Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Để có một làng đại học đẳng cấp quốc tế

Việt Nam đang hình thành nhiều “làng đại học” hay “khu đô thị đại học” để phát triển tập trung theo mô hình chung của thế giới. Mô hình này chỉ được phát huy hiệu quả trên tiền đề thay đổi tư duy triết lý giáo dục chứ không phải bề ngoài hào nhoáng của các công trình kiến trúc.

Việt Nam đang hình thành nhiều “làng đại học” hay “khu đô thị đại học” để phát triển tập trung theo mô hình chung của thế giới. Mô hình này chỉ được phát huy hiệu quả trên tiền đề thay đổi tư duy triết lý giáo dục chứ không phải bề ngoài hào nhoáng của các công trình kiến trúc.

Do thi DH dung nghia 02

Khu Đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM. – Ảnh: VNU-HCM

Giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam (VN) đang hội nhập sâu với thế giới nhưng vẫn đứng trước nhiều câu hỏi, từ hình thức tuyển sinh, chất lượng giảng dạy, chất lượng đầu ra, và cả vấn đề quy hoạch các trường ĐH tập trung để phát huy được hết giá trị cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu đào tạo… Trong đó, cụm từ “làng ĐH” hay “khu đô thị ĐH” đã được hình thành, thảo luận và triển khai tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn diễn ra không như mong muốn, việc đổi mới giáo dục ĐH và cơ sở giảng dạy chuyển biến rất chậm.

Từng là thành viên nhóm thiết kế tổng mặt bằng quy hoạch kiến trúc cho một số ĐH Mỹ và là thành viên Hội đồng Tư vấn ĐH Hoa Sen và dự án ĐH Trí Việt, Tiến sĩ khoa học – kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (cha của ông là cố kiến trúc sư Ngô Viết Thụ danh tiếng – tác giả nhiều công trình có giá trị như Làng ĐH Thủ Đức, Dinh Độc Lập, Viện ĐH Huế, Viện Nguyên tử Đà Lạt…) chia sẻ những giải pháp cho việc tổ chức quy hoạch kiến trúc cho các làng ĐH tương lai tại VN.

* Xây dựng làng ĐH đẳng cấp quốc tế có vẻ không chỉ là vấn đề của kiến trúc mà còn liên quan đến công cuộc xây dựng, phát triển và nâng tầm giáo dục ĐH. Ông có ý kiến gì về cách đặt vấn đề này?

– Thực ra, những ĐH hàng đầu như Harvard và Berkeley đều chưa bao giờ tự xưng là những làng ĐH đẳng cấp quốc tế. Do vậy, nếu chúng ta làm đúng theo tiêu chí cần có của một làng ĐH “tử tế” và “đúng nghĩa”, thì bản thân nó đã được coi là có “đẳng cấp quốc tế” rồi. Mô hình này chỉ được phát huy hiệu quả trên tiền đề thay đổi tư duy triết lý giáo dục phù hợp hơn và mang tính hội nhập quốc tế nhiều hơn so với hiện nay. Cụ thể là cần thay đổi phương pháp giáo dục nghiên cứu và giảng dạy từ hình thức đơn ngành và nặng về tư duy chuyên sâu (mô hình cổ điển) sang hình thức đa ngành và thiên về tư duy toàn diện trên cơ sở các phương pháp luận khoa học (mô hình tiên tiến). Trong đó:

Thứ nhất, ta nên bỏ hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển vào ĐH, thay bằng một kỳ thi trắc nghiệm duy nhất (giống như kỳ thi đánh giá ở Mỹ SAT hoặc GRE), trong đó các câu hỏi phải là bao gồm tất cả các môn học chính của cả bốn khối, nhằm đánh giá khả năng tư duy về nhiều mặt của thí sinh hơn là kỹ năng giải đáp các môn học chủ đạo.

