Hướng đến các Business School (tầm vóc) quốc tế
Xây dựng những trường đại học tầm vóc quốc tế tại Việt Nam có lẽ đã là mơ ước của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, giáo viên và tất cả những ai đặt nhiều tin yêu và kỳ vọng đối với nền giáo dục nước nhà. Ý tưởng ấy gần đây lại được sôi nổi thảo luận hơn bao giờ hết khi nó được đặt ra một cách nghiêm túc trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vừa qua của Thủ Tướng Phan Văn Khải.
Nhu cầu về những ngôi trường đẳng cấp quốc tế là rất hiện thực trong bối cảnh đất nước đang tiến hành cải cách mạnh mẽ và ngày một tham gia sâu vào nền kinh tế thế giới. Để trở thành một nền kinh tế năng động, cạnh tranh tốt với các quốc gia trên thương trường quốc tế chúng ta cần những chuyên gia, nhà kinh doanh, nông dân, công nhân, giảng viên, kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, nhà chính trị thực sự tài ba và có tầm vóc quốc tế. Và vì vậy hơn bao giờ hết chúng ta cần những ngôi trường quốc tế để tạo ra những “chiến binh kiệt xuất”. Bài viết này muốn chia sẻ ý tưởng hình thành các trường kinh doanh (Business School) có tầm vóc quốc tế – nơi sẽ tạo ra cho đất nước những nhà lãnh đạo, những doanh nhân đầy sáng tạo và bản lĩnh – những người sẽ đem các sản phẩm và dịch vụ Việt Nam đến khắp nơi trên thế giới để dân tộc Việt Nam có thế tự hào cất cánh hóa rồng.
Để hiện thực hóa một ý tưởng có lẽ cần bắt đầu từ đặt và trả lời khái niệm cơ bản nhất – Thế nào là một trường kinh doanh đẳng cấp quốc tế? Hay chúng ta kỳ vọng gì vào hai chữ “quốc tế”?
Thế nào là đẳng cấp quốc tế?
Có nhiều cách tiếp cận, tuy nhiên đứng trên quan điểm hệ thống thì yêu cầu tiên quyết của một trường kinh doanh đẳng cấp quốc tế là phải có “sản phẩm” đầu ra mang đẳng cấp quốc tế. Có ba nhóm sản phẩm chính của một trường kinh doanh. Đầu tiên, quan trọng nhất là lực lượng các sinh viên tốt nghiệp của trường. Không thể là một trường quốc tế khi không đào tạo ra một đội ngũ các nhà quản lý, kinh doanh có đầy đủ các kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và bản lĩnh để thích ứng, tồn tại, và phát triển trong các môi trường kinh doanh toàn cầu. Đội ngũ này phải có khả năng tự học hỏi, sáng tạo và tự hoàn thiện để trở thành lãnh đạo các doanh nghiệp có tầm hoạt động vượt ra khỏi phạm vi giới hạn của một quốc gia hay khu vực. Nhiệm vụ đào tạo ra đội ngũ này là trọng trách quan trọng nhất được kỳ vọng từ các trường. Đầu ra thứ hai không kém phần quan trọng là các dịch vụ tư vấn, nghiên cứu thị trường, đào tạo thường xuyên cho cộng đồng doanh nghiệp. Các dịch vụ này nếu được cung cấp ở mức chất lượng cao sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế của các doanh nghiệp. Thứ ba, một trường đại học không thể đạt chất lượng quốc tế cho hoạt động đào tạo và tư vấn khi không gắn liền với việc phát triển mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học của mình. Nghiên cứu khoa học – đi tìm các câu trả lời cho các vấn đề thực tiễn và lý luận – phải là nền tảng căn bản cho hoạt động của một trường quốc tế.
