Học PhD ở Mỹ

 Học PhD ở Mỹ

TS. Vũ Thế Dũng

Phần thưởng hay nỗ lực?
Có thể nói Du học là phần thưởng cho các nỗ lực. Câu văn có hai vế cân bằng: phần thưởng và nỗ lực. Trước khi đi du học hầu hết chúng ta đều chỉ để ý đến vế đầu tiên: phần thưởng. Vế thứ hai – những nỗ lực thường bị mờ đi trước những háo hức và kỳ vọng lớn. Thế nhưng ngay từ khi bước lên máy bay rời xa quê hương đến suốt quá trình sống và học tập ở nước ngoài, trật tự của hai vế trên đổi chỗ: nỗ lực là cái hiện thực, hàng ngày, liên tục không nghỉ, còn phần thưởng thì bớt lung linh hơn trước những nỗ lực quá lớn.
Có lẽ không ít các du học sinh, đặc biệt là du học sinh PhD (tiến sĩ) thường đặt hỏi “Học tiến sĩ để làm gì? Có đáng không?” hay có người chép miệng “đúng là không có cái dại nào giống cái dại nào”. Quả vậy, khác với các du học sinh bậc đại học/ cao học, các nghiên cứu sinh thường là những người đã có nhiều năm đi học, đi làm, có nhiều các ràng buộc về gia đình, xã hội. Do vậy chi phí cơ hội cho 4-6 năm đèn sách nơi xứ người, xa lạ từ ngôn ngữ, đến văn hóa, không người thân, bạn bè, thực sự rất lớn. Chi phí đã vậy, mà phần thưởng đôi khi cũng mơ hồ. Học xong về nước thì làm gì? đóng góp thế nào? – Câu hỏi rất lớn. Nói như vậy không có ý làm nản chí các bạn đang chuẩn bị du học mà chỉ để cho các lựa chọn có nhiều thông tin hơn, và khi đã quyết định thì quyết định đó là chín chắn.
Học PhD ở Mỹ
Bây giờ nói đến các giá trị của việc học PhD. Một điều không có gì phải bàn cãi đó là quá trình học này mang lại cho mỗi cá nhân rất nhiều lợi ích. Nó cung cấp một lượng kiến thức chuyên môn lớn, phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên ngành một cách hiện đại và bài bản. Nó tạo ra những nhà nghiên cứu có khả năng thực hiện các nghiên cứu mới, sáng tạo (chữ original research trong tiếng Anh hơi khó chuyển ngữ) với mục tiêu đóng góp cho sự gia tăng của tri thức nhân loại trong quá trình giải quyết các bài toán của thực tiễn và khoa học. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, các du học sinh còn học được rất nhiều từ văn hóa và cuộc sống hàng ngày trên đất bạn.
Yêu cầu tiên quyết để được chấp nhận vào các chương trình PhD tại Mỹ là TOEFL và GRE/ GMAT. Điểm càng cao càng có nhiều lợi thế, càng có nhiều cơ hội xin các học bổng dạng trợ lý nghiên cứu hay giảng dạy (TA, RA – loại học bổng phổ biến cho nghiên cứu sinh). Bằng Master (thạc sĩ) không bắt buộc ở một số trường, tuy nhiên phổ biến các trường yêu cầu phải có Master trước khi học PhD nếu không phải bổ sung một số môn học. Tiếng Anh có lẽ là rào cản lớn nhất cho mọi du học sinh. Đặc biệt là nghiên cứu sinh vì lúc này yêu cầu và tính chất cạnh tranh không bó hẹp trong một chương trình học mà mở ra phạm vi thế giới trong cả chuyên ngành của mình. Điểm TOEFL dù cao (trên 600, thậm chí 650) thì cũng chỉ là điểm khởi đầu. Mặt khác, tiếng Anh học thuật và tiếng Anh ở cuộc sống lại cũng có khoảng cách khá lớn. Nên chuẩn bị tiếng Anh càng tốt trước khi du học sẽ thuận lợi và thích nghi nhanh hơn.
