Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Cách chinh phục áp lực và rèn tinh thần “thép” cho sinh viên 

Áp lực ở bậc Đại học rất khác thời THPT, chủ yếu xuất phát từ kỹ năng quản lý thời gian học tập và các mối quan hệ xã hội.

Học tập ở bậc đại học không còn đơn giản là sinh viên vào lớp và lắng nghe giảng bài thụ động, mà cần sự tự học, ý thức tự quản và kỷ luật cao hơn. Do đó, khi bắt đầu hành trình bốn năm đại học, những tân sinh viên còn quen với lối học thời phổ thông đều phải đối mặt với khác biệt, áp lực trong học tập và quan hệ xã hội. Bài viết sau sẽ giúp bạn gỡ rối các loại áp lực và cách vượt qua, xử lý áp lực học tập ở đại học.

1. Áp lực về quản lý thời gian hiệu quả

Thường bắt nguồn từ số lượng công việc và deadline mà sinh viên phải hoàn tất trong thời gian học đại học. Bạn có khá nhiều các hoạt động bổ ích ngoài việc học tập ở trường như tham gia vào các khóa học ngoại ngữ, các dự án nghiên cứu, cuộc thi học thuật, hoạt động xã hội và việc làm thêm để kiếm tiền trang trải. Điều này đặt ra cho bạn yêu cầu về tính kỷ luật cao và khả năng tự quản lý thời gian, biết sắp xếp ưu tiên công việc và lập kế hoạch hiệu quả để đảm bảo rằng bạn không bị quá tải hay bỏ lỡ bất kỳ hoạt động quan trọng nào mà vẫn có thời gian dành cho nghỉ ngơi và giải trí.

2. Áp lực dung hòa các mối quan hệ xã hội

Sinh viên thường cảm thấy áp lực khi đối diện với nhiều kỳ vọng từ gia đình, thầy cô khi bị so sánh với bạn bè đồng trang lứa. Điều này có thể là động lực để giúp sinh viên phấn đấu tốt hơn nhưng cũng sẽ là con dao hai lưỡi tạo nên những áp lực nếu bạn chưa biết cách kiểm soát hoặc điều chỉnh cảm xúc của mình, có thể dẫn đến sự tự ti khi không đạt được thành tích như mong đợi. Đồng thời, sinh viên cũng cần tham gia vào các hoạt động xã hội và mở rộng mối quan hệ với nhiều đối tượng khác nhau như bạn học cùng/ khác lớp, giảng viên, anh chị khóa trên, doanh nghiệp… Đôi khi, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc căng thẳng do không tự tin khi phải duy trì nhiều mối quan hệ cùng lúc, đặc biệt là với các bạn đến một môi trường mới, xa gia đình và bạn bè cũ. 

3. Cách chinh phục và vượt qua áp lực

  • Bạn nên lập kế hoạch và quản lý thời gian cân bằng giữa học tập, các hoạt động ngoại khóa và công việc làm thêm. Phân chia công việc thành phần nhỏ hơn và ưu tiên từng phần một để tránh sự trì hoãn và áp lực phải chạy deadline.
  • Đặc biệt, bạn cần chú trọng bảo đảm dinh dưỡng, tập thể dục và giấc ngủ đủ để bạn luôn duy trì tinh thần sảng khoái và sức khỏe tốt trong học tập. Điều này còn giúp sinh viên giảm căng thẳng và tăng cường khả năng đối mặt với áp lực.
  • Cần nhớ rằng mọi người có sự đa dạng về năng lực, tính cách và mục tiêu của riêng mình, quan trọng hơn bạn nên tập trung vào việc phát triển bản thân, không so sánh quá mức với người khác nhé.
  • Học cách trao đổi chuẩn mực với giảng viên, mở rộng kết nối với bạn bè cũng là điều quan trọng giúp bạn cảm thấy tự tin hơn trong giao tiếp và giải quyết các mâu thuẫn nếu có xảy ra một cách nhẹ nhàng.
  • Xây dựng mối quan hệ không phải là một việc nhanh chóng và không nên tự áp lực bản thân quá nhiều. Bạn có thể tham gia vào các câu lạc bộ hoặc hoạt động xã hội mà mình yêu thích để gặp gỡ người mới và tìm kiếm mối quan hệ thân thiết theo cách tự nhiên và dễ dàng hơn.
  • Đừng ngần ngại tìm đến sự giúp đỡ từ giáo viên, bạn bè hoặc các dịch vụ hỗ trợ sinh viên khi bạn gặp khó khăn trong học tập hay cuộc sống. 
  • Sử dụng các kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền, yoga, hoặc du lịch để bạn có thể giữ tinh thần sảng khoái. Tự thưởng cho bản thân sau khi hoàn thành công việc quan trọng để tạo thêm động lực cho những hoạt động sắp tới.

Hành trình đại học có thể khó khăn nhưng bằng sự tự quản và lập kế hoạch thông minh, sinh viên có thể vượt qua mọi trở ngại và tận hưởng những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ tại Bách khoa nhé.

Bài: LINH LÊ – Hình: OISP

Bài trước

Bài tiếp