Các thành tố đảm bảo chất lượng quốc tế
Để tạo ra những “sản phẩm” chất lượng quốc tế như trên, các trường cần được trang bị một môi trường hoạt động chất lượng quốc tế. Một môi trường quốc tế phải bao gồm các thành tố chính yếu sau:
Đội ngũ giảng viên quốc tế là tiền đề đầu tiên đảm bảo tính quốc tế của trường. Đội ngũ giảng viên quốc tế không nhất thiết là thuộc nhiều quốc tịch khác nhau mà điều quan trọng là họ phải có bằng cấp quốc tế và kinh nghiệm làm việc trong môi trường đa văn hóa. Đội ngũ này phải sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính, ở trình độ cao, trong học thuật và sinh hoạt. Để hình thành được một đội ngũ giảng viên quốc tế người Việt, cần có sự chuẩn bị về đội ngũ mà nổi bật là các chính sách về đào tạo (học bổng), đãi ngộ, giao lưu học thuật quốc tế, điều kiện làm việc, chính sách mở trong tuyển dụng giảng viên, và thỉnh giảng các giảng viên nước ngoài.
Chất lượng đầu vào của đội ngũ sinh viên, để có được chất lượng quốc tế ở đầu ra thì đầu vào của trường cũng phải có chất lượng cao. Cần có những cải cách triệt để trong công tác tuyển sinh đầu vào như áp dụng phương pháp đánh giá quá trình (kết quả học tập trong quá khứ, điểm thi tốt nghiệp PTTH, thành tích thể thao và công tác xã hội) kết hợp thư giới thiệu của các thầy giáo cũ, bài tự luận của ứng viên, và điểm thi các bài thi chuẩn hóa như SAT, TOEFL, GMAT. Trong những năm gần đây hệ thống các trường phổ thông dân lập quốc tế đã hình thành và hoạt động tốt, đây chính là một trong những nguồn cung cấp đầu vào chất lượng cao cho các trường đại học quốc tế. Mặt khác cần xây dựng cơ chế giao lưu quốc tế để có thể định kỳ trao đổi sinh viên giữa các trường trong khu vực và trên thế giới.
Đội ngũ quản lý giáo dục chuyên nghiệp, lâu nay chúng ta ít quan tâm đến việc hình thành và sử dụng một đội ngũ quản lý giáo dục chuyên nghiệp. Đội ngũ này chính là những nhà hoạch định, tổ chức và lãnh đạo các trường vươn lên hình thành đẳng cấp của mình. Cần đưa đi đào tạo và sử dụng hiệu quả các chuyên gia quản lý giáo dục chuyên nghiệp. Trên thế giới đây là một lĩnh vực chuyên nghiệp và cần những người chuyên nghiệp chứ không đơn thuần đưa các giáo sư/ nhà giáo có uy tín chuyên môn lên làm quản lý – một việc có khi còn làm giảm hiệu quả hoạt động của nhà trường.
Cơ chế quản lý hiện đại, rất nhiều vấn đề hiện nay của giáo dục thuộc về cơ chế quản lý giáo dục. Cần có những cải cách mạnh mẽ để tạo điều kiện cho các trường phát triển, trong đó tập trung trao quyền tự chủ về đào tạo, cấp bằng, chuyên môn, tài chính, lương, đãi ngộ, tuyển sinh, hợp tác quốc tế cho nhà trường, chính sách học phí, chính sách hỗ trợ của nhà nước. Bên cạnh đó cũng cho phép các trường áp dụng cơ chế quản lý nhân sự mở với việc trao đổi giảng viên – sinh viên định kỳ với các trường nước ngoài, cũng như cơ chế giao lưu học thuật và liên kết với các trường đại học quốc tế khác.
Hệ thống đảm bảo chất lượng, một trường chỉ trở thành một trường quốc tế đúng nghĩa khi nó được cộng đồng quốc tế (cộng đồng học thuật, cộng đồng sử dụng lao động) công nhận. Trong yêu cầu này, việc được công nhận bởi các tổ chức quốc tế có uy tín như AACSB của Mỹ chuyên công nhận chất lượng cho các trường kinh doanh trên thế giới là một chỉ số chất lượng hết sức quan trọng. Để được công nhận các trường phải xây dựng được bộ tiêu chuẩn chất lượng của mình và triệt để tuân thủ các tiêu chuẩn đó, cũng như phải thường xuyên tự đánh giá, nhận các phản hồi chất lượng từ các yếu tố bên ngoài hệ thống (như phản hồi của doanh nghiệp về chất lượng sinh viên, phản hồi của các cộng đồng khoa học về chất lượng nghiên cứu khoa học…).
