Với mong muốn nâng cao năng suất cho bà con, anh nghiên cứu sinh – tiến sĩ cơ khí Phạm Hồng Thơm trở về chốn miệt vườn để nghiên cứu. Ít người tin được những chiếc máy to trông thô kệch, kềnh càng như vậy lại hoạt động rất hiệu quả và chính xác.
SÁNG TẠO BÁCH KHOA
Với mong muốn nâng cao năng suất cho bà con, anh nghiên cứu sinh – tiến sĩ cơ khí Phạm Hồng Thơm trở về chốn miệt vườn để nghiên cứu. Ít người tin được những chiếc máy to trông thô kệch, kềnh càng như vậy lại hoạt động rất hiệu quả và chính xác.
Sinh viên ngành Cơ – Điện tử ĐH Bách Khoa TP.HCM khóa 2004 hầu như đều biết “tiếng thơm” của anh chàng có cái tên thật mộc mạc, gần gũi: Phạm Hồng Thơm. Là sinh viên tỉnh lẻ nhưng Phạm Hồng Thơm luôn được biết đến với thành tích học vượt trội. Hơn thế nữa, sau khi kết thúc chương trình tại ĐH Bách Khoa TP.HCM, anh lọt vào “tầm ngắm” cho trao học bổng du học toàn phần chương trình Thạc sĩ ngành Thiết kế Cơ khí của Đại học Quốc gia Pukyon Hàn Quốc (Pukyon National University).
Trong suốt quá trình học ở đây, Nghiên cứu sinh (NCS) Phạm Hồng Thơm tiếp tục là tâm điểm chú ý khi các bài báo khoa học của anh xuất hiện trên các tạp chí nổi tiếng trong nước và nước ngoài bằng tiếng Anh (như: Sciencedirect.com – Mỹ, IEEE Transations on Reliability – Hiệp hội các nhà nghiên cứu thế giới đặt tại Mỹ,…). Anh lại càng gây ngạc nhiên với cả những SV quốc tế khác khi tốt nghiệp chương trình với điểm số tuyệt đối 100/100. Từ đó, cái tên Phạm Hồng Thơm – Việt Nam ngày càng có nhiều dấu ấn với các Nghiên cứu sinh – Tiến sĩ nước ngoài.
Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục được ĐH Pukyon cấp học bổng toàn phần chương trình Tiến sĩ ngành Thiết kế Cơ khí. Anh đã vừa hoàn thành chương trình học vào tháng 2/2014 và đang tiếp tục đồ án tốt nghiệp
Muốn có cơ hội ứng dụng những gì đã học, anh Thơm, bằng số vốn ít ỏi, tự mình thành lập Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí và Tự động Tân Phước Đông. “Ông chủ” trẻ này đã cho ra đời nhiều sản phẩm hữu ích cho bà con nông dân. Xưởng của anh ngày càng thu hút nhiều kỹ sư trẻ, nhiệt huyết đến “đầu quân”, học hỏi.
>> Thủ khoa hai đại học: Ngày ấy, bây giờ
Anh Phạm Hồng Thơm bên cạnh máy cưa dĩa do anh sáng chế
Qua làm việc, nghiên cứu, anh đúc kết cho mình một bài học: ngành cơ khí cần phải gắn với ngành điện tử mới tạo ra bước đột phá trong việc tự động hóa các thiết bị, máy móc và dây chuyền sản xuất nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm cũng như bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất nói chung. Vì thế, những sản phẩm của anh luôn có hàm lượng “chất xám” cao để đảm bảo tất cả những yếu tố đó.
Cũng để nhân rộng các thành quả nghiên cứu của mình, anh đã mạnh dạn đầu tư hẳn một trại thực nghiệm cưa xẻ gỗ tại quê nhà. Các sản phẩm của anh được nhiều người biết đến và đánh giá cao như máy cưa CD tự động, thiết bị hẹn giờ cho quạt ôxy, máy mài lưỡi cưa, máy mở lưỡi cưa tự động, máy cân bằng động…
>> Bỏ du học làm chuyện “điên rồ”
Tất cả chúng đều có những tính năng vượt trội so với phương pháp thủ công, đồng thời chi phí cho chúng đều “mềm” hơn các sản phẩm cùng loại từ nước ngoài. Đặc biệt trong số đó, thiết bị hẹn giờ quạt oxy đã giành được giải Khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ X (2012 – 2013).
Từ đó, những sản phẩm của anh kỹ sư 8x luôn được biết đến với năng suất và độ chính xác khá cao, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Cho nên, những sản phẩm của anh ngày càng thu hút nhiều bà con nông dân sử dụng và những hợp đồng mua bán lớn cũng đã được vị “giám đốc” trẻ ký kết. Tin rằng trong tương lai không xa, công ty của cựu SV Bách khoa sẽ vươn ra không chỉ gói gọn trong nước mà còn đến tầm thế giới.
Hiện nay, ở bậc đại học (ĐH), Văn phòng Đào tạo Quốc tế – ĐH Bách Khoa TP.HCM (OISP) đang có chương trình Liên kết Quốc tế và chương trình Tiên tiến hợp tác với các trường ĐH danh tiếng của Úc, Mỹ, Nhật như ĐH Queensland, ĐH Griffith, ĐH Adelaide, ĐH Công nghệ Sydney, ĐH Latrobe, ĐH Illinois of Springfield, ĐH Illinois at Urbana Champaign, ĐH Massachusetts, ĐH Nagaoka, ĐH Kanazawa về đào tạo các ngành: Dầu khí, Công nghệ Hóa, Hóa Dược, Môi trường, Xây dựng, Điện – Điện tử, Cơ – Điện tử, Công nghệ Thông tin, Quản trị Kinh doanh.
Mô hình đào tạo của OISP là 2+2 (còn gọi là chương trình Liên kết Quốc tế, sinh viên hoàn tất 2 năm tại ĐH Bách Khoa TP.HCM và 2 năm tại Mỹ hoặc Úc), 2,5+2 (còn gọi là chương trình Nagaoka và Kanazawa, sinh viên hoàn tất 2,5 năm tại ĐH Bách Khoa TP.HCM và 2 năm tại Nhật) và 4+0 (còn gọi là chương trình Tiên tiến, sinh viên học 4 năm tại ĐH Bách Khoa TP.HCM với giáo trình mẫu từ ĐH Illinois at Urbana Champaign, Mỹ). Nội dung chương trình học tại Việt Nam hoàn toàn bằng tiếng Anh (trừ chương trình Nagaoka và Kazazawa có tăng cường tiếng Nhật). Bằng cấp do ĐH đối tác cấp được công nhận trên toàn thế giới. OISP cam kết hỗ trợ sinh viên hoàn tất thủ tục chuyển tiếp sang các trường đối tác, bao gồm: làm các thủ tục nhập học và chuyển tiếp sang trường đối tác; tư vấn thủ tục chứng minh tài chính và xin visa; hỗ trợ đăng ký ký túc xá, tìm nhà ở cho sinh viên. Hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển khóa 2014: trước ngày 16/8. Học sinh và phụ huynh quan tâm vui lòng truy cập vào đây để biết thông tin chi tiết. |
Nguồn: baoapbac.vn – Tổng hợp: THANH PHONG