Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Sắp vận hành Hệ thống IoT check-in Bách khoa

Đây là giai đoạn cuối cùng trong quá trình nghiên cứu. Ưu điểm của phiên bản nâng cấp mới nhất này là giảm một nửa thời gian check-in, nhận diện và lưu trữ thông tin vào hệ thống dữ liệu trung tâm.

Hệ thống IoT check-in Bách khoa

Sau thời gian nghiên cứu, nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa chính chức cho ra mắt hệ thống IoT check-in Bách khoa phiên bản mới nhất để phục vụ việc kiểm soát người ra vào trường với nhiều tính năng ưu việt. Đây là phiên bản nâng cấp mới nhất của máy đo thân nhiệt và rửa tay tự động tích hợp IoT đã ra mắt trước đó. Sản phẩm do PGS.TS. Quản Thành Thơ – Phó Trưởng Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, TS. Lê Thanh Long – giảng viên Khoa Cơ khí, TS. Võ Thanh Hằng – giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên, ThS. Bùi Công Tuấn – chuyên viên Phòng Đào tạo hướng dẫn.

Ở chiếc máy đầu tiên, nhóm nghiên cứu được được đánh giá cao bởi khả năng ứng dụng và tích hợp nhiều chức năng cần thiết trong cùng một sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm chưa được tối ưu hóa ở mức cao nhất để triển khai tại các địa điểm công cộng trong trường. Chính vì vậy, sau một thời gian liên tục nghiên cứu, cải tiến, nhóm đã nâng cấp được sản phẩm ở các ưu điểm sau:

Rút ngắn quy trình quét thẻ, nhận diện, đo nhiệt độ

Ở phiên bản cũ, quy trình này mất khoảng 10 giây/lượt. Vào lúc thấp điểm không có nhiều người ra vào trường thì năng suất này có thể chấp nhận được. Tuy nhiên ở giai đoạn cao điểm có nhiều giảng viên và sinh viên tới trường như buổi sáng thì 10 giây là quá nhiều, có thể gây ùn tắc tại các cổng. Theo góp ý từ Ban Giám hiệu, sản phẩm cần giảm một nửa thời lượng quy trình để xử lý tình huống trên. Nhờ vậy, chiếc máy chỉ còn mất năm giây để hoàn tất toàn bộ công đoạn.

Nhận dạng tình trạng chích vắc-xin

Khi người ra vào quét thẻ, hệ thống nhận diện sẽ thông báo về tình trạng chích vắc-xin với ba đèn báo hiệu: xanh, đỏ, vàng. Đèn xanh nghĩa là người đó đã được chích hai mũi vắc-xin ngừa COVID-19 (đủ điều kiện vào trường công tác và học tập), đèn vàng là một mũi, đèn đỏ là chưa có mũi nào. Đi kèm tín hiệu đèn, máy cũng được tích hợp giọng nói để người bảo vệ dễ dàng kiểm soát. Tất cả thông tin này đều được truyền về hệ thống lưu trữ dữ liệu trung tâm để trích xuất trong trường hợp cần thiết.

Tối ưu hóa kích thước máy

Vơi phiên bản này, nhóm nghiên cứu đã thu gọn kích thước để dễ di chuyển và đỡ tốn diện tích, đồng thời giảm giá thành. Bên cạnh đó, kiểu dáng máy cũng được cắt gọn cho thẩm mỹ và hài hòa hơn.

Sản phẩm là thành quả điển hình của việc hợp tác nghiên cứu khoa học đa lĩnh vực của các sinh viên đến từ nhiều ngành: Kỹ thuật Máy tính, Kỹ thuật Điện – Điện tử, Kỹ thuật Cơ khí.

Chia sẻ về quá trình cải tiến sản phẩm, bạn Nguyễn Thế Bình (sinh viên K2020, ngành Kỹ thuật Máy tính, chương trình Chất lượng cao) và bạn Mai Hoàng Kim Sơn (sinh viên K2018, ngành Kỹ thuật Cơ khí, chương trình Đại trà) cho biết, “Tình hình dịch lần này phức tạp hơn, nhóm tụi em mỗi người mỗi tỉnh, rất khó để gặp nhau trực tiếp, đôi lúc có khó khăn nhưng cuối cùng nhóm cũng tìm được giải pháp. Những bạn không đến được trường thì mình làm việc trực tuyến, may mắn là các bạn đó phụ trách phần IT nên không thể làm khó nhóm em được”.

Hiện tại, hệ thống IoT check-in Bách khoa đang được hội đồng khoa học nghiệm thu để đưa vào sử dụng càng sớm càng tốt khi sinh viên Bách khoa chính thức học tập trực tiếp tại trường. Mục tiêu của trường là có thể kiểm soát COVID-19, đảm bảo an toàn cho sinh viên và cán bộ công nhân viên nhà trường.

Không chỉ gói gọn trong phạm vi Trường ĐH Bách khoa, vừa qua, TS. Võ Thanh Hằng cùng nhóm sinh viên đã mang hệ thống IoT check-in Bách khoa tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu với chủ đề “Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia”. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ hoàn tất đơn đặt hàng của các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM và hướng đến thương mại hóa sản phẩm.

Bài: GIA NGHI – Hình: MAI KHUYÊN

Bài trước

Bài tiếp