Cơ sở vật chất, đây là yếu tố bề nổi rất quan trọng, nó là điều kiện để xây dựng một môi trường đào tạo quốc tế. Đối với các trường kinh doanh hiện nay trang thiết bị thường không quá đắt tiền vì không phải đầu tư vào các phòng thí nghiệm như các ngành học khác. Trang bị chủ yếu là máy tính với các phần mềm tiện ích – mô phỏng, internet, máy chiếu projector, thư viện, thư viện điện tử. Bên cạnh các trang thiết bị phục vụ trực tiếp quá trình dạy và học là phần phục vụ nhu cầu giải trí và thể thao như phòng tập thể dục, hồ bơi, sân tennis, và các ký túc xá tiêu chuẩn. Chính những tiện nghi này giúp hình thành một thế hệ những nhà quản lý toàn diện với đầy đủ trí lực và thể lực.
Chương trình đào tạo, để có những biến đổi thực sự về chất thì yêu cầu tất yếu là thay đổi một cách căn bản chương trình đào tạo. Đầu tiên tránh việc sao chép nguyên si các chương trình đào tạo của các nước vì đào tạo kinh doanh mang tính tình huống rất cao. Một chương trình đào tạo phải thể hiện được yếu tố hoàn cảnh của Việt Nam. Cần nghiên cứu và hình thành quan điểm chung về quá trình phát triển, quốc tế hóa của Việt Nam để từ đó xây dựng chương trình đào tạo. Thứ hai cần triệt để đầu tư cho chất chứ không chạy theo lượng, đưa quá trình đào tạo đi vào thực chất không ôm đồm, giảm thiểu khối lượng các môn học không thực sự cần thiết. Nội dung đào tạo cần chú trọng mối quan hệ giữa đào tạo phương pháp và đào tạo nội dung, trong đó tập trung nhiều cho việc đào tạo cho đào tạo phương pháp (phương pháp nghiên cứu, phương pháp giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, phương pháp tự đào tạo, tự hoàn thiện…). Thứ ba, ứng dụng các phương pháp đào tạo và đánh giá hiện đại đang được sử dụng tại hầu hết các trường kinh doanh trên thế giới như giảng dạy theo nhóm, phương pháp tương tác (giảng viên với người học, người học với nhau, người học với môi trường, người học và máy móc..), phương pháp tình huống (case study), phương pháp mô phỏng, game…Thứ tư, tái cấu trúc chương trình đào tạo cần đảm bảo tính đa ngành, đa lĩnh vực, và đa văn hóa vì các hầu hết các vấn đề hiện nay đều là các vấn đề tổng hợp, phức tạp đòi hỏi nhà quản lý phải đa dạng trong tư duy, kiến thức và kỹ năng. Thứ năm, để có được tư duy tổng hợp trong khối kiến thức khổng lồ, tính liên kết và thống nhất cao của chương trình đào tạo là vấn đề cốt lõi. Các môn học phải có tính tương tác, hỗ trợ và bổ sung cho nhau, tránh các kiến thức đơn lẻ, trùng lặp gây lãng phí. Thứ sáu, lâu nay các trường kinh doanh (cả trên thế giới) đều mạnh trong đào tạo hoạch định (planning), nhưng lại yếu trong đào tạo thực hiện, tổ chức, triển khai (implementation) các kế hoạch. Cần có các chương trình cụ thể để cải tiến vấn đề này, trong đó việc đưa sinh viên về thực tập một các có thực chất ở các doanh nghiệp là một trong những giải pháp tốt. Thứ bảy, chú trọng hơn nữa tính toàn diện của chương trình đào tạo, trong đó có vai trò của các kỹ năng quản lý như ra quyết định, làm việc nhóm, nói chuyện trước công chúng, thuyết phục, thương lượng, kỹ năng tìm và xử lý thông tin, kỹ năng giao tiếp – xử lý tình huống, kỹ năng sử dụng các thiết bị hiện đại, kỹ năng trang phục – thẩm mỹ…
