Nhân việc GS-TS T.N.T bị tố giác sử dụng một phần giáo trình nước ngoài cho giáo trình do ông chủ biên mà không dẫn nguồn, Báo NLĐ xin giới thiệu ý kiến của TS Vũ Thị Phương Anh quanh vấn đề này LTS: Nhân việc GS-TS T.N.T bị tố giác sử dụng một phần giáo trình nước ngoài cho giáo trình do ông chủ biên mà không dẫn nguồn, Báo NLĐ xin giới thiệu ý kiến của TS Vũ Thị Phương Anh quanh vấn đề này
Giáo trình của GS-TS T.N.T đã bị một người khác chép và người này đã bị xử lý vì hành vi đạo văn. Cái khác là người kia chỉ sao chép thì ông và nhóm cùng đứng tên tác giả giáo trình đã mất thêm thời gian và công sức để dịch tài liệu – một việc mà GS Nguyễn Văn Tuấn gọi là “đạo dịch”.
Hành vi không thể chấp nhận
Việt
Để góp phần vào cuộc đối thoại trên, tôi xin đưa ra một số định nghĩa về đạo văn theo quan điểm của phương Tây. Hai tài liệu chính mà tôi sử dụng là: “Plagiarism in colleges in USA” (Đạo văn trong trường ĐH ở Mỹ) của Ronald B. Standler, công bố năm 2000; và “Academic misconduct, definitions, legal issues, and management” (Vi phạm trong học thuật, định nghĩa, những vấn đề luật pháp và việc quản lý) của P. A. Addison, công bố năm 2001.
Có rất nhiều định nghĩa về đạo văn đã được đưa ra. Những định nghĩa này có khác nhau ít nhiều về mặt kỹ thuật, chẳng hạn như phân biệt các mức độ chép từ bản gốc: chép nguyên văn (đạo văn); chép một phần và “chế” một phần (độn văn); đạo văn cố ý và đạo văn không cố ý. Tuy nhiên, cho dù có những khác biệt thì tất cả định nghĩa về đạo văn đều xem đó là hành vi vi phạm đạo đức không thể chấp nhận trong giới trí thức.
Đạo văn: Chép không dẫn nguồn
Đơn giản và rõ ràng nhất, đạo văn là chép của người khác mà không dẫn nguồn. Standler định nghĩa: Trong trường hợp nhẹ, đạo văn là trích dẫn một vài câu, không đặt trong ngoặc kép và không chú dẫn tác giả thật.
Trong trường hợp nặng nhất, phần lớn của bài viết/tác phẩm là của người khác: kẻ đạo văn đã bỏ tên tác giả thật ra và thay vào đó bằng tên mình, có thể thay đổi chút ít về hình thức văn bản.
Nếu diễn đạt lại ý tưởng của người khác bằng lời của mình chứ không chép nguyên xi thì có bị xem là đạo văn không? Theo Standler, ngay cả khi câu chữ đã bị thay đổi hết nhưng ý tưởng gốc không đổi thì vẫn bị xem là đạo văn.
Sách dịch của nước ngoài được mua bản quyền. Ảnh: HOÀNG KIM
Tuy nhiên, trong trường hợp này cần chứng minh nghi can đạo văn có biết đến tác phẩm gốc hoặc thậm chí có sẵn tác phẩm đó trong tay khi sửa lại câu chữ. Hiện tượng này có thể tạm gọi là “nhái văn”, một dạng của đạo văn, nó giống như làm hàng nhái, cũng là một loại ăn cắp ý tưởng.
Việc dịch từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác (“đạo dịch” theo cách gọi của GS Nguyễn Văn Tuấn) về bản chất cũng giống như việc diễn đạt lại bằng lời lẽ của mình và vì thế cũng là đạo văn.
Chú ý là theo Standler, đạo văn là đạo văn, dù vô tình hay cố ý, không thể bào chữa bằng cách nói rằng “Tôi quên”…
Vi phạm Luật Bản quyền
Trong luật Mỹ, người sở hữu tác phẩm có bản quyền có thể kiện kẻ đạo văn ra tòa án liên bang vì vi phạm Luật Bản quyền. Trong bài viết của mình, Standler nêu rõ mọi tác phẩm được tạo ra ở Mỹ sau ngày 1-3-1989 đương nhiên bảo vệ bởi luật bản quyền.
Ngoài tội vi phạm luật bản quyền, Standler cho rằng kẻ đạo văn còn phạm tội mạo danh. Sự mạo danh, bản chất là một sự lừa bịp. Chính vì vậy, Standler đã kết thúc phần viết về tội mạo danh của kẻ đạo văn với những lời lẽ rất nặng nề: Dùng những từ như “vi phạm trong học thuật” để mô tả việc đạo văn là quá khô khan và quá nhẹ nhàng. Đạo văn chính là một sự lừa bịp.
Thiết nghĩ, Nhà nước cũng như các trường ĐH Việt Nam cần sớm có các quy định cùng các quy trình và thủ tục xử lý việc đạo văn, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo nld.com.vn