Thứ hai, luận văn tốt nghiệp cấp thạc sĩ và tiến sĩ buộc phải có ít nhất một giảng viên hướng dẫn chính của chuyên ngành chính, và hai giảng viên hướng dẫn phụ từ chuyên ngành khác với chuyên ngành chính của thí sinh. Điều này buộc nghiên cứu sinh phải có cái nhìn tổng thể và bao quát đa ngành hơn về chuyên ngành của mình khi phân tích tổng hợp các vấn đề.

Thứ ba, coi trọng việc giảng dạy phương pháp luận, phân tích tổng hợp, nâng cao dần từ trình độ cử nhân trở lên. Giảng viên chỉ hướng dẫn sinh viên (SV) cách hợp tác nhóm và tự tìm tòi nghiên cứu từ thư viện, giải đáp các câu hỏi, và hỗ trợ SV khi cần thiết, chứ không tập trung giảng dạy kiến thức trên lớp như cách làm ở trường phổ thông.

Đó là những tiền đề quan trọng, để các nhà quản lý giáo dục nhìn thấy được vai trò cấp thiết của việc tổ chức xây dựng mô hình làng ĐH trong quá trình nâng tiêu chuẩn ĐH VN lên tầm quốc tế, mà trong đó các thư viện, các phòng lab, và các khu vực giao lưu sinh hoạt và hợp tác nghiên cứu chung cho tất cả các phân khoa, chứ không phải các lớp học hay văn phòng điều hành, mới là trái tim của làng ĐH.

* Trong buổi nói chuyện gần đây, ông cũng bộc bạch thực trạng Việt Nam vẫn chưa có ĐH nào đủ cơ sở vật chất ở tầm quốc tế. Theo ông, đâu là nguyên nhân? Khó khăn lớn nhất mà chúng ta sẽ phải đối mặt, tập trung giải quyết khi thực hiện mục tiêu đó là gì?

– Theo tôi có ba khó khăn lớn nhất làm cho chương trình phát triển các ĐH quốc gia tại VN, dù có một số tiến bộ nhất định, đến nay vẫn chưa tạo lập được một làng ĐH đúng nghĩa, cho dù ở quy mô nhỏ.

Thứ nhất, ngân sách cho đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu còn rất hạn chế, do đó không những cơ sở vật chất cho giảng dạy nghiên cứu còn thiếu thốn nhiều, mà lương của giảng viên vẫn không đủ sống để họ chuyên tâm vào công tác giáo dục và nghiên cứu. SV nghèo chưa được hỗ trợ đúng mức.

Thứ hai, là các nhà quản lý của các trường ĐH thành viên vẫn nặng tư duy cá nhân, mỗi trường chiếm lãnh địa và quyền lực riêng của mình, chứ chưa hoạt động phối hợp với nhau trong làng ĐH như một thực thể duy nhất hỗ trợ lẫn nhau về mọi mặt, bao gồm quản lý, và liên thông các hoạt động nghiên cứu giảng dạy với nhau.

Thứ ba, các nhà quản lý có phần lúng túng vì cho đến nay chưa có làng ĐH nào kiến tạo được, hoặc ít nhất là lập được một kế hoạch khả thi, cho việc phối hợp tốt với khu vực xung quanh, nhất là về mặt chức năng sử dụng và kết nối, để từng bước tạo nên khung sườn cho việc phát triển toàn cục, trở thành một khu đô thị ĐH trong tương lai.

* Để đưa ra một lời giải hoàn chỉnh cho khúc mắc ấy, cần phải có những điều kiện gì? Mô hình làng ĐH ở Việt Nam như thế nào là phù hợp với xu thế thế giới và điều kiện nước ta?

– VN nên xây dựng ít nhất ba ĐH quốc gia tại ba làng ĐH chính của các vùng đô thị quan trọng ở miền Bắc, Trung và Nam. Cụ thể là tại Hà Nội, TP.HCM, và Huế hoặc Đà Nẵng. Trong đó các trường thành viên phải được quản lý và tổ chức như một thể thống nhất, phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu của toàn bộ giảng viên và SV chứ không chỉ cho SV của trường thành viên.