Một chương trình PhD của Mỹ thường bao gồm 2 giai đoạn chính: 2-3 năm đầu học các chuyên đề (course work) và 2-4 năm sau làm luận án. Khác với một số trường của hệ thống Anh và Uc, khi đăng ký học PhD sinh viên phải có đề cương nghiên cứu, hệ thống của Mỹ không đặt nặng yêu cầu này. Quan điểm của họ cho rằng dù đã có bằng Master thì về mặt nghiên cứu sinh viên vẫn hoàn toàn mới mẻ và do vậy cần ít nhất 2 năm để đọc, nghiên cứu về chuyên ngành của mình trước khi có thể tự mình tiến hành nghiên cứu độc lập.
Giai đoạn học các chuyên đề hết sức vất vả vì yêu cầu rất cao và phải làm việc hết sức độc lập – đôi khi khá cô đơn. Khác với học đại học hay master mà học nhóm là phổ biến, học tiến sĩ chủ yếu tự mình nghiên cứu lĩnh vực mà mình quan tâm. Mặt khác một chương trình tiến sĩ cũng không nhiều sinh viên, chỉ vài người và lại rơi rụng trong quá trình học khá nhiều. Chẳng hạn khi tôi vào năm 1 thì chương trình Marketing có 4 sinh viên, nhưng đến năm 2 và 3 thì chỉ còn lại 2 người.
Giai đoạn 1 này là giai đoạn hết sức quan trọng, nó cung cấp rất nhiều kiến thức và kỹ năng. Nó cho sinh viên cơ hội tiếp cận với rất nhiều khối kiến thức, trường phái khác nhau trong chuyên ngành để sau đó mới biết mình thích gì và muốn nghiên cứu gì. Trong mỗi chuyên đề (seminar), mỗi sinh viên phải đọc, nhận xét, phản biện hàng trăm bài báo chuyên môn, tranh luận trên lớp, thực hiện các nghiên cứu độc lập và viết các bài báo (academic papers) – mà yêu cầu chất lượng phải có thể được chấp nhận ở các hội thảo hay tạp chí khoa học – vì đây cũng chính là phương pháp đánh giá một nhà nghiên cứu của Mỹ và thế giới.
Sau khi kết thúc giai đoạn 1, để chuyển sang giai đoạn 2, sinh viên phải dự một kỳ thi nói nôm na là thi hết những gì đã học (Comprehensive examination). Mỗi kỳ thi gồm 2 phần, viết và vấn đáp. Chỉ khi đã đạt ở kỳ thi viết mới chuyển sang kỳ thi vấn đáp. Tùy từng trường, nhưng nói chung kỳ thi này luôn được tổ chức nghiêm túc và yêu cầu cao để đảm bảo sinh viên có đủ kiến thức bước sang giai đoạn làm luận văn. Chẳng hạn ở chương trình tôi học thì thi rất vất vả, nó thực tế gồm đến 3 phần. Phần 1 là thi các kiến thức về thương mại quốc tế gồm có 3 bài thi trong 3 ngày, mỗi bài 3 tiếng. Kết thúc phần thi này thì đến phần thi chuyên ngành hẹp gồm 2 bài thi trong hai ngày, mỗi bài từ 3-4 tiếng. Sau khi có kết quả đạt ở hai phần thi này thì chuyển qua thi vấn đáp với hội đồng là tất cả các giáo sư trong bộ môn chừng hơn 1 tiếng. Sinh viên thi rớt có thể thi lại 1 lần nữa, nếu vẫn không vượt qua thì đương nhiên bị loại khổi chương trình.
Vượt qua kỳ thi này, các sinh viên có quyền hình thành hội đồng hướng dẫn gồm tối thiểu 3 giáo sư, trong đó có 1 giáo sư không thuộc bộ môn mà sinh viên học. Giai đoạn này là giai đoạn nghiên cứu độc lập, sinh viên tự lên kế hoạch và nhận sự hướng dẫn của các giáo sư.
Tuyển dụng các PhD
Ở giai đoạn làm luận văn sinh viên có thể bắt đầu tìm việc làm – thường là các vị trí trong trường đại học hay viện nghiên cứu. Quá trình tuyển dụng cũng rất khoa học. Các trường và viện thường tổ chức phỏng vấn tại các hội thảo khoa học của từng chuyên ngành. Các sinh viên chưa hoặc mới tốt nghiệp sẽ vừa tham dự hội thảo vừa tham dự phỏng vấn tìm việc. Các trường sau đó sẽ chọn một số ít ứng viên phù hợp và mời đến trường để tham quan (gọi là job talk). Các trường sẽ lo