Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Cải tiến phương pháp giảng dạy

CẢI TIẾN PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY – CẦN TIẾP CẬN TỪ HỆ THỐNG

TS. Vũ Thế Dũng

Bài viết “Con cần một lời tiếp sức, thầy ơi…!” trên Tuổi Trẻ vừa qua thật xúc động và có nhiều ý nghĩa. Cả hai bức thư trong bài đều gửi cho những người Thầy với nhiều tâm sự và kỳ vọng. Quả thực, chất luợng dạy và học phục thuộc rất nhiều vào các thầy cô giáo – vào năng lực, vào lương tâm và trách nhiệm của mỗi người – điều này không có gì phải tranh luận. Đọc kỹ hai bức thư ta sẽ thấy chung một vấn đề: lương tâm của người thầy và sự bất lực của họ. Cả hai người thầy ở hai bức thư đều là những người có kiến thức về phương pháp giáo dục hiện đại, đều mong muốn áp dụng kiến thức đó cho học sinh mình, nhưng cả hai đều bất lực trước các lực cản của hệ thống và kỳ vọng của xã hội. Hệ thống đã được thiết kế để học thuộc lòng và đi thi lấy bằng cấp thì các thầy giáo dù đầy đủ lương tâm, trách nhiệm và kiến thức cũng không thể thay đổi. Và chúng ta cùng không nên duy lý khi đòi hỏi ở đội ngũ thầy giáo những điều ngoài tầm tay của họ.
Đối chiếu với thực tiễn hàng nghề giảng dạy của mình và các bạn đồng nghiệp mà tôi quan sát được, tôi cho rằng nỗ lực của các thầy cô dù rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định để thay đổi phương pháp giảng dạy – mà yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất nằm ở những cải tiến của hệ thống giáo dục. Những nỗ lực của từng thầy cô, dù rất đáng trân trọng, vẫn không thể tạo ra những thay đổi quan trọng về chất và lượng của toàn bộ nền giáo dục.
Thử mường tượng, công việc của một giảng viên đại học. Một học kỳ trung bình dạy 4 lớp, mỗi lớp từ 80-120 sinh viên. Bên cạnh đó là các công việc như: hướng dẫn 3-5 luận văn tốt nghiệp, các công việc hành chính, đoàn thể, và nghiên cứu khoa học. Chưa bàn đến các công việc khác, hãy nói về giảng dạy. Ở khoa tôi, hầu hết giảng viên đều tốt nghiệp sau đại học ở nước ngoài nên đều sử dụng tốt tiếng Anh và quen thuộc với các phương pháp giảng dạy hiện đại. Cũng tạm chưa bàn đến lương tâm (một phạm trù khó đo lường), thì hầu hết chúng tôi đều thích ứng dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại như tăng cường giao tiếp, sử dụng tình huống, cho sinh viên trình bày dự án trên lớp, làm các bài tập nhóm, thảo luận nhóm, trò chơi mô phỏng ra quyết định trên máy tính, đi thăm quan doanh nghiệp. Lý do đơn giản là vì yêu thích và tránh nhàm chán cho chính bản thân người dạy và học trò.
Nhưng điều gì hạn chế việc ứng dụng những phương pháp này. Đơn giản và cụ thể nhất là qui mô lớp học. Với 1 lớp học có 80-120 sinh viên, dù cố gắng đến mấy cũng không thể triển khai các phương pháp học hiện đại. Không thể có đủ thời gian để cho mỗi sinh viên trình bày (thậm chí không đủ thời gian cho mỗi nhóm sinh viên trình bày – vì quá nhiều nhóm), thảo luận trên lớp. Muốn cho sinh viên xem các CD cũng rất bất tiện vì không có trang thiết bị. Đưa các em đi đến doanh nghiệp thì không phải lúc nào cũng có kinh phí (dù cũng không nhiều, chỉ vài trăm ngàn để thuê xe Bus). Ngoài thi giữa kỳ, và cuối kỳ là bắt buộc, nếu muốn cho các em là bài tập nhỏ thì quả thực là nỗ lực vượt bậc về thời gian và công sức.
Thử làm 1 phép tính về thời gian, để có thể dành 5 phút/ tuần cho 1 sinh viên (tiếp hoặc chấm bài) thì cần: 4 (lớp) x 80 (sv/ lớp) x 5 (phút/ sv/ tuần) = 1600 phút/ tuần hay 3,5 ngày làm việc.
Đó là chưa tính thời gian lên lớp, soạn bài, nghiên cứu khoa học, các công việc hành chính, hướng dẫn luận văn…
Bên cạnh đó là hàng loạt các vấn đề khác mà các giảng viên phải đương đầu và uyển chuyển. Chẳng hạn, ai cũng biết, sinh viên phải đọc sách trước khi đến lớp. Nhưng yêu cầu mỗi em có một quyển sách chuyên môn của môn học mình và một vài tài liệu tham khảo không đơn giản vì không phải sinh viên nào cũng có đủ điều kiện kinh tế – mà thư viện thì không thể đáp ứng nhu cầu. Chính vì vậy, các giảng viên vẫn phải cố gắng dung hòa bằng cách tăng lượng thông tin trên lớp (thầy giảng) để đảm bảo kiến thức cho sinh viên.
Ở Mỹ tôi chứng kiến, rất nhiều giáo sư danh tiếng hàng đầu của một chuyên ngành bỏ ra mấy tiếng đồng hồ để giúp một sinh viên đại học bình thường giải đáp thắc mắc. Tất nhiên, họ là những giáo sư khả kính, nhưng bên cạnh đó họ có điều kiện để làm việc đó. Một học kỳ họ chỉ dạy 1-2 lớp, mỗi lớp thông thường có 30 sinh viên, sách và tài liệu hết sức đầy đủ. Phòng học trang bị tuyệt vời. Cháu tôi học lớp 1, một lớp chỉ có 9 học sinh nhưng có 2 giáo viên, phòng học trang bị nhiều đồ chơi, tivi, tủ lạnh, có phòng máy tính được cài đặt các phầm mềm học và chơi để các cháu phát triển kỹ năng. Một tháng đi tham quan bên ngoài 1-2 lần. Hàng ngày cô giáo gửi thư cho phụ huynh thông báo tình hình học tập và những điều cần quan tâm trong giáo dục trẻ…
Tất nhiên so sánh là vô cùng, nhưng cũng cần so sánh để thấy muốn thay đổi phương pháp dạy và học, đầu tiên phải cung cấp cho người thầy các điều kiện để triển khai các phương pháp đó. Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận và thực hiện ngay những thay đổi từ hệ thống (đầu tư cơ sở vật chất, phương pháp đánh giá, bố trí công việc và thời gian, thu nhập, thi cử) chứ không nên chỉ luẩn quẩn trong kêu gọi lương tâm của đội ngũ thầy giáo – vốn chưa bao giờ vơi chỉ đang chờ cơ hội để đóng góp tốt hơn.
Bài viết này này đã đăng trên Tuổi Trẻ, Ban biên tập đổi tên thành “Lực Bất Tòng Tâm”, chuyên mục giáo dục ngày thứ 6, 26/11/2004
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=57285&ChannelID=13

Bài trước

Bài tiếp