Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

“Càng học càng muốn đi, càng đi càng muốn học”

Duy Vo 02aSuy nghĩ ấy đã hình thành trong Võ Nguyễn Khang Duy từ những năm cuối cấp ở Cần Thơ, khi cậu bé miệt sông nước Tây Nam Bộ quyết chí chọn Ngành Xây dựng thuộc chương trình liên kết quốc tế của ĐH Bách khoa TP.HCM với ĐH Griffith (Brisbane, Úc) làm mục tiêu học tập trong tương lai của mình.

Suy nghĩ ấy đã hình thành trong Võ Nguyễn Khang Duy từ những năm cuối cấp ở Cần Thơ, khi cậu bé miệt sông nước Tây Nam Bộ quyết chí chọn Ngành Xây dựng thuộc chương trình liên kết quốc tế của ĐH Bách khoa TP.HCM với ĐH Griffith (Brisbane, Úc) làm mục tiêu học tập trong tương lai của mình.

Duy Vo

Võ Nguyễn Khang Duy khi còn học tại Việt Nam (ảnh trái) và chuyển tiếp sang Úc.

Để rồi, khi vỡ òa hạnh phúc cầm giấy báo trúng tuyển từ Văn phòng Đào tạo Quốc tế – ĐH Bách khoa TP.HCM (OISP) trên tay, Duy mới dự cảm rõ nét hơn về hướng đi sắp tới của mình: nhất định phải trở thành một kỹ sư xây dựng giỏi, không những vững tay nghề mà còn thích nghi tốt với môi trường đa văn hóa. Đó cũng là lý do vì sao Duy chọn du học Úc qua hình thức 2+2, nghĩa là 2 năm học tại Việt Nam và 2 năm chuyển tiếp sang Úc.

Thời gian học tại ĐH Bách khoa TP.HCM đã đem đến nhiều kiến thức quý báu và kỷ niệm khó quên trong Duy. Chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh do các giáo sư, tiến sĩ, giảng viên chuyên nghiệp trực tiếp giảng dạy giúp Duy sớm làm quen với môi trường giáo dục quốc tế, điều mà sau này đã trở nên vô cùng hữu ích với Duy khi mới sang Úc học, giảm thiểu tối đa tâm lý “sốc văn hóa” khi chuyển đổi môi trường sống. Những chuyến thực tập tại Cảng Cát Lái, Nhà máy bia Tiền Giang… càng thôi thúc Duy muốn đi, đi nhiều hơn và xa hơn, để mở rộng chân trời tri thức.

chuong-trinh-lien-ket-quoc-te-nganh-xay-dung

Duy (hàng ngồi, bìa trái) trong chuyến thực tập cùng sinh viên Ngành Xây dựng – chương trình liên kết quốc tế của ĐH Bách khoa TP.HCM, tại Nhà máy Bia Tiền Giang.

Qua tìm hiểu, Duy nhận thấy ĐH Queensland – cũng nằm trong hệ thống chương trình liên kết quốc tế của ĐH Bách khoa TP.HCM – thích hợp với khả năng của mình hơn, nên quyết định chuyển tiếp sang trường này.

Sau hai năm nỗ lực học tập tại ĐH Bách khoa TP.HCM (Ngành Xây dựng, khóa 2011), từ ngày 1/3/2014, Võ Nguyễn Khang Duy (1993) đã chính thức trở thành tân sinh viên của ĐH Queensland. Bể học nơi đây chào đón chàng tân sinh viên Việt Nam đến khám phá…

NHỜ DU HỌC MÀ GIỎI… NẤU NƯỚNG

Mới hai tháng sống ở xứ người nên Duy chưa biết cách sắp xếp cuộc sống cho cân bằng, mọi thứ còn đang trong quá trình hoàn thiện và ổn định. Từ một “cậu ấm” được gia đình chăm lo chu đáo ở quê nhà, nay Duy phải tự lo hết mọi thứ, từ chỗ ở cho đến việc đi lại, ăn uống.

Đâu ai nghĩ một anh chàng kỹ sư xây dựng rắn rỏi ngày nào ở Bách khoa, tưởng chừng chỉ biết có bản vẽ, đồ án, công trình, máy móc, bê-tông cốt thép… nay trở thành một đầu bếp “DIY” tài ba, có thể tự “dọn” các món gà nướng, đậu cô-ve xào thịt bò, sườn xào chua ngọt… “ngon lành cành đào”. Mách nhỏ, Duy còn biết tự cắt tóc cho chính mình nữa đấy!

Duy Vo - ban ve

Duy Vo - nau nuong

Đâu chỉ biết mỗi bản vẽ, đồ án, công trình… hai tháng đầu làm quen với việc sống tự lập tại Úc, Duy còn lên tay nghề nấu ăn, thậm chí là làm phó cạo cho chính mình.

Nhờ tự nấu nướng nên tiền ăn trung bình mỗi tháng của Duy chỉ khoảng 200 AUD (gần 4 triệu đồng), 800 AUD/tháng (gần 16 triệu đồng), tiết kiệm được 200 AUD so với mức chi tiêu trung bình cho ăn uống của các du học sinh tại Úc (1.000 AUD/tháng).

