Cơ hội học tập và nghề nghiệp ngành Dầu khí (P1)
Tổng quan về ngành dầu khí Việt Nam
Nhìn tổng thể ngành dầu khí quốc gia Việt Nam hơn 30 năm xây dựng và phát triển, ngành dầu khí đã đạt được những thành tựu to lớn và đã đóng góp một phần rất quan trọng trong nền kinh tế chung của đất nước. Chúng ta đã xác định được tiềm năng dầu khí và trữ lượng thu hồi ban đầu của các bồn trầm tích trên lãnh thổ thềm lục địa Việt Nam. Hiện nay đã có nhiều mỏ đang khai thác và nhiều mỏ đã được phát hiện. Ngành công nghiệp dầu khí của chúng ta trưởng thành và có thể đảm đương toàn bộ các công tác của ngành từ thượng nguồn đến hạ nguồn và đặc biệt ngành lọc dầu đã được đưa vào hoạt động năm 2009.
Tổng sản lượng khai thác quy dầu năm 2009 đạt 24,31 triệu tấn; gia tăng trữ lượng đạt 84 triệu tấn quy dầu; có 9 phát hiện mới. Ngành Dầu khí Việt Nam đã vươn dần ra Thế giới với những Hợp đồng điều tra, thăm dò, Dầu khí ở Cu Ba, Peru, Venezuela, Nga, khu vực Trung Đông, khu vực Châu Phi với 15 hợp đồng dầu khí với các đối tác, đạt kỷ lục về số lượng hợp đồng dầu khí được ký kết. Tổng doanh thu trên 272 nghìn tỷ đồng, bằng 16,56% GDP của cả nước.
Theo báo cáo của chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc gia Việt nam – Phùng Đình Thực, nhu cầu nhân lực cao cấp được đào tạo bài bản, dài hạn là một trong 3 vấn đề chiến lược và quan trọng nhất của tập đoàn dầu khí Việt Nam trong những năm tới. Do vậy vấn đề phát triển song phải bền vững đang đặt ra nhiệm vụ mới cho ngành công nghiệp dầu khí và ngày càng đòi hỏi xây dựng đội ngũ chuyên gia Dầu khí của Việt Nam phải lớn về số lượng và mạnh về chất lượng.
Tổng quan về Khoa Kỹ thuật Địa chất & Dầu khí
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Tiền thân của Khoa Kỹ thuật Địa chất & Dầu khí hiện nay là Khoa Địa chất được thành lập năm 1978 với 02 bộ môn: Địa chất khoáng sản, Địa chất công trình và Địa chất thủy văn. Năm 1980, Bộ môn Kỹ thuật thăm dò được thành lập. Năm 1994, Khoa nhận thêm nhiệm vụ đào tạo kỹ sư dầu khí và đổi tên thành Khoa Địa chất và Dầu khí với 04 bộ môn: Địa chất Cơ sở và Môi trường, Địa Kỹ thuật, Địa chất Dầu khí, Công nghệ khoan và Khai thác Dầu khí. Từ năm 2004, khoa mang tên Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí với 04 bộ môn: Khoan và Khai thác Dầu khí, Địa chất Dầu khí, Địa môi trường, Địa Kỹ thuật.
Hiện tại với hơn 2500 kỹ sư tốt nghiệp từ khoa và trong số đó nhiều người đã và đang nắm những chức vụ kỹ thuật và đảm trách những công việc quan trọng trong các công ty dầu khí quốc gia và cả công ty dầu khí nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí tự hào và nhận thức được sứ mệnh quan trọng của mình trong phát triển giáo dục chất lượng cao gắn liền với sự phát triển ngành Dầu khí khu vực phía Nam Tổ Quốc.
Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí Trường Đại Học Bách Khoa Tp.HCM đã mở chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật dầu khí các cấp Đại học (quyết định năm 1991 – mã ngành 52.52.06.04) và Cao học (quyết định năm 2005 – mã ngành 60.52.06.04). Đặc biệt, đây là khoa duy nhất đào tạo sau đại học ngành kỹ thuật dầu khí ở phía Nam. Số lượng học viên Cao học ngày càng tăng đã chứng tỏ nhu cầu về sự phát triển đội ngũ chuyên gia Dầu khí và khả năng đáp ứng trong đào tạo Sau Đại Học ngành kỹ thuật dầu khí của khoa. Trong thời gian qua, Khoa, trường ĐHBK và Đại học quốc gia TPHCM cũng đã ký kết MoU với tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, liên doanh dầu khí VSP, viện dầu khí, các trường đại học tại Úc, Hàn Quốc trong việc hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học tại khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu Khí.
Khoa đã triển khai chương trình đào tạo liên kết với trường Đại học Adelaide trong chương trình đào tạo quốc tế (2+2,5) về Kỹ thuật dầu khí. Đây là chương trình đào tạo quốc tế kỹ sư dầu khí thành công và rất có uy tín của Đại Học Bách Khoa TPHCM.
TS. Tạ Quốc Dũng – phó khoa Kỹ Thuật Địa Chất Dầu khí – ĐH Bách khoa TPHCM
(Còn tiếp)