Lều chõng chọn học MBA thời khủng hoảng?
TS. Vũ Thế Dũng
MBA khắp mọi nơi… “thượng đế kêu trời…!”
Ngày nay khi khái niệm quản trị chuyên nghiệp đã trở nên quá sức phổ biến thì MBA (Bằng cao học về quản trị kinh doanh) cũng là một thứ trang sức danh giá cho các lao động trí thức đang mơ ước định vị bản thân trong vai trò nhà quản lý cao cấp. Ở Việt Nam, các chương trình đào tạo MBA đầu tiên đã được thành lập từ khoảng 1 thập niên trước. Dày dạn kinh nghiệm nhất có lẽ là chương trình MSM MBA của Đại học Bách Khoa Tp.HCM (liên kết giữa Khoa Quản Lý Công Nghiệp và Maastricht School of Management của Hà Lan) đến nay đã bước vào tuổi 12. Cho đến nay riêng ở TP.HCM đã có hơn chục chương trình liên kết quốc tế (một đối tác Việt Nam và một đối tác nước ngoài) đào tạo MBA tạo ra sự sôi động và đa dạng cho “sản phẩm này” nhưng cũng làm cho các “thượng đế” phải rối trí khi quyết định chọn chương trình nào để gửi tấm thân.
Hơn 10 chương trình đều là sự hợp tác giữa một cơ sở đào tạo trong nước và một trường nước ngoài. Hiện nay các trường quốc tế đến từ rất nhiều quốc gia như Thái Lan, Úc, Anh, Mỹ, Hà Lan, Pháp và Bỉ. Bằng cấp đa phần do trường nước ngoài cấp, một vài chương trình cấp bằng do hai bên đối tác cùng ký. Thời gian học cũng khá phân tán, giao động từ 1-3 năm, trung bình khoảng 18- 24 tháng. Giá cả cũng rất đa dạng, thấp nhất khoảng hơn 5,000USD và cao nhất khoảng 18,000 USD. Thời gian học chủ yếu là học các buổi tối và những ngày cuối tuần vì học viên đa số đang đi làm. Hầu hết các chương trình đều đào tạo toàn thời gian tại Việt Nam để tiết kiệm chi phí, có một số chương trình cho phép học giai đoạn 2 tại nước ngoài như chương trình MCI đào tạo Tư Vấn Quản Lý Quốc Tế (Thụy sĩ) của ĐH Bách Khoa Tp.HCM hay chương trình liên kết với Houston-Clear Lake, USA của ĐH Quốc Gia Tp.HCM.
Về chương trình đào tạo, nói chung chưa có nhiều sự khác biệt, hầu hết các chương trình đều thiên về đào tạo quản trị kinh doanh tổng quát, dù một vài chương trình có định hướng về Marketing, Tài Chính, hay Nhân Sự nhưng số lượng các môn học/ chuyên đề về các lĩnh vực chuyên sâu này không nhiều. Một vài chương trình lựa chọn các chuyên ngành sâu của quản trị kinh doanh đáng chú ý như Quản trị chiến lược (Strategic Management), Quản Lý Dự Án (Project Management), hay Quản Trị Tư Vấn Quốc Tế (Management Consulting International) của ĐH Bách Khoa Tp.HCM, Quản Lý Công Nghiệp của chương trình Việt Pháp, hệ thống thông tin của Việt Bỉ.
Ngôn ngữ giảng dạy chính của tất cả các chương trình là tiếng Anh, một vài chương trình có thể xen kẽ tiếng Việt hay tiếng Pháp. Điều kiện nhập học thường yêu cầu tốt nghiệp một bằng đại học (bất cứ ngành nào), có kinh nghiệm làm việc, khả năng tiếng Anh. Các ứng viên cũng có thể phải trải qua các bài test logic và phỏng vấn trực tiếp.
Chọn lựa MBA chất lượng cao
Làm thế nào để chọn được một chương trình MBA chất lượng cao để không phải ân hận? Có nhiều tiêu chí cần cân nhắc thật kỹ. Đầu tiên cần chú ý đến danh tiếng hay thứ hạng của các trường nước ngoài sẽ cấp bằng vì các trường nước ngoài có biên độ khá rộng về tiêu chuẩn chất lượng và quan điểm giảng dạy. Có một vài cơ sở để đánh giá một trường đại học quốc tế như thứ bậc của trường hay chương trình thuộc trường trong các bảng xếp hạng uy tín và các tổ chức kiểm định công nhận chương trình của các trường này. Cụ thể trong ngành quản trị kinh doanh có một số tổ chức kiểm định (accreditation) uy tín như AACSB, AMBA, ACBSP, IACBE, và FIBAA. Các trường hay chương trình quản trị kinh doanh được các tổ chức này kiểm định và công nhận là các trường uy tín, chất lượng đảm bảo. Bên cạnh uy tín của các trường quốc tế, uy tín của đối tác trong nước (liên kết) cũng hết sức quan trọng. Vì tất cả chương trình được vận hành tại Việt Nam, do đối tác Việt Nam chịu trách nhiệm, nên chất lượng phụ thuộc rất nhiều vào đối tác này. Các vấn đề cần xem xét: họ có kinh nghiệm tổ chức và phục vụ giảng dạy chất lượng cao? Cơ sở vật chất (phòng học, thư viện, thư viện online, các dịch vụ chức năng khác) có đảm bảo chất lượng quốc tế? Cũng cần cam kết của các chương trình này về đội ngũ giảng viên. Thông thường thì có 1 tỷ lệ nhất định giảng viên quốc tế và giảng viên trong nước. Điều này không đáng lo ngại. Nhưng cần biết rõ ai, giảng viên nào sẽ tham gia giảng dạy và uy tín học thuật của họ có đảm bảo không. Có rất nhiều chương trình được mở ra mà không chuẩn bị được đội ngũ giảng dạy nên rất bị động khi sắp xếp lịch học cho học viên. Bên cạnh giảng viên, một số chương trình như MSM hay MCI còn cung cấp các dịch vụ tutor trợ giảng. Đây là một dịch vụ giá trị gia tăng khá quan trọng khi giảng viên người nước ngoài sẽ về nước sau khi giảng dạy, các tutor sẽ giúp học viên giải đáp các thắc mắc liên quan đến bài giảng. Liên quan đến chất lượng giảng dạy, người học cũng cần chú ý đến nội dung các môn/ chuyên đề được giảng dạy. Nên đọc chi tiết các tóm tắt môn học (course description) và nếu được thì đọc cả nội dung chi tiết môn học (course syllabus). Đừng chỉ chú trọng vào số lượng (nhiều) và tên môn học vì những thứ này thường không thể hiện đúng bản chất chất một chương trình. Một điểm quan trọng nói lên chất lượng và uy tín của một chương trình MBA chính là đội ngũ những cựu học viên. Nếu đội ngũ này đến từ các doanh nghiệp lớn, tên tuổi, bản thân các cựu học viên là những nhân vật có uy tín trong xã hội thì đây chính là thước đo chất lượng quan trọng. Trước khi quyết định chọn học nên gọi điện hay nói chuyện với một vài cựu học viên để có những thông tin chi tiết hơn. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là chi phí. Có thể khẳng định rằng không thể có một chương trình MBA chất lượng cao giá rẻ. Tiền nào thì của nấy và MBA là một khoản đầu tư lớn nhưng nếu biết đầu tư đúng chỗ sẽ là một khoản đầu tư sáng giá cho tương lai.