chi phí đi lại, ăn ở (thường 2-3 ngày). Trong những ngày này ứng viên sẽ có những buổi trình bày (presentation) cho hội đồng tuyển dụng và sinh viên, họ cũng sẽ tiếp xúc và được phỏng vấn bởi hầu hết các nhân sự trong trường như trưởng khoa, phó khoa, giáo sư các bộ môn, sinh viên (PhD hay Master)…Bên cạnh danh tiếng của trường và chương trình mà ứng viên theo học, thì thành tích khoa học thể hiện qua những bài báo đang thực hiện hay đã công bố là cơ sở chính để các trường chọn lựa. Điểm số trong quá trình học PhD không phải là vấn đề quan trọng miễn là vượt qua 3.2 hoặc 3.5/4 tùy theo yêu cầu của mỗi trường. Các trường của Mỹ thường không giữ sinh viên lại làm việc sau khi tốt nghiệp mà nhận những PhD từ các trường khác. Đây cũng là một cách tiếp cận khá hay để thay đổi và làm mới không khí học thuật của các trường.
Phải khẳng định rằng hệ thống từ đào tạo, đến đánh giá, và tuyển dụng sau đào tạo của Mỹ được tổ chức hết sức khoa học và mang tính cạnh tranh rất cao. Việc sử dụng các bài báo khoa học được công bố làm tiêu chí quan trọng nhất trong tuyển dụng là một việc làm rất có ý nghĩa vì đây là thang đo khách quan nhất và cũng chính là cơ chế chống sao chép hiệu quả nhất. Những sản phẩm sao chép sẽ không thể lọt qua được các vòng thẩm định của các chuyên gia phản biện trước khi cho công bố và dù có lọt qua vòng này thì không thể loạt qua cả một cộng đồng nghiên cứu sau khi được công bố. Với cơ chế này không ai dám đánh đổi sự nghiệp khoa học của mình cho hành vi thiếu trung thực trong khoa học.
Hàng năm các hiệp hội chuyên ngành đều công bố những thống kê về số lượng PhD tốt nghiệp trong năm, vị trí mà họ nhận được sau khi tốt nghiệp, yêu cầu tuyển dụng của từng nhóm trường, số bài báo trung bình một ứng viên thành công có đối với từng nhóm trường khác nhau (trường công, trường tư, trường nghiên cứu, trường giảng dạy..), thu nhập trung bình… Đây chính là các nguồn thông tin quan trọng để các sinh viên đang học phấn đấu.
Vài suy nghĩ về đào tạo PhD tại Việt Nam
Trình độ ngoại ngữ – đặc biệt là tiếng Anh – cần phải được đặc biệt đầu tư khi bước vào các chương trình PhD. Nếu không có ngoại ngữ thì gần như không thể thực hiện được các nghiên cứu mới vì không biết được bạn bè bên ngoài đã làm gì, còn thiếu gì và mình nên làm gì. Tiếng Anh không chỉ cần thiết để tiếp cận các nguồn tài liệu khoa học mà còn là phương tiện để trao đổi kiến thức thông qua viết báo khoa học và tham dự các hội thảo khoa học quốc tế. Điểm thứ hai là cần cải thiện chất lượng và tăng trọng số cho các chuyên đề đang giảng dạy trong các chương trình PhD trong nước vì đây là giai đoạn chuẩn bị hết sức quan trọng cho quá trình nghiên cứu sau này. Điểm cuối cùng là để bậc học này đúng nghĩa là bậc học cao nhất thì cần đầu tư nhiều cho nó. Không thể cứ trách các thầy cô và nghiên cứu sinh không làm tốt nhiệm vụ khi họ không có được các trang thiết bị tối thiểu như internet, thư viện điện tử, phòng thí nghiệm để thực hiện các nghiên cứu của mình.
Bài viết đã đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật, ngày 27/2/2005
http://www2.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=68239&ChannelID=13

Bài trước

Bài tiếp