Chiều qua 18/12, Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa công bố dự thảo Quy chế Thi THPT Quốc gia và Quy chế Tuyển sinh năm 2015. Theo Bộ Giáo dục & Đào tạo, có 6 điểm mới về kỳ thi này, bao gồm: môn thi, thời gian thi, tổ chức thi, đề thi, chấm thi, sử dụng kết quả thi.
Chiều qua 18/12, Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa công bố dự thảo Quy chế Thi THPT Quốc gia và Quy chế Tuyển sinh năm 2015. Theo Bộ Giáo dục & Đào tạo, có 6 điểm mới về kỳ thi này, bao gồm: môn thi, thời gian thi, tổ chức thi, đề thi, chấm thi, sử dụng kết quả thi.
Kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng trong tuyển sinh.
Những vấn đề thí sinh quan tâm về kỳ thi THPT Quốc gia đã được Bộ Giáo dục – Đào tạo làm rõ.
1. Thời gian thi: chuyển sang tháng 7
Kỳ thi THPT Quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào các ngày từ 1 – 4/7/2015.
Theo Quyết định 3538/QĐ-BGDĐT trước đó thì kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được tổ chức vào các ngày 9 – 12/6/2015. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của đông đảo học sinh và các trường, Bộ quyết định dời kỳ thi THPT Quốc gia sang đầu tháng 7 (như thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đây) để học sinh cũng như phụ huynh ổn định tâm lý và có thêm thời gian ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Mặt khác cũng là để các Sở Giáo dục & Đào tạo không phải thay đổi kế hoạch năm học đã công bố từ đầu năm, trong đó có việc tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
2. Môn thi:8 môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn tối thiểu), gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn thi còn lại.
Riêng đối với môn Ngoại ngữ, thí sinh có các chứng chỉ quốc tế uy tín theo quy định tại Công văn số 6031 của Bộ Giáo dục & Đào tạo ngày 23/10/2014 sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Việc công nhận tốt nghiệp THPT căn cứ vào kết quả học tập lớp 12 và tổng điểm các môn thi (điểm mỗi môn thi phải lớn hơn mức tối thiểu theo quy định). Do vậy, phải quy đổi ra điểm đối với môn Ngoại ngữ của thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Cũng liên quan đến môn thi Ngoại ngữ, thí sinh phải có chứng chỉ tương đương với trình độ từ bậc 3 (khung 6 bậc dùng cho Việt Nam) trở lên mới được miễn thi. Trình độ này cao hơn nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ đối với học sinh hoàn thành chương trình THPT. Do đó, các thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ dự kiến sẽ được nhận điểm tối đa môn này khi xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Điểm quy đổi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; thí sinh muốn sử dụng kết quả môn Ngoại ngữ để xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ, sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh, phải dự thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia.
Ngoài ra, thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng, sẽ được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo quyết định và báo cáo Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Cũng theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo về kỳ thi THPT quốc gia thì thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài 4 môn thi tối thiểu, phải dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi do trường ĐH, CĐ quy định.
Với những thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước dự thi để được xét tuyển sinh ĐH, CĐ, phải thi đủ số môn theo yêu cầu tuyển vào ngành đào tạo do trường ĐH, CĐ quy định.
Việc dời kỳ thi THPT Quốc gia sang đầu tháng 7 giúp học sinh ổn định tâm lý và có thêm thời gian ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.
3. Thi theo cụm
Kế thừa những ưu điểm của việc tổ chức thi theo cụm trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” những năm qua, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được tổ chức theo cụm thi. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo quyết định cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ (gọi chung là tỉnh) và giao cho các trường ĐH chủ trì.
Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT. Cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh (cụm thi liên tỉnh).
Đối với những tỉnh có khó khăn, nếu Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh là giống nhau, theo đúng quy định của quy chế thi, cùng một quy trình và đều do trường ĐH chủ trì, nhằm đảm bảo công bằng, độ tin cậy của kết quả thi ở tất cả các cụm thi trên cả nước.
4. Đề thi theo hướng mở
Đề thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014; đề thi tiếp tục ra theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.
5. Thang điểm 20 thay vì 10
Ban Chấm thi thực hiện toàn bộ công việc chấm bài thi đáp ứng các yêu cầu và đảm bảo đúng thời gian quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường khá đa dạng như hiện nay, kết quả các môn thi phải có độ phân hóa cao. Vì vậy, Bộ Bộ Giáo dục & Đào tạo mở rộng thang điểm bài thi thành thang điểm 20. Việc mở rộng thang điểm sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh và thuận lợi cho công tác xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
6. Tối đa 16 nguyện vọng
Về việc công nhận tốt nghiệp THPT, các Sở Giáo dục & Đào tạo có nhiệm vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các thí sinh dự thi. Kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi với điểm trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp.
Theo dự thảo, mức điểm liệt cũng nâng lên từ thang điểm 1 năm trước lên điểm 2. Vì vậy việc tính điểm tốt nghiệp THPT, gồm 50% kết quả học lực lớp 12 và 50% điểm thi tốt nghiệp, cũng thay đổi. Cụ thể, năm ngoái kết quả tốt nghiệp THPT lấy tổng điểm 4 môn thi tốt nghiệp THPT cộng với kết quả trung bình học lực lớp 12 sau đó chia cho 4 thì năm nay sẽ chia 8.
Mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi (có mã vạch để nhận dạng từng đợt xét tuyển) và đóng dấu của trường ĐH chủ trì cụm thi. TS dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt (mỗi đợt trong thời gian 20 ngày). Mỗi đợt xét tuyển TS chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng nhưng có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành của một trường. Đồng nghĩa với việc, mỗi thí sinh có tối đa 16 nguyện vọng.
Không tăng lệ phí thi THPT quốc gia năm 2015 Trong kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trương duy trì ổn định các mức thu lệ phí như năm 2014, không tăng thêm như dự kiến trước đó. Theo đó, thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia lấy kết quả chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT không phải nộp lệ phí. Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia lấy kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ phải nộp lệ phí tuyển sinh tính theo số môn đăng ký dự thi, với mức thu ổn định như năm 2014. Trước đây, các tỉnh sử dụng ngân sách để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT; trong kỳ thi THPT Quốc gia tới đây, theo thống kê sơ bộ, bình quân cả nước chỉ có khoảng dưới 20% thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Do đó, phần kinh phí dành cho tổ chức thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ giảm hơn nhiều so với các năm trước. Bộ Giáo dục & Đào tạo đề nghị các tỉnh sử dụng nguồn ngân sách này cùng với làm tốt công tác xã hội hóa để tạo điều kiện đưa các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT đến các cụm thi dự thi một cách an toàn, thuận lợi. |
Tổng hợp từ Thanh Niên
Ảnh: internet