Từ một lời thách thức vui vui giữa giờ giải lao, nhóm 5NN đã ấp ủ khao khát tranh tài ở Bach Khoa Innovation ngay khi còn là sinh viên năm Nhất, để rồi xuất sắc giành được giải Nhì cuộc thi năm nay.
Không chỉ dừng lại ở đó, câu chuyện từ lúc khởi sinh ý tưởng cho tới khi hoàn thành dự án của nhóm bạn cũng chứa đựng nhiều điều lý thú. Cùng OISP lắng nghe bạn Phạm Đức Hải (sinh viên K2020 chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Máy tính), thủ lĩnh nhóm 5NN trải lòng về hành trình độc nhất vô nhị vừa qua của nhóm nha!
Bài viết liên quan
► Trà an thần Assamica lại thắng lớn ở “đấu trường” Bach Khoa Innovation 2021
► Máy đo thân nhiệt và rửa tay tự động tích hợp IoT của sinh viên Bách khoa
► Tái chế rác thải nhựa tạo sợi 3D: sinh viên Bách khoa Quốc tế thắng giải cuộc thi Tech Planter 2021
DUYÊN KHỞI TỪ MỘT CÂU ĐÙA BẤT CHỢT
Vào giờ nghỉ giữa tiết môn Hệ thống Kỹ thuật số (Digital System), có năm sinh viên năm Nhất (bao gồm Phạm Đức Hải, Bùi Anh Kent, Trần Trung Nguyên, Nguyễn Xuân Bách – cùng là K2020 chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Máy tính và Đỗ Trường Thịnh – K2020 chương trình Chất lượng cao ngành Khoa học Máy tính) ngồi trên ghế đá. Lúc đó, mình đã vui miệng hỏi các bạn rằng: “Try hard với Bach Khoa Innovation năm nay hông mấy ông?”
Không ngờ, bốn cậu bạn còn lại đồng ý liền. Vậy là nhóm 5NN – 5 sinh viên năm Nhất (tại thời điểm đăng ký dự thi) hình thành từ đó. Tuy chỉ mới quen biết sơ sơ được khoảng một học kỳ nhưng tụi mình đều có chung chí hướng thử sức ở sân chơi uy tín mang tên Bach Khoa Innovation. Vậy là cứ triển thôi.
Ban đầu, nhóm mình tính làm một ứng dụng về bác sĩ điện tử; sau đó lần lượt đổi hướng từ ứng dụng trồng cây tích hợp internet vạn vật, máy sát khuẩn tự động, găng tay hỗ trợ người khiếm thính tới ứng dụng chia sẻ công thức nấu ăn. Một ngày đẹp trời, để ý thấy trường mình đang tổ chức ngày hội tuyển sinh, đồng thời vấn đề chọn trường của học sinh THPT đang nóng hơn bao giờ hết, cả nhóm chốt kèo là xây dựng ứng dụng hỗ trợ tuyển sinh đại học luôn.
Sau khi kết thúc Vòng 2, kiến thức kinh tế của cả năm đứa vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Vì vậy, tụi mình chiêu mộ thêm cô bạn nhiệt tình Nguyễn Hoài Thùy Linh – sinh viên K2020 ngành Kinh doanh Quốc tế từ Trường ĐH Kinh tế – Luật, bạn thời cấp Ba của Xuân Bách.
UNIIFY – HỆ THỐNG THÔNG TIN TUYỂN SINH TIỆN LỢI VÀ THÔNG MINH
Để đậu vào ngôi trường đại học yêu thích, học sinh lớp 12 cần tự tìm kiếm thông tin và điền nguyện vọng thật đầy đủ, chính xác. Thế nhưng, vấn đề đầu tiên là hiện nay, đa số đại học ở Việt Nam đều sử dụng nền tảng tuyển sinh riêng và yêu cầu học sinh phải lên website của nhà trường để tìm hiểu thông tin liên quan. Nhược điểm của cách làm này là các bạn phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức để thu thập thông tin, sau đó tự phân tích và so sánh trước khi đưa ra quyết định phù hợp nhất. Vấn đề thứ hai là khi xét tuyển bằng học bạ, học sinh cần điền thông tin cá nhân nhiều lần nếu nộp hồ sơ cho nhiều trường.
Mong muốn giải quyết vấn đề trên, nhóm 5NN đã phát triển Uniify (University-ify), nền tảng dữ liệu đồng nhất, giúp học sinh dễ dàng tìm kiếm, tổng hợp và đối chiếu những thông tin tuyển sinh liên quan. Dự án cũng đề xuất một hệ thống nộp hồ sơ tự động. Nhờ đó, học sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào nhiều đại học khác nhau chỉ với một lần điền thông tin duy nhất.