Ngày đầu chân ướt chân ráo sang Úc, Duy ở chung nhà với các sinh viên khóa 10 Công nghệ Thông tin. Được một tuần thì Duy tìm được chỗ trọ ghép (homeshare) cùng một sinh viên khóa trên với mức giá 150 AUD/tuần (gần 3 triệu đồng). Giá thuê ký túc xá ở đây khá mắc, 250-300 AUD/tuần (5-6 triệu đồng), nên đa phần sinh viên Việt Nam du học Úc thường chọn hình thức thuê nhà ở ghép hoặc ở cùng người bản xứ (homestay, khoảng 100 AUD/tuần, tương đương 2 triệu đồng).

Tuy nhiên, chỗ ở của Duy khá bất tiện. Nhà ngay dưới chân núi, mỗi ngày Duy phải dậy từ rất sớm, đi bộ khá xa để bắt hai chuyến xe buýt tới trường (mỗi tiếng mới có một chuyến), thành thử việc đi lại còn tốn nhiều thời gian. Duy dự tính trong thời gian tới sẽ kiếm nhà gần trường hơn để tiện việc học.

Hỏi về việc làm thêm, Duy nói muốn dành quãng thời gian này để làm quen với cuộc sống và môi trường học tập, nên khoan chưa nghĩ đến việc kiếm tiền. Tại Úc, chính phủ cho phép sinh viên quốc tế có thị thực du học Úc được phép làm việc bán thời gian ngay khi nhập học, tối đa 20 giờ/tuần. Du học sinh Việt sang đây thường làm công việc bưng bê, phục vụ ở các quán ăn hoặc hái nho thời vụ, tiền công khoảng 8-12 AUD/giờ (160-240.000 đồng). Học kỳ sau, khi đã sắp xếp lịch học ổn định, Duy sẽ tìm việc làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt.

TỰ LẬP HẾT CỠ, TỰ HỌC HẾT SỨC

Tại Úc, đã có nhiều nhóm du học sinh Việt Nam được thành lập nhằm hướng dẫn cho người mới sang bắt nhịp với môi trường mới. Tuy nhiên, sau khi giải quyết được những bỡ ngỡ ban đầu, bản thân mỗi học viên phải chủ động trong mọi việc. Ngoài những giờ học trên lớp, tự nghiên cứu trong thư viện và thảo luận với bạn bè thì việc gặp gỡ, trao đổi thường xuyên với các giảng viên là rất quan trọng.

Đó là ưu điểm lẫn thách thức của môi trường giáo dục Úc với sinh viên Việt Nam: phát huy tinh thần tự học, tự chủ của mỗi người. “Cách thức này buộc sinh viên phải luôn rèn luyện và trau dồi. Hễ bạn ngừng lại là thụt lùi” – Duy nói.

Duy Vo 02

Môi trường học tập phát huy tính sáng tạo và tự chủ của sinh viên tại Úc giúp Duy ngày càng chững chạc hơn.

“Thích nhất ở ĐH Queensland là hệ thống ghi hình bài giảng, sinh viên nào không hiểu thì lên web trường xem lại. Thứ hai là tiết tutorial, được mở mỗi tuần một lần để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của sinh viên. Những tiết đó thực sự rất hữu ích, trong khi ở Việt Nam thì tiết này chỉ được mở trước khi thi học kỳ” – Duy chia sẻ.

Có lẽ khơi đúng đề tài tâm đắc nên anh chàng kể tiếp đầy hứng thú: “Cái nữa là cơ cấu làm việc rất quy củ thông qua ứng dụng Blackboard. Nhờ đó, sinh viên có thể tìm mọi thứ liên quan tới môn học, từ tài nguyên, thư viên, bài luận, tất tần tật…, thậm chí là bài luận trực tuyến để sinh viên làm và tính điểm tại chỗ. Sau cùng là clicker, một remote nhỏ để chọn đáp án trắc nghiệm ngay trong bài giảng, điểm danh và nhận phản hồi từ giảng viên”.

Cũng chẳng có bí quyết học tập nào ghê gớm cả, Duy bảo “chỉ cần bạn chịu khó nghiên cứu trước bài học và chuẩn bị sẵn câu hỏi để lên lớp thảo luận”. Duy nhấn mạnh, tinh thần tự lập, tự học là yếu tố quyết định thành công của sinh viên tại môi trường giáo dục Úc.

Bên cạnh đó, còn phải biết sắp xếp quỹ thời gian khoa học – đó là điều mà Duy thấy mình chưa hoàn thiện. Mỗi ngày, việc học và sinh hoạt đã ngốn hết thời gian của Duy, học ở trường từ 5-7 tiếng, tối về học 4 tiếng, thời gian tắm rửa cơm nước cũng mất 2 tiếng, trừ thời gian ngủ nghỉ thì Duy chỉ còn khoảng 3 giờ cho cá nhân. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, Duy cùng vài người bạn lên thành phố đi dạo, ăn uống hoặc chơi billiards.

Duy Vo - tiec tung

Duy Vo - billards

Một trong những môn thể thao giải trí mà Duy “kết” nhất là billards (ảnh dưới). Ngoài ra, tranh thủ lúc rảnh rỗi, Duy còn họp mặt ăn uống cùng bạn bè.

Duy cũng đưa ra khuyến cáo, vào được ĐH Úc chỉ mới là bước dạo đầu. Quan trọng là nỗ lực của bản thân trong suốt quá trình theo học. “Lười học, nghĩa là thiếu trách nhiệm với bản thân, sớm muộn gì cũng không trụ nổi hoặc học hành sa sút”.

THI CA – Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp