7 thủ thuật giải quyết mâu thuẫn giúp làm việc nhóm hanh thông

Trong học tập hay làm việc, mâu thuẫn xảy ra khi làm việc nhóm là điều không thể tránh khỏi. Giữ hòa khí khi làm việc chung là chìa khóa giúp bạn giữ gìn, phát triển được nhiều mối quan hệ.

1. Bình tĩnh

Một trong những lý do khiến mâu thuẫn trở nên nghiêm trọng hơn là sự mất bình tĩnh. Khi mất bình tĩnh, chúng thường dễ trở nên giận dữ và không lắng nghe những gì người khác nói, thậm chí có thể đưa ra những quyết định sai lầm. Điều đó có thể khiến cho xung đột leo thang. Bình tĩnh là giải pháp quan trọng nhất khi mâu thuẫn xảy ra. 

2. Trò chuyện cùng nhau

Khi có mâu thuẫn xảy ra, ngồi xuống nói chuyện với nhau là việc cần thiết. Cả nhóm cần xác định quan điểm chung, mục tiêu chung, những quy định được đặt ra từ khi bắt đầu hoặc lợi ích mà dự án mang lại… Khi có cùng quan điểm, mọi người mới có thể dễ dàng giải quyết mâu thuẫn đang gặp phải, tránh tình trạng mỗi người một cách nhìn nhận vấn đề, không ai giống ai, dẫn đến việc không tìm ra giải pháp.

3. Lắng nghe

Lắng nghe là một trong những kỹ năng giao tiếp cần thiết khi làm việc nhóm. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người đối diện và không ngắt lời khi không cần thiết. Điều này sẽ giúp họ tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ với bạn những suy nghĩ của mình.

Hãy đảm bảo bạn đang lắng nghe nghiêm túc bằng cách chủ động đặt ra những câu hỏi để tìm hiểu suy nghĩ của họ, với sự cởi mở và thân thiện. Khả năng giao tiếp của bạn cũng sẽ được cải thiện đáng kể khi học cách lắng nghe tốt.

Lắng nghe là một trong những yếu tố giúp mâu thuẫn được giải tỏa nhanh chóng.

4. Phản biện

Bên cạnh việc lắng nghe và thấu hiểu thì phản biện là điều cần thiết để bạn có thể bày tỏ quan điểm của mình. Cần phân biệt rõ giữa phản biện và tranh cãi để tránh mâu thuẫn trở nên phức tạp hơn. Bằng việc nêu ý kiến cá nhân dựa trên các luận cứ rõ ràng, thuyết phục, kết hợp với tông giọng ôn hòa, chậm rãi, , lời nói của bạn sẽ dễ dàng được tiếp thu hơn.

5. Đặt câu hỏi phù hợp

Một cách hữu ích để có thêm thông tin giải quyết mâu thuẫn là đặt câu hỏi hợp lý. “Bạn kể lại câu chuyện từ đầu cho mình cùng nắm với nha!” là một ví dụ. Khai thác thông tin phù hợp bằng những câu hỏi mở sẽ giúp đối phương cởi mở hơn và sẵn sàng giãi bày những khó khăn với bạn.

Hạn chế đặt những câu hỏi đóng như “Bạn đã làm nó phải không?”, “Bạn là người mắc lỗi đúng không?”. Những câu hỏi dạng này sẽ khiến người khác cảm thấy đang bị tra khảo và khó chia sẻ hơn.

6. Cùng nhau đưa ra giải pháp

Nếu đối phương không đồng ý với phương hướng mà bạn đưa ra, hãy cố gắng thuyết phục họ tham gia vào quá trình giải quyết. Khi tất cả mọi người cùng tham gia, mâu thuẫn vừa nhanh chóng được gỡ bỏ, vừa đáp ứng mong muốn và lợi ích của đôi bên.

7. Hướng đến mục đích cuối cùng

Điều quan trọng khi có mâu thuẫn xảy ra tìm ra “nút thắt”, sau đó tìm giải pháp để hoàn thành các mục tiêu chung của cả nhóm, thay vì chú ý đến những sai lầm của một cá nhân nào đó. Nhìn nhận lỗi sai để khắc phục, không phải để chỉ trích, sẽ giúp tình bạn trong nhóm thêm bền chặt.

Bài: LINH LÊ – Hình: OISP

Bài trước

Bài tiếp