Ai bảo Brisbane là buồn? Nơi đây không phức tạp như Sydney, chẳng đông đúc như Melbourne, nhưng lúc nào cũng tràn ngập nắng ấm và những niềm vui chở nhau trên vòng quay xe đạp.
Ai bảo Brisbane là buồn? Nơi đây không phức tạp như Sydney, chẳng đông đúc như Melbourne, nhưng lúc nào cũng tràn ngập nắng ấm và những niềm vui chở nhau trên vòng quay xe đạp.
Hơn một năm trước, sau khi kết thúc chương trình đào tạo ở Đại học Bách Khoa TP.HCM và hoàn tất toàn bộ những giấy tờ cần thiết để chuyển tiếp sang Úc, trong tôi vui buồn lẫn lộn. Vui vì mình đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên của chương trình Liên kết Quốc tế và sắp được đi du học ở Đại học Queensland (The University of Queensland, UQ) – một trường đại học (ĐH) danh tiếng không chỉ ở Úc mà còn trên thế giới.
Anh tôi đi du học ở Canada và hiện đang làm việc tại New York, chỉ còn tôi và ba mẹ. Ba tôi lại hay đi công tác xa nhà, nghĩ đến những lúc chỉ còn mẹ ở nhà một mình mà tôi thấy buồn. Nhưng theo kế hoạch, tôi vẫn phải tiếp tục vì đây là con đường mà tôi đã chọn và bố mẹ luôn ủng hộ tôi.
Brisbane nhỏ nhắn, hiền hòa, dễ chịu như Đà Lạt của Việt Nam. Cảnh vật yên bình và con người thân thiện nơi đây khiến tôi cảm thấy nơi chốn này gần gũi như chính ngôi nhà của mình vậy.
Cũng xin nói thêm, tôi vốn có ý định du học từ lớp 11, nhưng nhận thấy thời cơ chưa đến nên quyết định nán lại đợi sau khi tốt nghiệp cấp III rồi mới lên đường. Một năm sau đó, khi học lớp 12 cũng là lúc các chương trình liên kết quốc tế ở các nơi bắt đầu phát triển.
Đam mê ngành Công nghệ Thông tin, ban đầu, tôi dự định học chương trình liên kết của Trường ĐH Công nghệ Thông tin – ĐH Quốc gia TP.HCM (với ĐH đối tác Canada), nhưng sau khi suy nghĩ lại, vì anh hai đã học ở Canada rồi nên tôi quyết định đi nước khác để tự mình trải nghiệm môi trường học tập và sinh sống. Do vậy, tôi đã chọn OISP!
Tôi nhớ mãi lời dặn của thầy Vũ Thế Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, từng nói trong lớp kỹ năng mềm của học kỳ Pre-University rằng, khoảng thời gian đầu mới chuyển tiếp sang Úc tựa như tuần trăng mật vậy, ai cũng vui vẻ tận hưởng một đất nước mới, văn hóa mới, con người mới, giống như là ta đang đi du lịch vậy.
Sau khi nó trôi qua, ta mới bắt đầu cảm thấy nhớ nhà, nhớ những điều quen thuộc mà có thể còn lâu lắm ta mới có thể gặp lại. Sau này, khi nhìn lại những ngày đã qua, tôi mới thấy kinh nghiệm đó không sai chút nào.
Khoảng thời gian đầu mới chuyển tiếp sang Úc tựa như tuần trăng mật vậy, mọi thứ đều ngọt ngào và đáng yêu.
Tôi may mắn có được những mối quan hệ từ gia đình và người quen, nhất là một số gia đình người Việt định cư bên đây đã lâu. Tuy không thân thiết, nhưng họ vẫn nhiệt tình giúp đỡ. Với một du học sinh xa nhà, khi mới sang còn lạ nước lạ cái, những mối quan hệ và sự giúp đỡ ấy rất đáng quý. Có lẽ vì thế mà tôi hòa nhập và thích nghi với cuộc sống rất dễ dàng.
Những tháng đầu tiên khi mới sang, nhờ người quen giới thiệu mà tôi tham gia vào nhóm tình nguyện dạy tiếng Việt cho trẻ em người Úc gốc Việt, con của những gia đình định cư bên này đã lâu.
Bản thân tôi thấy người Úc khá thân thiện chứ không kỳ thị như một số người vẫn nói. Có vài lần, tôi nghe một số người cằn nhằn rằng họ bị kỳ thị, nhưng kỳ thực khi đi làm thêm nhiều nơi, nhà máy, xí nghiệp, quán café, pub cũng như bar – nghĩa là mức độ tôi tiếp xúc với công dân Úc là rất thường xuyên, nhưng tôi chưa bao giờ bị kỳ thị. Không biết do tôi may mắn hay do cách ứng xử của những người “bị kỳ thị” làm người khác ngứa mắt.
Khi mới sang, cũng như nhiều người, tôi hay có thói quen nhẩm tính tiền Việt khi đi siêu thị. Nhìn cái gì cũng đổi từ AUD sang VNĐ (*) để so sánh với ở Việt Nam. Nhưng sau một thời gian, tôi thấy nếu mình cứ làm vậy thì thà mình nhịn đói cho xong chứ mua làm gì khi mà mỗi lần đổi từ AUD sang VNĐ là mỗi lần xót ruột.
Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là tôi tự cho mình cái quyền được mua thoải mái, thích ăn gì mua nấy. Tiết kiệm là điều chắc chắn phải làm, tuy nhiên, chúng ta có thể tự đặt cho mình một giới hạn chi tiêu nào đó cho phù hợp. Đừng quá tiết kiệm để rồi ăn không đủ no, áo không đủ ấm.
Và nếu bạn nào muốn tham khảo, thì với tôi, khoảng 35-45 AUD/tuần là đủ cho mình ăn no cộng thêm vài món ăn vặt khác. Qua trao đổi với bạn bè về số tiền ba mẹ gửi hàng tháng, ai cũng hỏi sao tôi đủ tiêu. Nhưng một năm rồi, tôi vẫn sống khỏe và số tiền hàng tháng ấy vẫn không đổi. Phải chăng là do tôi có “quỹ đen” hay là do lý do nào khác?
Thỉnh thoảng, tôi và nhóm bạn người Việt mở party nho nhỏ tại nhà. Đây là dịp chúng tôi cùng quây quần, chia sẻ những câu chuyện về Việt Nam (tôi ngồi thứ hai từ phải qua).
Về học tập thì tôi phải công nhận UQ đào tạo rất chất lượng và bài bản. Hệ thống hỗ trợ sinh viên (SV) rất quy củ và hữu dụng. Môn nào cũng đề cao tính tự học, tự nghiên cứu. Cụ thể, một tuần chỉ có khoảng 2-3 tiết lecture, 2-3 tiết tutorial hoặc practical. Thời gian còn lại do chính SV tự quản lý và phân bố các môn cho thích hợp.
Với các môn lý thuyết, để nắm vững nội dung thì SV phải tự tìm sách để đọc thêm vì giáo viên chỉ tóm tắt những ý chính trong tiết lecture mà thôi. Việc học bên đây không đề cao tính chuyên cần, SV có thể đến lớp hoặc không (ngoại trừ một số môn có chấm điểm attendance – một dạng điểm danh, hoặc có những hoạt động tính điểm trong lớp), miễn sao họ có thể nắm vững kiến thức và hoàn thành các bài assignment, project là ổn.
Tóm lại, tôi thấy cuộc sống bên này không quá khắt nghiệt. Ai bảo Brisbane buồn chứ bản thân tôi thấy nó không buồn chút nào, chẳng qua họ chưa tìm thấy nét đặc trưng của Brisbane mà thôi. Nơi đây không phức tạp như Sydney, chẳng đông đúc như Melbourne, nhưng lúc nào cũng tràn ngập nắng ấm và những niềm vui chở nhau trên vòng quay xe đạp…
Brisbane tràn ngập nắng ấm và những niềm vui chở nhau trên vòng quay xe đạp.
Cuộc sống về đêm của Brisbane rộn ràng, sôi động, nhưng lại không quá xô bồ. Nó tuần tự và nhịp nhàng như vòng quay rollercoaster…
Tự sự của TRẦN PHÙNG MINH HIỂN – Ảnh: tác giả
Sinh viên chương trình Liên kết Quốc tế ngành Công nghệ Thông tin (Kỹ sư Phần mềm) khóa 2010
Chuyển tiếp sang Đại học Queensland (University of Queensland, UQ), Úc năm 2013
——————————
(*) 1 AUD ≈ 20.000 VND
Đại học Queensland, Úc – The University of Queensland (UQ) đang là đối tác của Đại học Bách Khoa TP.HCM trong chương trình đào tạo Liên kết Quốc tế ngành Điện – Điện tử và Công nghệ Thông tin. Chương trình do Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) điều phối và vận hành. UQ thành lập năm 1909, tự hào là thành viên của Group of Eight (Go8) – nhóm các trường ĐH Úc dẫn đầu về nghiên cứu, và Universitas 21 – mạng lưới các trường ĐH nghiên cứu chuyên sâu hàng đầu thế giới, xếp thứ 40 trong Top 100 ĐH hàng đầu thế giới (Times Higher Education 2014). Mô hình đào tạo chính của OISP là 2+2, SV học 2 năm tại ĐH Bách Khoa TP.HCM và 2 năm tại UQ. Nội dung chương trình học tại Việt Nam hoàn toàn bằng tiếng Anh. Bằng cấp do UQ cấp có giá trị quốc tế. OISP cam kết hỗ trợ SV hoàn tất thủ tục chuyển tiếp sang các trường đối tác, bao gồm: làm các thủ tục nhập học, chuyển tiếp sang trường đối tác; tư vấn thủ tục chứng minh tài chính, xin visa; hỗ trợ đăng ký ký túc xá, tìm nhà ở cho SV. Hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển khóa 2014: đến hết ngày 16/8. Vui lòng truy cập vào đây để biết thông tin về điều kiện xét tuyển đầu vào và các bước nộp hồ sơ. |