Máy đo thân nhiệt và rửa tay tự động tích hợp IoT của SV Bách khoa

Bằng đam mê nghiên cứu, sinh viên chương trình Chất lượng cao Trường ĐH Bách khoa đã chế tạo ra máy đo thân nhiệt và rửa tay tự động tích hợp IoT. Đây là thành quả của nhóm sinh viên năm Nhất cùng chung tay phòng chống dịch COVID-19.

Máy đo thân nhiệt và rửa tay tự động tích hợp IoT và nhóm BK M.C.E

Máy đo thân nhiệt là sản phẩm phát triển từ dự án cộng đồng của lớp SK23. Sau 11 tuần học Kỹ năng mềm, sinh viên đã nghiên cứu chế tạo máy đo thân nhiệt. Tưởng rằng dự án đã kết thúc sau khóa học, nhưng với sự sáng tạo và tìm tòi học hỏi, nhóm BK M.C.E. tiếp tục phát triển và hiện thực hóa những ý tưởng trong đầu.

Nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19, cơ quan chức năng đã phải điều động nguồn nhân lực lớn để đo nhiệt độ, cho sử dụng dung dịch rửa tay, nhắc nhở đeo khẩu trang và khai báo y tế. Tuy nhiên, các công tác này cũng có những khó khăn nhất định như: không đảm bảo khoảng cách an toàn, mất nhiều thời gian và nhân lực. Vì vậy, chiếc máy đo thân nhiệt và rửa tay tự động tích hợp IoT (internet vạn vật) ra đời để khắc phục những lỗi đó. Ưu điểm lớn nhất của máy là tích hợp hệ thống IoT lưu trữ dữ liệu giúp dễ dàng truy xuất để truy vết F0, phục vụ cho công tác phòng chống dịch của Trường ĐH Bách khoa. Các chức năng chính của máy:

  • Camera: Kiểm tra mã số sinh viên kết hợp nhận diện khẩu trang bằng AI (trí tuệ nhân tạo) và tương tác bằng giọng nói để nhắc nhở đeo khẩu trang
  • Thanh đo thân nhiệt: Di chuyển theo chiều cao và loa cảnh báo khi thân nhiệt quá mức bình thường
  • Màn hình LED: Hiển thị thông tin người dùng và nhiệt độ, ghi nhận thông tin, thời điểm người sử dụng máy
  • Vòi phun sương: Phun tự động lượng dung dịch sát khuẩn vừa đủ

Một đặc tính nổi bật của máy này là các dữ liệu (kết quả đo thân nhiệt, thời gian vào cổng, hình ảnh nhận dạng khuôn mặt) sẽ được lưu trữ và truyền về server trung tâm (trạm y tế của trường). Nhân viên y tế dễ dàng truy cập và truy xuất dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm soát, truy vết các trường hợp nghi nhiễm COVID-19.

Nhóm BK M.C.E. gồm sáu sinh viên năm Nhất chương trình Chất lượng cao: Chu Minh Nhân, Cao Khánh Gia Hy, Nguyễn Thế Bình, Hồ Huỳnh Gia Bảo, Trần Duy Khang, Nguyễn Duy, Ngô Hà Gia Bảo và Mai Hoàng Kim Sơn – sinh viên chương trình Đại trà. Sự thành công của dự án không thể không nhắc đến sự hướng dẫn của PGS. TS. Quản Thành Thơ (phó Trưởng Khoa Khoa họcKỹ thuật Máy tính), TS. Lê Thanh Long (giảng viên khoa Cơ khí) và TS. Võ Thanh Hằng (giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên). Mỗi thầy cô là người dẫn dắt cả nhóm và cho lời khuyên bổ ích trong suốt quá trình thực hiện sản phẩm.

Nhóm tạo ra máy rửa tay nhưng làm sao để có thiết kế gọn, nhẹ, thẩm mỹ thì thầy Long là người tô vẽ những đường nét cho máy. Bên cạnh đó, với chuyên môn của mình, thầy Thơ là người đầu tàu trong việc chỉ dạy nhóm về ứng dụng AI, IoT của máy rửa tay. Và cuối cùng, cô Hằng đã theo nhóm từ những ngày đầu tiên, từ việc quản lý nhóm, cách trình bày dự án, tối ưu chi phí và định hướng thương mại hóa.

Hiện tại, nhóm đang triển khai chế tạo máy thứ hai theo đơn đặt hàng của Trường ĐH Bách khoa để sử dụng rộng rãi trong trường. Song song đó, dự án máy rửa tay sẽ tham dự Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên OISP 2021 sắp tới.

Nhóm nghiên cứu chia sẻ về dự án trên chuyên mục “Gõ cửa thành công” – Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM.

Bài: GIA NGHI – Hình: TS. VÕ THANH HẰNG

Bài trước

Bài tiếp