Cuộc đời tôi có lẽ đã trở thành một thầy giáo dạy tiếng Anh bình lặng sống qua ngày nếu ngày đó tôi không.. rớt đại học.
Cuộc đời tôi có lẽ đã trở thành một thầy giáo dạy tiếng Anh bình lặng sống qua ngày nếu ngày đó tôi không.. rớt đại học (ĐH).
Vâng, tôi đã trượt ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM – Ngành Ngữ văn Anh, con đường mà mẹ đã vạch ra cho tôi vì muốn tôi có một nghề nghiệp an toàn và ổn định. Có lẽ thứ mình không thích thì sẽ không đủ nỗ lực để đạt được nó. Ha ha, một sự biện minh chăng? Dù sao, với tôi, không đậu ĐH năm đó có thể xem là một điều may mắn, vì nó mở ra cho tôi một con đường hoàn toàn mới để tôi được sống đúng với đam mê, hoài bão của bản thân.
Hoàng Ngọc Phúc, sinh viên (SV) ngành Quản trị Kinh doanh khóa 2010, Chương trình Liên kết Quốc tế – ĐH Bách Khoa.
Như một cơ duyên, tôi vào học ngành Quản trị Kinh doanh thuộc chương trình Liên kết quốc tế – ĐH Bách Khoa TP.HCM (OISP). Tôi muốn sống hết mình với tuổi trẻ của mình. Tôi muốn thành doanh nhân, tôi muốn chứng tỏ khả năng của mình, tôi muốn làm nhiều thứ lắm. Càng học, tôi càng thấy được những điều thú vị mà ngành học này mang lại. Nó vận dụng khả năng sáng tạo và linh hoạt trong công việc.
Việc học tại OISP giúp tôi nhận ra, ngoài sự hướng dẫn tận tình của giảng viên và sự giúp đỡ từ bạn bè, còn cần phải có sự tự lực mạnh mẽ từ chính bản thân. Nếu bạn muốn vươn xa hơn thì cần phải nỗ lực chủ động thật nhiều, không những trong học tập mà còn trong các hoạt động SV.
Thành quả đáng nhớ nhất của tôi khi học ở OISP là đã cùng bạn bè thành lập CLB OISP Guitar. Và nó đã rất thành công! Nhận được hưởng ứng tích cực từ các bạn sinh viên đã đem lại cho tôi và bạn bè niềm vui nho nhỏ về điều có ích mình làm được. À, nếu bạn đang và chuẩn bị học tại OISP, hãy thử tham gia CLB OISP Guitar của chúng tôi nhé!
CLB Guitar OISP của chúng tôi.
Qua Mỹ du học tại ĐH Illinois at Springfield, tháng ngày học tập ở đây là những trải nghiệm hoàn toàn thú vị. Buồn vui dĩ nhiên luôn đan xen trong cuộc sống của những đứa sinh viên du học xa nhà.
Khác biệt văn hóa và trở ngại ngôn ngữ luôn là điều SV Việt Nam thường gặp khi học tập tại Mỹ. Đừng vội chủ quan ngay cả khi bạn đã có bằng IELTS 6.5, vì tôi chắc rằng bạn vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với người bản xứ. Dũng cảm bước ra khỏi vòng an toàn là chỉ giao lưu với bạn bè Việt Nam, điều mà SV du học hay mắc phải, thay vào đó là chủ động kết bạn với bạn bè quốc tế đã giúp tôi trưởng thành và tự tin hòa nhập với đời sống nước Mỹ.
Tại ĐH Illinois at Springfied, tôi học được cách tư duy và tính chủ động, sự thẳng thắn của họ trong việc đặt câu hỏi với các giáo sư cũng như sự quyết liệt trong tranh luận để giải quyết vấn đề. Tôi nhớ lần tranh luận về vấn đề tôn giáo của hai nhóm SV trong lớp đã nảy lửa đến mức họ tức giận bỏ ra ngoài, nhưng sau đó vẫn nói chuyện thân thiện với nhau như chưa có gì xảy ra. Phải nói rằng, điều này làm tôi thấy rất thú vị.
Tôi và bạn bè quốc tế tại Mỹ.
Hiện tại, tôi vẫn đang nỗ lực hết mình cho những công việc và dự định của mình, làm nhiều hơn, va chạm nhiều hơn để trưởng thành. Bạn biết không, câu hỏi mà mỗi SV du học Việt Nam đều rất bực khi nhận được từ người nước ngoài là: “Are you Chinese?” (bạn có phải người Trung Quốc không?). Lòng tự hào dân tộc của tôi như bị khiêu khích mỗi khi nhận được câu hỏi đó, càng làm tôi quyết tâm mình phải thật giỏi, thật giỏi để khẳng định một điều: châu Á không chỉ có Trung Quốc, và tôi là người Việt Nam, dân tộc chúng tôi không thua kém một dân tộc nào cả.
HOÀNG NGỌC PHÚC
SV Quản trị Kinh doanh khóa 2010, Chương trình Liên kết Quốc tế – ĐH Bách Khoa TP.HCM
Giám đốc điều hành marketing của Tổ chức Sinh viên châu Á, ĐH Illinois at Springfield
Hiện nay, ở bậc ĐH, Văn phòng Đào tạo Quốc tế – ĐH Bách khoa TP.HCM (OISP) đang có chương trình liên kết quốc tế với các trường ĐH danh tiếng của Úc, Mỹ, Nhật như ĐH Queensland, ĐH Griffith, ĐH Adelaide, ĐH Công nghệ Sydney, ĐH Latrobe, ĐH Illinois of Springfield, ĐH Illinois at Urbana Champaign, ĐH Massachusetts, ĐH Nagaoka, ĐH Kanazawa về đào tạo Kỹ sư Xây dựng, Cử nhân Công nghệ Thông tin, Kỹ sư Dầu khí, Kỹ sư Công nghệ Hóa, Kỹ sư Hóa Dược, Kỹ sư Cơ – Điện tử, Cử nhân Quản trị Kinh doanh, Kỹ sư Điện – Điện tử. Mô hình đào tạo chung của Văn phòng Đào tạo Quốc tế là bán du học: 2+2 hoặc 2,5+2. Sinh viên theo học 2 hoặc 2,5 năm tại ĐH Bách khoa TP.HCM, sau đó chuyển tiếp qua trường đối tác học tiếp 2 năm nữa để nhận bằng kỹ sư, cử nhân do trường đối tác cấp. Nội dung chương trình tại Việt Nam do các giáo sư, tiến sĩ, giảng viên chuyên nghiệp nước ngoài hoặc được đào tạo tại nước ngoài trực tiếp giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh (trừ chương trình liên kết với ĐH Nagaoka và ĐH Kanazawa, sinh viên học tại ĐH Bách khoa TP.HCM với sinh viên chính quy đại trà có tăng cường tiếng Nhật, sau đó chuyển tiếp sang ĐH Nagaoka và ĐH Kanazawa và học bằng tiếng Nhật). Văn phòng Đào tạo Quốc tế cam kết hỗ trợ sinh viên hoàn tất thủ tục chuyển tiếp sang các trường đối tác. Ngay từ năm nhất, sinh viên và phụ huynh sẽ được tư vấn chọn trường du học phù hợp, điều kiện chuyển tiếp, thủ tục xin thị thực cũng như định hướng học tập, sinh hoạt tại nước ngoài. Thời gian đăng ký xét tuyển khóa 2014: từ ngày 10/2 đến 16/8. Học sinh và phụ huynh quan tâm vui lòng truy cập vào đây để biết thông tin chi tiết. |
MINH ĐẠO ghi