Nghiên cứu khoa học, hiện nay rất hiếm các công trình nghiên cứu về kinh tế, quản lý, kinh doanh trong nước được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới. Quan sát sơ bộ trên các diễn đàn khoa học trong nước có thể thấy lý do chính là cách tiếp cận rất khác nhau trong nghiên cứu khoa học. Ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy phổ biến các “nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp” với hàng loạt các kiến nghị “cần, phải, nên…”. Đây là điển hình của thể loại nghiên cứu chuẩn tắc (normative), nghiên cứu cái phải làm (what should be done). Ngược lại các nhà khoa học trên thế giới chủ yếu tập trung nghiên cứu theo thể loại thực chứng (positive), nghiên cứu cái thực tế đang diễn ra, nghiên cứu các mối quan hệ khách quan giữa các sự vật và hiện tượng. Họ phát triển các phương pháp nghiên cứu, đo lường, lượng hóa các hiện tượng, khái niệm trong kinh tế và quản lý với quan điểm phải đo lường được mới quản lý được, và phải thực chứng tốt mới có chuẩn tắc tốt. Để hội nhập với thế giới trên phương diện nghiên cứu khoa học, các trường kinh doanh có lẽ phải đầu tư nhiều hơn cho các nghiên cứu thực chứng trong đó cần chú ý hai mối liên kết: (1) với cộng đồng doanh nghiệp, và (2) với các cộng đồng nghiên cứu của thế giới.
Hình thành các trường kinh doanh quốc tế tại Việt Nam vào thời điểm này có lẽ đã không còn là những ước vọng không tưởng. Đã xuất hiện rất nhiều tín hiệu lạc quan cho sự ra đời của các trường. Đầu tiên là nhu cầu lớn và rất bức thiết của xã hội và công cuộc đổi mới, từ nhu cầu học tập chất lượng cao rất thật của mỗi người dân cho đến nhu cầu về đội ngũ các nhà quản lý/ kinh doanh bản lĩnh đủ sức lèo lái các doanh nghiệp Việt trên con đường hội nhập. Nhu cầu này sẽ ngày một lớn và sẽ là lực đẩy quan trọng cho quá trình cải cách/ hình thành các trường. Kế đến chúng ta cũng chứng những nỗ lực từ cấp chính phủ thông qua các chương trình học bổng đưa giảng viên đại học đi đào tạo ở nước ngoài nhằm chuẩn bị lực lượng giảng viên cho các trường. Thứ ba, gần 2 thập kỷ đổi mới, tư duy kinh tế/ quản lý của xã hội đã có những bước tiến bộ đáng kể và được cụ thể hóa qua hoạt động mạnh của rất nhiều trường/ khoa/ chương trình hợp tác quốc tế về đào tạo quản lý/ kinh doanh. Bên cạnh những lực đẩy vẫn còn đó rất nhiều những rào cản, từ quan điểm nhìn nhận giáo dục trong bối cảnh mới, cơ chế vận hành, chế độ đãi ngộ, đến vốn đầu tư cho giáo dục, trình độ của đội ngũ, sự non trẻ của các “thương hiệu giáo dục”…Con đường phía trước cho những ngôi trường đẳng cấp quốc tế còn nhiều gian nan, nhưng với sức bật mạnh mẽ của một nền kinh tế chuyển đổi và với khát vọng vươn lên của cả một dân tộc, chúng ta có quyền tin tưởng vào một hiện thực gần và cùng nhau chuẩn bị xây dựng những ngôi trường mơ ước.