Từ năm 2005, Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã xác định mục tiêu đạt các chuẩn kiểm định đào tạo quốc tế nhằm nâng cao vị thế chất lượng của trường trong khu vực và thế giới.
Từ năm 2005, Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã xác định mục tiêu đạt các chuẩn kiểm định đào tạo quốc tế nhằm nâng cao vị thế chất lượng của trường trong khu vực và thế giới.
Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu tại Việt Nam. – Ảnh: VŨ AN NINH
CHẤT LƯỢNG – NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ
Ở ĐH Bách Khoa, chất lượng là tôn chỉ và được truyền tải vào từng hành động cụ thể. Cụ thể trong hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của từng sinh viên, thầy cô giáo, công nhân viên của trường. Hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ của trường liên tục thúc đẩy văn hóa chất lượng, thu thập minh chứng, số liệu, để đo lường, cải tiến và nâng cao chất lượng.
Để đảm bảo các tuyên bố chất lượng của mình được khách quan, các kiểm định chất lượng do các tổ chức kiểm định uy tín trong và ngoài nước được thực hiện. Trong nước, nhà trường được kiểm định, đánh giá bởi Bộ Giáo dục & Đào tạo từ 2005 và tiếp tục vào 2016.
CÁC KIỂM ĐỊNH QUỐC TẾ
Để có thể khẳng định vị thế và hội nhập với thế giới, ĐH Bách Khoa đã xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng để hướng đến các kiểm định khu vực và thế giới.
Từ 2009 đến nay, ĐH Bách Khoa đã triển khai và đạt nhiều thành tựu cụ thể: AUN-QA (bộ tiêu chuẩn của Hiệp hội các trường ĐH Đông Nam Á), EUR-ACE (CTI-ENAEE) (chuẩn kiểm định kỹ sư Pháp và châu Âu), FIBAA (chuẩn kiểm định châu Âu dành cho các chương trình đào tạo quản trị), ACBSP (Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo kinh doanh của Mỹ)…
Đặc biệt, thành tựu lớn nhất mà trường đạt được là chuẩn kiểm định ABET (Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ – tổ chức uy tín hàng đầu nước Mỹ), được chính thức công nhận vào năm 2014. ĐH Bách Khoa là trường đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này tại VN có chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định ABET.
Sinh viên tốt nghiệp từ chương trình đào tạo đạt chuẩn ABET không những gia tăng cơ hội việc làm (nhiều công ty nêu rõ ưu tiên tuyển dụng người lao động tốt nghiệp từ các chương trình đã được kiểm định bởi ABET) mà còn được ưu đãi khi làm việc cho các công ty của Mỹ, hoặc khi thi các chứng chỉ nghề nghiệp của Mỹ.
TS. Vũ Thế Dũng, phó hiệu trưởng ĐH Bách Khoa, cho biết: “Ban kiểm định của ABET thậm chí xem xét lại các bài thi cũ của sinh viên và yêu cầu chứng minh rằng nội dung đề thi đánh giá toàn diện khả năng của sinh viên đối với các mục tiêu mà môn học cần đạt được”. Xa hơn, ABET còn thẩm định kết quả làm việc mà sinh viên của trường đạt được sau năm năm tốt nghiệp.
Các chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế của ĐH Bách Khoa. – Đồ họa: NGÂN PHẠM
KIỂM ĐỊNH QUỐC TẾ – CÁNH CỬA HỘI NHẬP
Song song với nâng cao chất lượng và kiểm định quốc tế, các hoạt động đào tạo của ĐH Bách Khoa cũng được quốc tế hóa mạnh mẽ.
Từ 1994 đến nay, trường đã có hơn 20 chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh ở bậc ĐH và sau ĐH. Các chương trình này được các trường ĐH đối tác uy tín ở Mỹ (University of Illinois, Rutgers University), Úc (The University of Queensland, The University of Adelaide), Nhật (Nagaoka University of Technology, Kanazawa University), châu Âu (Maastricht School of Management, University of Applied Sciences Northwestern Switzerland), công nhận tương đương và chấp nhận chuyển tiếp sinh viên.
Nhờ vậy, trong hơn 20 năm qua, hàng ngàn sinh viên ĐH Bách Khoa và các trường ĐH đối tác đã chuyển tiếp qua lại lẫn nhau để học tập và nhận bằng.
Có thể thấy rất rõ rằng, việc nâng cao chất lượng, chấp nhận luật chơi quốc tế của các tổ chức kiểm định uy tín, đã mở ra cánh cửa hội nhập quốc tế sâu rộng cho Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Các tân kỹ sư của trường hiện nay không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn giỏi tiếng Anh, vững kỹ năng và tự tin hội nhập.
CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ĐẠT CHUẨN KIỂM ĐỊNH QUỐC TẾ CỦA TRƯỜNG ĐH BÁCH KHOA
● ABET: Khoa học Máy tính, Kỹ thuật Máy tính (Khoa Điện – Điện tử, Khoa Cơ khí của trường cũng đang xây dựng lộ trình từ nay đến năm 2019 sẽ đạt kiểm định ABET) ● AUN-QA: Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông, Kỹ thuật Chế tạo, Kỹ thuật Xây dựng Dân dụng & Công nghiệp, Kỹ thuật Hóa học, Kỹ thuật Điều khiển & Tự động hóa, Quản lý Công nghiệp, Cơ Kỹ thuật, Kỹ thuật Điện – Điện tử (Chương trình Tiên tiến), Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp (riêng Khoa Điện – Điện tử có ba chương trình thì cả ba đều đạt kiểm định) ● EUR-ACE (CTI-ENAEE): Cơ Điện tử, Kỹ thuật Hàng không, Vật liệu Tiên tiến, Polime-Composite, Viễn thông, Hệ thống Năng lượng, Xây dựng Dân dụng & Hiệu quả Năng lượng (tất cả đều thuộc Chương trình PFIEV) ● FIBAA (chuẩn kiểm định châu Âu dành cho các chương trình đào tạo quản trị): chương trình EMBA-MCI ● ACBSP (chuẩn kiểm định Mỹ dành cho các trường và chương trình đào tạo quản trị): chương trình MSM Xem chi tiết kết quả kiểm định của ĐH Bách Khoa tại đây. |
TS. Vũ Thế Dũng – phó hiệu trưởng ĐH Bách Khoa, nói về những thành quả kiểm định chất lượng quốc tế mà Trường đã đạt được, đồng thời chỉ ra vai trò và lợi ích của kiểm định chất lượng quốc tế đối với các bên liên quan. – Thực hiện: VŨ AN NINH
Phó hiệu trưởng Vũ Thế Dũng bàn về tính khách quan và đa chiều của chất lượng. – Thực hiện: VŨ AN NINH
THI CA