Trên thế giới, làng ĐH có thể theo mô hình tập trung trên một khu đất lớn vài trăm ha ở ngoại ô (như ĐH Berkeley và British Columbia), hoặc theo mô hình các khu phố trong trung tâm đô thị (như Harvard và Columbia), hoặc phối hợp cả hai loại hình trên (ĐH Quốc gia Úc ở Canberra và ĐH Washington). Mô hình quy hoạch trong trung tâm đô thị như Harvard thường không phù hợp ở VN vì giá đất và mật độ dân số khu trung tâm thường rất cao, do đó không chỉ làm tăng đáng kể chi phí giáo dục và tăng khó khăn về quản lý, mà còn làm tăng ô nhiễm và ách tắc giao thông đô thị. 

Do thi DH dung nghia 03

Làng ĐH Berkeley. – Ảnh: PHILIP GREENSPUN

Các ĐH quốc gia này cũng cần phải được kết nối với một cơ sở phụ dùng chung cho các trường thành viên tại khu trung tâm Hà Nội, TP.HCM, Huế hoặc Đà Nẵng bằng hệ thống giao thông công cộng thuận tiện (metro hoặc xe buýt nhanh), nhằm tạo điều kiện thuận lợi về nghiên cứu, giao lưu quốc gia và quốc tế, và thực hành cho giảng viên và SV.

* Do mô hình làng ĐH khá mới mẻ với Việt Nam, có vẻ Trung tâm Quản lý & phát triển Khu đô thị ĐHQG TP.HCM vẫn vừa làm, vừa học, vừa điêu chỉnh cho phù hợp thực tiễn… Ông có tin tưởng mô hình này?

– Theo tôi quan sát thực địa, ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn đang được quản lý và vận hành như một tổ hợp gồm nhiều trường thành viên hoạt động riêng rẽ (không thực sự hợp tác về giảng dạy và nghiên cứu một cách hiệu quả, theo đúng nghĩa của một làng ĐH) và phân tán (phần thì ở Thủ Đức, phần thì rải rác ở TP.HCM). Thậm chí nhiều trường thành viên tại làng ĐH Thủ Đức còn xây dựng hàng rào kiên cố và cổng vào riêng khá hoành tráng. Phần ranh giới với khu dân cư xung quanh đang phát triển tự phát, không an ninh. Quy hoạch kiến trúc hiện nay không tạo được bản sắc riêng, và không có hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại rõ ràng và thuận tiện. Có thể nói chúng ta còn rất nhiều việc phải làm trước mắt, để xây dựng một làng ĐH thực sự đúng nghĩa tại đây.

Qua trao đổi với nhiều chuyên gia quốc tế, việc xây dựng một làng ĐH quốc gia với kinh phí khiêm tốn hoàn toàn khả thi tại Việt Nam, miễn chúng ta biết ưu tiên tài lực và nhân lực cho các vấn đề cốt lõi. Nên ưu tiên kinh phí xây dựng hệ thống thư viện và phòng lab (vi tính, thí nghiệm khoa học, học sinh ngữ theo phương pháp nghe nhìn…) và hệ thống thông tin mạng với trang bị hiện đại. Bởi chính chất lượng của hệ thống cung cấp thông tin cho nghiên cứu và các phương tiện hiện đại để bảo quản tư liệu và truy cập hữu hiệu, chứ không phải bề ngoài hào nhoáng của các công trình kiến trúc, mới là nhân tố chính, thúc đẩy một làng ĐH phát triển lên tầm quốc tế.

Do đi sau, VN lại có những lợi thế đặc biệt trong việc quy hoạch làng ĐH, như có thể hoạch định các chiến lược và chiến thuật phát triển những làng ĐH trong tương lai theo các tiêu chí kiến trúc xanh và bền vững, tiết kiệm năng lượng, mà cả thế giới đang hướng tới.

TRUNG DŨNG (Người Đô Thị)

Bài trước

Bài tiếp