Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Cho em hỏi

Dạy học trò cách trả lời, cách giải bài toán quan trọng, nhưng dạy cách hình thành câu hỏi, có khi còn khó hơn và quan trọng hơn. Để có câu hỏi là phải đọc, quan sát, so sánh, thắc mắc, tò mò, khát khao hiểu biết. Và quan trọng hơn phải có tư duy độc lập và tự do.

Cho em hoi

 

1.

Hôm bữa, ngồi trong phòng, nghe thoảng ngoài phòng khách, cô nhân viên nói chuyện với một bạn sinh viên nữ.

Nhân viên: “Sao em không tự hỏi chị bây giờ, mà lại phải nhờ mẹ em hỏi? Toàn nhờ mẹ hỏi, sau này em đi du học một mình thì làm sao tự lo cuộc sống?”

Sinh viên: (im lặng)

2.

Đi dạy, mấy năm gần đây mình hay dành khoảng 20 phút mỗi buổi để sinh viên/ học viên có thể đặt bất cứ câu hỏi nào liên quan đến môn học, đến quản trị, đến marketing. Tuy nhiên thường thì rất ít câu hỏi.

Khi giảng một vấn đề, mình thường hỏi: “Các em có hỏi gì không?” Cũng rất ít khi có câu hỏi.

3.

Thỉnh thoảng vô lớp hay hỏi: “Thấy Lý Nhã Kỳ thế nào?” (*)

Rồi tiếp: “Nghĩ thế nào về việc Lý Nhã Kỳ mua cái váy của Channel giá hơn 2 tỉ bạc?” (theo thông tin báo chí)

Người thì bảo đẹp, người thì khen giỏi, người thì nói chảnh chọe gì gì đó, người thì bảo phung phí, đắt chỉ vì muốn thể hiện, thương hiệu thôi… Nói chung khen chê đủ cả.

Rồi cả lớp hỏi mình: “Thầy nghĩ gì?”

Mình chỉ nói: “Tại sao Channel lại bán được cái áo giá 2 tỉ đó. Còn mình (doanh nghiệp Việt Nam) bán cái áo giá 500 ngàn đồng mãi không xong?”

Trả lời được câu đó thì ra đời kinh doanh được rồi. Còn cứ ganh tị, sân si, chê bai người ta phung phí, chảnh chọe gì đó, mình có tiến thêm được bước nào trong nhận thức?

4.

Dạy học trò cách trả lời, cách giải bài toán quan trọng, nhưng dạy cách hình thành câu hỏi, có khi còn khó hơn và quan trọng hơn. Để có câu hỏi là phải đọc, quan sát, so sánh, thắc mắc, tò mò, khát khao hiểu biết. Và quan trọng hơn phải có tư duy độc lập và tự do.

Bạn sinh viên ở mẩu chuyện (1) không thể đặt câu hỏi vì từ trước đến giờ mẹ hỏi, mẹ trả lời, mẹ lo, em chỉ phụ thuộc. Em hãy nói: “Mẹ, con muốn hỏi, những câu hỏi của con, dù ngây ngô, nhưng nó là của con, một người độc lập, một người trưởng thành.”

Câu hỏi có ở mọi nơi, những câu hỏi tưởng như ngây ngô nhất, có khi lại quan trọng nhất. Như Newton hỏi: “Tại sao trái táo lại rơi xuống đất?”.

Hãy thách thức các giả định, các lối mòn, các trật tự. Hãy đặt câu hỏi!

Nhưng mà hỏi ai? Hỏi cha mẹ, hỏi bạn bè, hỏi thầy cô, hỏi sách vở, hỏi Google, hỏi lịch sử, hỏi cộng đồng. Nhưng quan trọng nhất: hỏi chính mình, vì cuối cùng mình chịu trách nhiệm cuối cùng với chính mình, với các câu hỏi của mình.

Câu hỏi càng phức tạp, càng thách thức, càng cao đẹp, càng rộng rãi (về không gian và thời gian), càng vị tha thì cuộc đời của mình càng nhiều trải nghiệm phong phú, càng đáng sống, càng rộng, càng thành công, và càng hạnh phúc.

Hỏi, có thể chưa có ngay câu trả lời, nhưng hãy giữ nó bên mình, thao thức với nó và tiếp tục hỏi.

Cũng đừng vội tin ngay vào một đáp án nào đó, của ai đó. Hãy biết hoài nghi khoa học, để tìm hiểu, để đối sánh, để khách quan. Cứ như thế, một ngày câu trả lời sẽ đến. Khi nó đến, mọi thứ sẽ sáng bừng!

5.

Vài câu hỏi nhé!

Tại sao trẻ con lại ăn gà rán, hambuger giá mấy chục ngàn của KFC, McDonald, Lotteria? Trong khi gói xôi gà, xôi mặn, bánh mì thịt bán 10-15 ngàn mà còn khó bán?

Tại sao các sạp trái cây ở chợ Bến Thành mấy chục năm vẫn bán trái cây không thương hiệu, không đảm bảo chất lượng? Trong khi trái cây Mỹ, Úc tràn ngập thị trường, với giá rất cao và càng ngày càng chiếm thị trường? ·

Tại sao chợ hoa Tết vẫn như thế sau bao năm, và người nông dân vẫn đánh đu với các rủi ro của thời tiết và phân phối? Tại sao cho đến bây giờ vẫn không có một hệ thống phân phối hoa hiệu quả, vẫn không có nhiều các thương hiệu hoa cho người yêu hoa?

Tại sao tất cả các thiết bị tập thể hình, từ cái xà, ván tập bụng, cục tạ, cho đến máy chạy bộ của Caliwow đều nhập từ nước ngoài? Khó thế à?

Cho em hỏi: Tại sao? Tại sao? và Tại sao?

(*) Xin lỗi nữ diễn viên vì lấy tên bạn sử dụng trong bài viết.

TS. VŨ THẾ DŨNG – phó hiệu trưởng ĐH Bách Khoa – Ảnh: CNN

Bài trước

Bài tiếp