Bạn đang bơi giữa một biển kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) và chưa biết bắt đầu từ đâu? Vậy cùng xem qua ba bước bên dưới để tìm ra lối ôn tập hiệu quả và phù hợp với bản thân trong 4 tuần sắp tới nhen.
Bên cạnh đó, đề thi thử ĐGNL do giảng viên Trường ĐH Bách khoa và ĐHQG-HCM biên soạn sắp lên sóng. Các thí sinh theo dõi website để sớm thử sức với đề thi và trải nghiệm ngân hàng câu hỏi phong phú.
Bài viết liên quan:
▶ Năm 2022, ĐHQG-HCM sẽ tổ chức 2 đợt thi ĐGNL
BƯỚC 1: HIỂU RÕ ƯU – KHUYẾT CỦA BẢN THÂN
Một trong những điều quan trọng nhất khi xây dựng lộ trình ôn thi là xác định bản thân mạnh và yếu ở môn học nào, từ đó phân bổ thời gian ôn tập hợp lý.
Đối với những môn thế mạnh, bạn cần làm bài thật cẩn thận để giành điểm tối đa. Đối với các môn chưa giỏi, bạn hãy đọc kỹ sách giáo khoa lớp 10, 11, 12 nhằm củng cố kiến thức nền tảng.
Ngoài ra, dựa vào đó, thí sinh có thể cân nhắc thứ tự ưu tiên lúc làm bài thi, ví dụ tập trung vào những phần mình nắm chắc trước và hoàn thành các phần còn lại sau.
BƯỚC 2: LẬP KẾ HOẠCH ÔN TẬP
Bạn cần phân bổ thời gian hợp lý để ôn tập cho cả kỳ thi THPT và ĐGNL, tránh bị quá tải hoặc thiếu sót. Đối với các môn trong khối thi THPT của bạn, bạn có thể rút ngắn thời gian trong lộ trình ôn thi ĐGNL vì đây là những môn bản thân đã tập trung học suốt thời gian qua.
Bên cạnh đó, bạn nên liệt kê các khối kiến thức cần ôn tập của từng môn trước để dự đoán thời gian ôn thi. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:
Phần 1: Sử dụng ngôn ngữ
- Tiếng Việt: Ôn tập kiến thức ngữ pháp tiếng Việt cơ bản trong sách giáo khoa cấp 2, cấp 3. Tìm hiểu những kiến thức rộng hơn như chính tả, từ Hán Việt, thành ngữ, tục ngữ… Đọc lại các tác phẩm văn học để nắm chắc thể loại, nội dung, ý nghĩa, thông tin tác giả… Ôn lại cách làm các bài đọc.
- Tiếng Anh: Hệ thống lại ngữ pháp, trau dồi từ vựng, luyện các bài đọc. Nếu tiếng Anh là môn trong tổ hợp thi THPT, bạn có thể kết hợp ôn tập cho cả hai kỳ thi.
Phần 2: Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu
Đối với môn Toán, hãy ôn các phần tương tự kỳ thi THPT, coi lại kiến thức lớp 10, 11. Ngoài ra, tập làm quen với các dạng bài toán tư duy để định hình cách suy luận và xác định những quy luật logic. Bên cạnh đó, với các bài toán phân tích số liệu, bạn cần đọc kỹ đề, ôn lại những công thức tính tỷ lệ phần trăm.
Phần 3: Giải quyết vấn đề
- Lý, Hóa, Sinh: Nắm vững các công thức cơ bản và làm nhiều bài tập áp dụng. Đừng quên ôn lại kiến thức trọng tâm lớp 10, 11. Dạng bài đọc và các câu hỏi đi kèm yêu cầu thí sinh đọc hiểu tốt và nằm lòng kiến thức cơ bản đề kết hợp suy luận. Ngoài ra, sẽ có một số câu hỏi bên ngoài. Bạn có thể đọc thêm ngoài phạm vi sách giáo khoa để lấy điểm những câu này.
- Sử, Địa: Với môn Lịch sử, tóm tắt kiến thức theo từng chương, ghi nhớ thông tin sự kiện, nhân vật lịch sử nổi bật trong sách giáo khoa cấp 3. Đối với môn Địa, ôn tập kiến thức về địa danh, vùng miền, khí hậu, đặc điểm thời tiết, kinh tế… Đồng thời, ghi chú những nội dung mang tính chất nổi bật, nhiều nhất hoặc đầu tiên.
BƯỚC 3: LÊN CHIẾN LƯỢC LÀM BÀI THI
Bạn không nhất thiết làm theo thứ tự từ trên xuống. Mỗi người có cách lựa chọn thứ tự ưu tiên khác nhau. Bạn đâu muốn xuống tinh thần từ sớm vì không thể làm tốt những câu hỏi đầu tiên phải không nè?
Sau khi tham khảo và giải các đề thi thử uy tín, hãy xếp các phần trong bài thi thành 3 nhóm: tự tin nhất, trung bình và phần mình chưa giỏi. Bạn có thể làm tất cả những câu mình nắm vững kiến thức trước, rồi tới phần trung bình và cuối cùng là những câu bản thân không chắc chắn. Thí sinh cũng có thể xếp thứ tự theo nguyên tắc giỏi – trung bình – yếu – trung bình – giỏi hoặc hoán đổi tùy vào khả năng của mình.
Bạn có thể làm phần Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu trước, bởi lúc đầu, thí sinh sẽ tỉnh táo, sáng suốt, chưa bị quá tải. Do đó, việc tính toán trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. Ở giai đoạn nước rút, bạn có thể lựa chọn các môn mình làm tốt và xử lý nhanh nhằm kịp thời tô đáp án, dò lại bài.
Trong lúc giải đề thi thử, thí sinh cần làm nhiều phương án để tìm ra chiến lược tối ưu. Đồng thời, đừng quên đặt ra khoảng thời gian hoàn thành từng phần và đảm bảo không vượt quá các mốc đó.
ĐẬU ĐẬU thực hiện – Hình: OISP