Để làm được điều này, nhóm ứng dụng nhiều công nghệ nổi bật như React Js(1) của Facebook hay Next Js(2), Flutter(3) và Firebase(4) của Google. Từ đây, tụi mình có thể đưa Uniify lên đa nền tảng, bao gồm cả website lẫn di động. Kết quả là người dùng có thể nộp đơn xét tuyển trực tiếp trên ứng dụng và so sánh điểm chuẩn từng ngành theo từng phương thức xét tuyển qua các năm.
Dự án có thể hỗ trợ học sinh tìm kiếm thông tin hiệu quả, tiết kiệm thời gian, cũng như kết nối với các trường đại học dễ dàng hơn. Hy vọng rằng Uniify sẽ trở thành biểu tượng cho tính thống nhất, hiện đại của nền giáo dục đại học Việt Nam, tương tự nền tảng CommonApp của Mỹ hay Studielink của Hà Lan.
BIẾN THÁCH THỨC TỪ DỊCH BỆNH THÀNH CƠ HỘI CẢI TIẾN
Đợt dịch COVID-19 thứ tư vừa qua đã kéo theo hàng tá thách thức lẫn sinh ra rất nhiều cơ hội cho tụi mình. Thử thách lớn nhất chính là các thành viên phải xây dựng website và cập nhật thông tin lên Uniify thông qua hình thức trực tuyến. Vì lịch trình của mỗi bạn mỗi khác nên nhóm khó thống nhất giờ họp để cùng viết code. Để khắc phục khó khăn, năm đứa mình đã áp dụng phương pháp phát triển phần mềm linh hoạt Agile và sử dụng hệ thống điều phối vùng chứa mã nguồn mở Kubernetes cùng nền tảng hỗ trợ website CircleCI.
Dịp này, nhóm 5NN đã có cơ hội triển khai ứng dụng trong thực tế. Nhờ các buổi giới thiệu dự án và thu thập trải nghiệm người dùng tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), cả nhóm có thể kịp thời điều chỉnh, cải tiến dự án, đồng thời bám sát yêu cầu thực tế. Do đó, tại Vòng Chung kết cuộc thi Bach Khoa Innovation năm nay, tụi mình đã chứng minh được khả năng ứng dụng thực tiễn của Uniify trước Ban Giám khảo.
Suốt quá trình theo đuổi dự án, PGS. TS. Quản Thành Thơ (Phó Trưởng Khoa Khoa học & Kỹ thuật Máy tính) và chị Phạm Thị Mai (sinh viên K2017 chương trình Chất lượng cao ngành Khoa học Máy tính) đã giúp đỡ nhóm mình rất nhiều, từ khâu lên ý tưởng, xây dựng – thiết kế giao diện tới gợi ý các phương pháp, công cụ phát triển ứng dụng. Nhờ Thầy Thơ và chị Mai hướng dẫn, cả nhóm quyết định ứng dụng khoa học dữ liệu để xây dựng Uniify thành một nền tảng thông minh, có thể phân tích ngành học yêu thích của người dùng.
Sắp tới, nhóm 5NN sẽ tiếp tục phát triển ứng dụng cho đến khi tìm thấy nhà đầu tư phù hợp, đồng thời chuẩn bị tham gia cuộc thi Solution Challenge năm sau do Google tổ chức.
Để tự mô tả về nhóm 5NN, tụi mình sẽ chọn ba từ Chill – Ý thức – YOLO, trong đó:
|
—
(*) 5NN là nhóm sinh viên năm Nhất tại thời điểm đăng ký dự thi Bach Khoa Innovation 2021.
(1) React Js: một thư viện ngôn ngữ lập trình Javascript dùng để xây dựng giao diện người dùng trên hai nền tảng chính là website và di động.
(2) Next Js: các đoạn code được viết sẵn, cấu thành một bộ khung và các thư viện lập trình được đóng gói (framework) để phát triển những ứng dụng React Js theo phép đẳng cấu đồ thị (Isomorphic), do Zeit phát triển.
(3) Flutter: bộ công cụ phát triển phần mềm/ ứng dụng nguồn mở đa nền tảng cho iOS, Android và là phương thức chính để xây dựng các ứng dụng cho Google Fuchsia.
(4) Firebase: công cụ hỗ trợ phát triển ứng dụng trên website và di động, bao gồm các giao diện lập trình ứng dụng (API) đơn giản và mạnh mẽ mà không cần backend (những phần của website người dùng không thể nhìn thấy) và service (máy chủ – một máy tính được kết nối với mạng máy tính hoặc internet, có IP tĩnh và có năng lực xử lý cao).
Bài, hình: PHẠM ĐỨC HẢI