TS. Đặng Đăng Tùng gởi lời tôn vinh sâu sắc đến toàn thể các tân sinh viên Bách khoa Quốc khóa 2021 đã vượt qua giai đoạn học tập và thi cử cam go trong giai đoạn cao điểm COVID-19.
Gởi đến các em Tân Sinh viên Bách Khoa Quốc tế khóa 2021,
Đầu tiên, tôi muốn gởi lời chúc mừng nồng nhiệt và sự ngưỡng mộ đến toàn thể các em đã vượt qua giai đoạn học tập – thi cử cực kỳ cam go diễn ra vào đỉnh dịch COVID-19 để đạt được nguyện ước trở thành sinh viên Chương trình Đào tạo Chính quy Quốc tế, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Ngay cả một người lạc quan nhất cũng không thể tưởng tượng được rằng, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đã trải qua hơn 160 ngày đương đầu với dịch bệnh. Mọi thứ đột ngột đình trệ, khó khăn xuất hiện chồng chất. Học sinh cả nước phải chuyển qua hình thức học tập trực tuyến. Không ít thí sinh đã trở thành F0, vừa gồng mình chữa trị, vừa kiên trì ôn luyện kiến thức. Đại dịch cũng đã tước đi cơ hội học đại học của một số thí sinh khi một số kỳ thi đã không thể tổ chức được.
Tham gia công tác tuyển sinh, chúng tôi còn chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le: thí sinh có kết quả trúng tuyển lúc cả gia đình nhiễm bệnh, mỗi người bị cách ly một nơi; thí sinh có người nhà mất vì COVID, tâm trạng rối bời, không thiết tha nhập học. Một trường hợp khác, gia đình thí sinh bị giảm thu nhập sâu do giãn cách xã hội, thí sinh thương cha mẹ nên tự rút nguyện vọng khỏi chương trình Chất lượng cao. Có nơi trường cấp ba được trưng dụng thành khu thu dung dã chiến, dẫn tới gián đoạn trong việc trả học bạ và phiếu điểm… 1.001 tình thế nan giải mà phía Văn phòng Đào tạo Quốc tế phải “xắn tay áo” vào cuộc để giúp các em nhập học suôn sẻ.
Giữa muôn vàn khó khăn chồng chất ấy vẫn ánh lên luồng xanh hy vọng. Các em, những thí sinh có nghị lực học tập phi thường, đã biến mọi ngóc ngách của ngôi nhà trở thành toàn bộ thế giới. Khoảng cách vật lý giữa thầy trò được rút ngắn thông qua các phần mềm hỗ trợ học tập trực tuyến. Kết nối của các em với gia đình cũng trở nên khắng khít hơn nhờ đại dịch.
Những ngày đầu tháng Mười này, Thành phố Hồ Chí Minh thân thương của chúng ta đang từng bước được nới lỏng giãn cách nhằm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, thích ứng an toàn với COVID-19 trong giai đoạn mới. Hoạt động đào tạo đại học được tạo điều kiện triển khai dưới hình trực tiếp nếu người dạy và học đáp ứng tiêu chí tiêm đủ liều vaccine.
Trong suốt giai đoạn giãn cách, Trường Đại học Bách Khoa, với những khó khăn nhất định do hạn chế số lượng cán bộ làm việc trực tiếp, vẫn bền bỉ và cật lực trong công tác đào tạo, nghiên cứu, tuyển sinh, bảo trì cơ sở vật chất, sẵn sàng tâm thế chào đón tân sinh viên đến trường một ngày không xa.
Những GenZ 2021 như các em hứa hẹn sẽ đem đến cho Bách Khoa nguồn năng lượng sáng tạo mạnh mẽ thông qua những kỹ năng đặc biệt được tôi luyện từ đại dịch toàn cầu. Đó là khả năng tập trung cao độ đồng thời với việc thực thi đa nhiệm, kỹ năng tương tác đa văn hóa trong môi trường đa nền tảng.
Phút giây này, tề tựu “bên nhau” trong lễ khai khóa trực tuyến 2021, tôi có đôi lời muốn gởi gắm đến các em để chúng ta có thể tiếp tục cùng nhau chinh phục tri thức trong thời đại bình thường mới.
1. KHÔNG MỘT SINH VIÊN NÀO BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU VÌ COVID-19
Ảnh hưởng từ virus corona là vô cùng sâu rộng. Nguồn thu nhập bị cắt giảm, không ít sinh viên và gia đình của họ đang phải gồng mình để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt. Thấu hiểu được điều này, Trường Đại học Bách Khoa và Ban Đại diện Cộng đồng cựu sinh viên Phú Thọ – Bách Khoa (BKA) đã ban hành chính sách bảo lãnh cho vay ưu đãi (100 suất) để giúp các sinh viên khó khăn có thể đóng học phí.
Về phía sinh viên chương trình Chất lượng cao, Tiên tiến, Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật, Chuyển tiếp Quốc tế, Văn phòng Đào tạo Quốc tế được sự đồng ý từ nhà trường và Đại học Quốc gia TP.HCM đã thông qua chương trình hỗ trợ học phí cho toàn thể sinh viên với tổng số tiền lên đến 7,5 tỷ đồng.
Bên cạnh vấn đề tài chính, một số sinh viên là F0 buộc phải cách ly để điều trị, dẫn tới nguy cơ gián đoạn việc học trong khi học kỳ mới đang tới. Văn phòng Đào tạo Quốc tế có các chuyên viên tư vấn tâm lý cũng như học vụ luôn đồng hành để hỗ trợ các em kịp thời.
Bằng cách làm việc cùng nhau và liên tục giữ kết nối, chúng tôi mong muốn đảm bảo rằng các em sinh viên có thể tiếp tục việc học của mình và không ai bị bỏ lại phía sau.
2. THÍCH ỨNG LINH HOẠT VỚI MÔ HÌNH HỌC TẬP MỚI
Mặc dù thế giới vẫn đang nói nhiều về việc học trực tuyến và sức mạnh của công nghệ, nhưng tôi vẫn chưa thể hình dung được thế hệ kỹ sư GenZ sẽ sở đắc chuyên môn thế nào khi chỉ quan sát thực nghiệm qua màn hình mô phỏng. Thực vậy, không gì bằng việc được tới trường mỗi ngày, được tự tay thao tác trong phòng lab, nhà xưởng, được tranh luận trực tiếp cùng thầy cô, được vỗ vai bè bạn mà không phải giữ khoảng cách, được nhìn thấy những nụ cười nở trọn vẹn trên môi mà không bị lớp khẩu trang che chắn.
Con đường chinh phục tri thức của các em trong thời đại này có thể gặp nhiều chông gai hơn thế hệ trước. Tuy nhiên nghịch cảnh thường tạo ra đột phá. Vào thế kỷ thứ XVI-XVII, khi cả châu Âu đang vật lộn với trận đại dịch hạch và buộc phải tạm ngừng các hoạt động công cộng (bao gồm cả việc học tại trường), nhà vật lý học Isaac Newton đã tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn. Lúc đó, cậu sinh viên 20 tuổi của Đại học Oxford đang tự học tại nhà do “giãn cách xã hội”. Hay như kịch tác gia William Shakespeare, đã biến những tổn thất do “Cái chết đen” để lại thành nguồn cảm hứng vô tận cho các sáng tác kinh điển như Romeo & Juliet, Vua Lia, Macbeth, v.v.
Kinh nghiệm từ người đi trước cho thấy, bất chấp sự xa cách về vật lý, các em hoàn toàn có thể tìm cho mình phương pháp học tập và nghiên cứu hiệu quả thông qua sự thích ứng nhanh nhạy với tình hình mới, tính chủ động trong việc tiếp cận các công cụ học tập và khai phá nguồn học liệu trực tuyến.
3. TẠO DẤU ẤN GENZ BẰNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Đại dịch mang đến thách thức lẫn cơ hội. Và đây là thời điểm chín muồi để các em, những cử nhân kỹ thuật Bách Khoa tương lai, vận dụng kiến thức khoa học và công nghệ để tìm kiếm các giải pháp cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời giảm thiểu tác động có hại đến môi trường.
Gần đây nhất, thành quả nghiên cứu của nhóm sinh viên liên ngành Máy tính – Cơ khí – Môi trường K2020 chương trình Chất lượng cao, máy đo thân nhiệt và rửa tay tự động tích hợp công nghệ IoT, đã được nhà trường đặt hàng tiếp tục hoàn thiện để sử dụng rộng rãi trong khuôn viên trường.
Sinh viên Bách Khoa còn tham gia cùng các thầy cô thiết kế, chế tạo, chuyển giao công nghệ và sản xuất nhiều loại sản phẩm thiết thực hỗ trợ phòng chống COVID-19 như: khẩu trang dùng siêu vật liệu graphene kết hợp nano bạc, có thể lọc 99% bụi mịn, kháng khuẩn và có thể tái sử dụng nhiều lần (Phòng Thí nghiệm trọng điểm ĐHQG-HCM công nghệ hóa học & dầu khí); buồng khử khuẩn di động sử dụng khí sạch (Trung tâm Nghiên cứu thiết bị & công nghệ cơ khí Bách Khoa); buồng lấy mẫu và khử khuẩn bề mặt di động, máy phun dịch sát khuẩn rửa tay không tiếp xúc, máy thở đơn giản (Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia điều khiển kỹ thuật số & kỹ thuật hệ thống); thiết bị mặt nạ dẫn khí (Trung tâm Nghiên cứu vật liệu polymer); bộ sản phẩm gel sát khuẩn, xịt sát khuẩn, nước rửa tay (Khoa Kỹ thuật Hóa học); hệ thống máy sản xuất thân khẩu trang y tế và hàn quai siêu âm đơn điểm (Khoa Cơ khí), v.v.
Với sự hướng dẫn từ các giảng viên Bách Khoa, thế hệ GenZ các em – bằng tài năng, sức trẻ và sự mềm dẻo – sẽ tạo nên dấu ấn tích cực cho thế giới sau cuộc khủng hoảng này.
Trong thời gian này, tôi muốn nhấn mạnh rằng sự an toàn của các em và những người thân yêu vẫn là quan trọng hàng đầu. Hãy duy trì trạng thái ở nhà an toàn và học tập hiệu quả tốt nhất có thể. Chúc các em tân sinh viên Bách Khoa sức khỏe, học tập hiệu quả và không ngừng vun đắp động lực khám phá tri thức như Isaac Newton đã từng.
Thân ái,
TS. ĐẶNG ĐĂNG TÙNG
Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế – Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM)