấn át bởi nhiều sản phẩm ngoại nhập. Khó khăn hơn nữa, nhiều lãnh đạo các bệnh viện tỏ ra khá e dè với những sản phẩm mới toanh, nghiên cứu trong nước làm ra.

“Tâm lý là họ vẫn thích đồ ngoại với những chương trình hỗ trợ khá hấp dẫn. Có doanh nghiệp tại Mỹ hỗ trợ các bệnh viện dùng thử sản phẩm lên đến ba năm và sau đó mới đàm phán chuyện mua bán. Sản phẩm trong nước phải chịu sự cạnh tranh rất lớn như vậy.” – TS. Ngọc tâm sự.

Với lối suy nghĩ riêng, anh không hề bỏ cuộc mà vẫn tìm ra hướng đi cho những sản phẩm nghiên cứu của mình.

Anh tìm đến những bệnh viện quy mô nhỏ, bệnh viện tư nhân để tiếp cận và giới thiệu sản phẩm. Sản phẩm được kiểm nghiệm và đánh giá bởi hội đồng khoa học của bệnh viện để được đưa vào sử dụng.

Bằng chính uy tín và sự cam kết, sản phẩm của anh đã có mặt tại nhiều bệnh viện lớn nhỏ tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác ở Tây Nam Bộ và miền Trung. Đó là thành quả của quãng thời gian hơn chín năm anh kiên định với con đường mình đã chọn.

Điều đặc biệt, đây cũng là kết quả nghiên cứu từ Trường ĐH Bách khoa. Gặp nhiều khó khăn nhưng anh luôn tâm niệm: nhiệm vụ của nhà khoa học là nghiên cứu, nhưng kết quả của những nghiên cứu đó phải giúp ích cho cộng đồng.

 

TS. Ngọc đang làm rất tốt công việc giảng dạy và nghiên cứu cũng như thương mại hóa các nghiên cứu từ trường ĐH– Hình: THẾ AN

TS. Ngọc nói rằng, nhà khoa học đừng chờ đợi một chính sách hay chương trình hỗ trợ nào đó của nhà nước, mà hãy tự chủ động đi theo đam mê nghiên cứu của mình và tin rằng sẽ thành công.

Anh cũng cho rằng, nhà khoa học cần tập trung giải quyết các vấn đề trong nước bằng khoa học rồi hãy mở rộng ra thị trường nước ngoài bằng nhiều cách khác nhau. “Cứng cáp ở trong nước rồi khi đó mình mới đủ tự tin ra biển lớn được.” – TS. Ngọc bày tỏ.

TS. NGUYỄN CHÍ NGỌC – GIẢNG VIÊN TRƯỜNG ĐH BÁCH KHOA

Các sản phẩm nghiên cứu đã được thương mại hóa

  • Thiết bị tổng đài IP và video conference phục vụ hội chẩn y tế tại Bệnh viện Nhân dân 115

  • Ứng dụng công nghệ RFID vào thiết kế và chế tạo thiết bị chấm công tại Trường ĐH Bách khoa

  • Thiết bị tổng đài IP cho Công ty Chứng khoán ACBS, Ngân hàng ACB

  • Ứng dụng công nghệ RFID vào quản lý phương tiện giao thông đường bộ, đăng kiểm ô tô

  • Ứng dụng quản lý nhân sự và chấm công tại Công ty Chứng khoán Phú Gia

  • Thiết bị đầu cuối phục vụ kết nối mạng VoIP 179 của Viễn thông Điện lực

Các giải thưởng tiêu biểu

  • Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2014

  • Giải thưởng Techmart 2015

  • Giải thưởng ASEAN ICT Awards 2015

  • Giải thưởng Tự hào Trí tuệ lao động Việt Nam 2016

 

HÀ THẾ AN (Khám phá)

Bài trước

Bài tiếp