Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Gặp gỡ “chị Panda” – thủ lĩnh hét ra lửa của OISP

Nhân vật phỏng vấn khai Xuân 2018 là Đinh Thủy Nguyên, hỗn danh “chị Panda”, chuyên “sắm vai ác” ở OISP. Thời ở Bách Khoa, chỉ là một tay leader Đoàn Hội “hung dữ” và cứng cựa, nhiều đàn em nghe giọng chỉ là phải “khóc thét”, làm việc với “chị Panda” mà không “tới bến” thì sẽ “tới số”.

Nhân vật phỏng vấn khai Xuân 2018 là Đinh Thủy Nguyên, hỗn danh “chị Panda”, chuyên “sắm vai ác” ở OISP. Thời ở Bách Khoa, chỉ là một tay leader Đoàn Hội “hung dữ” và cứng cựa, nhiều đàn em nghe giọng chỉ là phải “khóc thét”, làm việc với “chị Panda” mà không “tới bến” thì sẽ “tới số”.

Dinh Thuy Nguyen super Panda leader 01a

Nhân vật chính của bài viết: “chị Panda”. Hình ảnh chỉ mang tính chất lừa tình :”>.

LÝ LỊCH TRÍCH XÉO

– Tên cúng cơm: ĐINH THỦY NGUYÊN

– Hỗn danh: “chị Panda”

– Tình trạng cơ thể: FA

– SV K2014 chương trình Liên kết Quốc tế ngành Quản trị Kinh doanh (Bach Khoa University & University of Illinois Springfield)

– Cấp bậc:

  • “Nhân vật phản diện” trong Ban Chấp hành Đoàn Khối OISP

  • Admin fanpage Vietnamese Student Association at UIS )

  • Ủy viên cáng đáng thu chi và ngửa tay xin tiền (nghiệp danh mỹ miều là “Treasurer”) của Society for Human Resource Management

  • Thành viên Accounting System của UIS, sắp ngoi lên Ban Quản lý

Cùng OISP vén màn bí ẩn về nhân vật “đáng sợ” này nha :-SSS.

* Câu hỏi dạo đầu kinh điển: tự giới thiệu về Thủy Nguyên xíu nhen :))).

– Về học tập thì chắc là không có bằng mấy bạn đâu, tại do mình hơi “ham vui”. GPA lúc chưa chuyển tiếp là 7,25/10. Hiện tại mình đang chuyển tiếp ở University of Illinois Springfield (UIS) – Mỹ và học chuyên ngành kế toán, và xét về các môn chuyên ngành thì mình đang ở mức 3.2/4.0.

Tuy học chương trình đại học bằng tiếng Anh nhưng tiếng Anh không là ngoại ngữ chính của mình. Hồi cấp 2 và 3, ngoại ngữ chính của mình là tiếng Nhật, trình độ bây giờ là N3 (sợ quá cứ thi thử mãi mà chưa dám đặt bút thi thiệt nữa, nhưng mình sẽ thi sau khi hoàn thành bằng cử nhân). Mình từng được học bổng trao đổi của Nhật hồi lớp 10.

Trước khi đi chuyển tiếp, mình có được nhận đề tài nghiên cứu khoa học từ cô Xuân (một trong những giảng viên Bách Khoa yêu thích của mình), nhưng vì mình phải chuyển tiếp nên chỉ viết được vài phần nhỏ, và hỗ trợ từ xa. Đề tài đó nhóm mình được nhận giải Nhì tại Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên Bách Khoa Quốc Tế.

Nguyên (bìa phải) lúc về Việt Nam nghỉ Đông, chụp ảnh cùng giảng viên yêu thích của mình (cô Xuân, bìa trái).

* Được biết Nguyên là một “cây” hoạt động phong trào cứng cựa ở OISP. Những trải nghiệm đó giúp gì cho Nguyên khi chuyển tiếp sang Mỹ?

– Mình rất thích các hoạt động xã hội, lại được gia đình ủng hộ, nên từ cấp 1 đã bắt đầu “ham vui” rồi. Nếu nói về số hoạt động thì không biết kể sao cho hết nữa, nhưng nổi trội ở OISP có thể nhắc đến là OISP CampMùa Hè xanhOISP Gala, …

Hoạt động sinh viên là nơi để mình rèn giũa những kỹ năng mà mình còn thiếu, nơi cho mình gặp gỡ nhiều bạn mới và cũng như “giết” thời gian quá rảnh rỗi. Nó là một phần trong đời sống sinh viên của mình. Nếu thiếu điều đó, mình cảm giác như mất đi một nốt trong bản nhạc vậy. Đó cũng là những kinh nghiệm mà mình có thể mang theo (mà không sợ tính ký tại sân bay :”>), nhưng rất cần để làm các hoạt động sinh viên bên này của mình, và cũng như kể chuyện cho các bạn sinh viên quốc tế khác nghe. Quan trọng nhất là tìm được những người bạn thật sự hiểu mình như nhóm 512 mà mình vẫn rất quý.

* Không chỉ năng nổ, nghe giang hồ đồn Nguyên còn rất “hung dữ” và “hét ra lửa” trong vai trò leader Đoàn Hội, nhiều đàn em rất sợ uy của “chị Panda”. Vì sao sang UIS Nguyên trở nên hiền thục thế kia :”>?

– Trời ơi, ai gieo tiếng xấu mà ác quá vậy!! Mình cảm thấy bản thân rất hiền lành, dễ thương và đáng yêu  (dù các bạn trong nhóm Đoàn Hội chả ai công nhận).

Nói đùa tí thôi ạ, trong công việc mình đòi hỏi rất cao từ kết quả tới sự hợp tác và thái độ khi làm việc của các bạn. Nếu mình đòi hỏi các bạn mức 5 thì mình sẽ tự đặt ra mức 10 cho bản thân. Mình nghĩ điều này cũng cần thiết cho các bạn nếu sau này bước chân đi làm, bởi khi đi làm đôi khi chả có ai nhắc mình phải nghiêm túc, mà họ đánh giá âm thầm thôi (kinh nghiệm đi làm từ chỗ này sang chỗ khác trong hai năm của mình).

Thường là mấy anh và mấy bạn đã từng là Ban Chấp hành Đoàn Hội rất thích cho mình đóng vai ác (có vẻ hợp vai), còn người khác sẽ sắm vai hiền để xoa dịu nỗi đau của các bạn :))). Điển hình năm 2016 thì nhóm TCHC đã chọn Gong Cha là hình phạt, mà nhớ có đứa nợ tới mấy ngàn ly mà biến mất luôn chứ :))). Rồi các bạn trẻ được còn được đến Gong Cha để học lớp cơ bản về các loại và được “chị Panda” hung dữ mời luôn :))). Đó là món quà nhỏ để thưởng cho cả team luôn cố gắng trong công việc.

“Bật mí” xíu, bên ngoài mọi người thấy mình năng nổ, mạnh mẽ và rất tưng tửng, nhưng thực tế mình khá ủy mị, nhõng nhẽo, và ít tâm sự câu chuyện của bản thân cho người khác. Mình luôn muốn xây dựng hình ảnh vui vẻ và thân thiện đến với mọi người. Mình đặc biệt yêu thích Panda (gấu trúc), cực ham ăn và ham vui.

Khi qua Mỹ do môi trường thúc ép sẵn, nên mình chả cần “vai ác” nữa, mỗi người tự có nhiệm vụ riêng, nếu họ không hoàn thành thì sẽ chịu trách nhiệm to lớn trước tổ chức luôn. Bên cạnh đó là mình nên dịu dàng, thục nữ tí để thu hút mấy bạn Mỹ đẹp trai nữa :”>.

* Qua UIS gần hai năm rồi, Nguyên cảm nhận thế nào về đời sống học tập, sinh hoạt bên đó?

– UIS là một cột mốc mới trong bước đường làm học sinh – sinh viên của mình. Mình ấn tượng ở UIS tại hai điều là chương trình học và đội ngũ giảng viên. Về chương trình học, các bạn sẽ thấy khá logic và linh hoạt để sắp xếp thời khóa biểu của mình. UIS cũng như nhiều trường đại học khác tại Mỹ, có bộ phận Advising Center để hỗ trợ đăng ký môn học, giải đáp các thắc mắc về các lớp học, lộ trình học, thực tập, học bổng, … Những bộ phận đó sẽ làm việc khá thường xuyên với giảng viên để cập nhật tình hình của từng sinh viên.

Ngoài ra mình luôn có Advisor (cố vấn học thuật), người để mình than thở về học tập và hỗ trợ cho mình rất nhiều trong việc cải thiện điếm số. Hiện tại, mình được biết là sinh viên Việt Nam duy nhất trong ngành kế toán ở bậc cử nhân, nên rất nhận được khá nhiều sự quan tâm, và hỗ trợ từ giảng viên. Họ luôn dành thời gian cuối giờ để sinh viên lên hỏi bài và thậm chí còn đem cả sôcôla để “vỗ béo” mình nữa.

Về thành phố Springfield, mình khá thích thành phố này. Do là dân thành phố, vốn quen với nhịp sống tấp nập và nhộn nhịp nên với bản thân mình Springfield có phần yên tĩnh và chậm rãi hơn. Người dân rất thân thiện và dễ mến. Rất nhiều lần, mình được nhận sự giúp đỡ từ người dân dù là mới gặp. Mặc dù ở đây không nhiều quán xá, thậm chí không có cửa hàng bán trà sữa luôn cơ, nhưng ở đây cảnh khá đẹp, và thuế cũng rẻ hơn so với một vài bang khác nữa.

 

Hình ảnh UIS và Springfield chụp vào lúc chuyển giao cuối Xuân đầu Hè.

* Theo Nguyên, đâu là khác biệt cơ bản giữa sinh viên Việt Nam và Mỹ/quốc tế?

– Nhìn chung thì cũng không có khác biệt mấy bởi dù là sinh viên Việt Nam hay Mỹ, chỉ cần biết lớp nghỉ thì cũng vui như bắt được vàng thôi. Các bạn Mỹ cũng lười như bọn mình, cũng rề rà trong bài tập và cũng lầy chả kém bọn mình. Tuy vậy, sinh viên Việt Nam mình vẫn khá bị chùn bước bởi ngôn ngữ cũng như các kiến thức về phong tục hay những xu hướng của người bản xứ. Nhưng các bạn Việt Nam luôn cố gắng nỗ lực, luôn chăm chỉ và năng động nên dễ dàng thích nghi và hòa nhịp với cuộc sống nơi đây.

* Những gì mà Bách Khoa/OISP chuẩn bị cho Nguyên trong hai năm đầu có giúp Nguyên thích nghi dễ dàng với việc học tại Mỹ không?

– Mình nghĩ việc làm quen với chương trình đại học bằng tiếng Anh là điều quan trọng nhất giúp mình đỡ bỡ ngỡ khi qua đây học. Bên cạnh đó, việc bị “ép” đọc sách chuyên ngành cũng tạo cho mình bước khởi động quan trọng nhất cho bên đây, vì đa số đọc là cách nhanh nhất bắt kịp tiến độ học.

* Chi phí ăn ở, sinh hoạt tại Mỹ thế nào?

– Một tháng sinh hoạt chắc tầm 800 – 1.000 USD theo như sự tiêu xài quá “phung phí” của mình (mình mê shopping dữ lắm :”>). Nhưng mà sau hai kỳ thấy tiền chi quá trời và thương ba mẹ ở Việt Nam vất vả, mình sẽ tự điều chỉnh, chỉ mua những gì CẦN thôi. Mình cũng có đi làm thêm để đỡ tiền cho ba mẹ, và tiền đó thì cũng khít tiền cơ bản chứ dư thì ít ỏi lắm. Nên ráng tích góp, rồi mơ tới cuối năm tích được nhiêu sẽ đi phượt hay đổ hết vào Black Friday.

* Ngoài giờ học, Nguyên làm gì để giải trí? Có tham gia hoạt động đội nhóm, CLB ở UIS không?

– Do thành phố này còn nhỏ và cũng ít địa điểm ăn chơi như TP.HCM, nên mình và bạn cùng nhà lâu lâu mới đi mua sắm cuối tuần. Phần lớn thời gian rảnh rỗi là mình dọn phòng, trang trí phòng, nghe nhạc, xem các chương trình Việt Nam, xem phim dài tập, đọc sách, mà thường xuyên nhất là đi “tám” xuyên lục địa với đứa bạn thân 10 năm tại Nhật.

Mình có tham gia tới bây giờ là ba hội tại UIS. Hội thứ nhất là VSA (Vietnamese Student Association at UIS) với vai trò là Admin fanpage, chuyên cập nhật bài viết và hình ảnh. Hội thứ hai là SHRM (Society for Human Resource Management) với vị trí là Treasurer, lo các mảng thu chi và xin viện trợ từ trường và các nhà tài trợ cho tổ chức. Hội thứ ba là Accounting System, mới bị mấy bạn cùng lớp “ép” tham gia, hiện mình mới là thành viên, và đang chuẩn bị bầu cử để làm ban quan lý. Nói chung là từ Việt Nam sang tới tận Mỹ xa xôi thì vẫn loanh quanh với tiền và tài trợ.

Ảnh tại chương trình Take Back the Night 2017 do Women Center tổ chức.

 

Đồ ăn tụi mình tự nấu.

* Những dự định sắp tới của Nguyên?

– Do mình mới chuyển ngành nên đang muốn dốc hết sức vào “ẻm”. Mình dự định trong tương lai sẽ lấy được bốn loại bằng CIA, CMA, EA và CPA. Mục tiêu của mình sẽ có được CPA sau cao học nên hiện giờ cày bừa rất dữ dội cho em ấy. Trong cùng khoảng thời gian đó, mình muốn có vài kinh nghiệm thực tế nên sẽ bắt đầu tìm hiểu các công ty và làm hồ sơ thực tập dần. 

* Năm nay Nguyên ăn Tết ở đâu? Nguyên đã chuẩn bị gì cho Tết rồi?

– Đã hai mùa Tết phải xa nhà, nhắc đến lại thèm bánh chưng, củ kiệu, dưa món, thịt kho trứng, khổ qua, chả bò chả lụa, … Tết xa quê là cảm giác luôn vui trong lòng và để niềm vui đó lan tỏa bằng cách ráo riết… viết báo cáo, làm bài tập, đọc sách giáo khoa. Dù vậy, tụi mình vẫn cùng nhau ăn Tết, làm món mà ở nhà ba má hay làm. Năm nay may mắn xách được một hũ củ kiệu nên chắc sẽ vui hơn nữa. Như năm ngoái thì tụi mình có tham gia tiệc Tết với những người Việt Nam bên này, riêng mình và bạn cùng phòng mặc áo dài và nấu miến ăn cho đỡ nhớ nhà. Tụi mình cũng coi các show Việt Nam chỉ làm dịp Tết để vơi bớt nỗi buồn nữa. Và quan trọng là vẫn đón giao thừa và nói chuyện cùng ba mẹ.

Dinh Thuy Nguyen super Panda leader 11

Yếu điệu áo dài cùng cộng đồng sinh viên Việt tại UIS (Nguyên đứng thứ hai từ phải qua).

Hình ảnh đi chơi của Nguyên cùng bạn bè tại kỳ nghỉ Đông (du lịch tại Chicago).

* Lời nhắn nhủ và lời chúc Tết của Nguyên dành cho sinh viên Bách Khoa cũng như gia đình, thầy cô, bạn bè tại Việt Nam?

– Mình muốn nhắn nhủ với các bạn sắp đi du học, đặc biệt là Mỹ thì mình nên đọc các thông tin về trường trên trang chủ của trường, liên hệ với hội sinh viên của trường để được nhận nhiều thông tin hữu ích và cần thiết. Du học là một quyết định mang tính dũng cảm bởi đến một nơi không có gia đình bên cạnh, không có những hàng quán quen thuộc, ngôn ngữ cũng khác lạ; vì vậy, hãy xem đó nhưng là sự thử thách cho bản thân. Những lúc mình muốn bỏ cuộc hay gục ngã nhất, hãy nghĩ tới vì sao mà mình chọn đi du học nhé!

Nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018, mình xin chúc các bạn có một kỳ nghỉ thật nhiều sức khỏe, nhiều lì xì và nhiều tiếng cười bên gia đình, bạn bè và những người thân yêu khác nhé. 

Lời cuối, mình xin cảm ơn sự quan tâm và hỗ trợ của gia đình, hội bạn thân, nhóm 512, hội VSA, các thầy cô và anh chị OISP luôn ủng hộ và theo dõi mình suốt những năm vừa qua!

THI CA thực hiện – Ảnh: THỦY NGUYÊN

Bài trước

Bài tiếp